Nhịp đập Thị trường 14/05: Bảo toàn được sắc xanh, VN-Index tăng 3 điểm
Thị trường chứng khoán nhập cuộc phiên chiều kém hứng khởi hơn so với đầu phiên sáng. Chỉ số VN-Index giằng co mạnh hơn, song vẫn giữ được sắc xanh đến cuối phiên, dừng ở mức 1,243.28 điểm, tăng hơn 3 điểm so với phiên trước. Thị trường cũng phân hóa hơn với 362 mã tăng điểm và 334 mã giảm điểm, số mã đứng giá là 858 mã.
Giá trị giao dịch của VN-Index tại cuối phiên hơn 13,100 tỷ đồng, giảm 11% so với trung bình phiên trước.
Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng tăng nhẹ, lần lượt đóng cửa ở 236.95 điểm (+0.59) và 91.49 điểm (+0.01).
Số ngành giảm điểm áp đảo số ngành tăng điểm. Theo VS-Sector, kết phiên ngày 14/05, có 13 nhóm ngành giảm điểm; trong đó có các ngành đáng chú ý như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, xây dựng, vật liệu xây dựng.
Ngược lại, có 12 ngành tăng điểm; trong đó bán lẻ có mức tăng ấn tượng hơn 2%, ngành cao su cũng lấy lại đà tăng (+1.86%); kế đến là sản xuất nhựa – hóa chất, công nghệ thông tin, chế biến thủy sản (đã lấy lại đà tăng so mức giảm điểm cuối phiên sáng), chăm sóc sức khỏe đều tăng hơn 1%; ngành bất động sản cộng 0.92% so với phiên trước.
VIC vẫn là cổ phiếu dẫn đầu nhóm tác động tích cực đến VN-Index, HVN bất ngờ trở thành cổ phiếu có tác động tích cực lớn thứ 2 đến chỉ số, theo sau đó là MWG. Ngược lại, bộ ba cổ phiếu ngân hàng là BID, VCB, TCB lại đè nặng lên chỉ số, cùng một số cổ phiếu xếp sau như PLX, VJC, KDH.
Về khối ngoại, nhóm này bán ròng gần 724 tỷ đồng trong phiên hôm nay, lực bán giảm so với phiên trước. Tập trung bán ròng nhiều nhất đối với cổ phiếu VHM và cổ phiếu thép quốc dân HPG, lần lượt ghi nhận giá trị 127 tỷ đồng và 94 tỷ đồng. Chiều ngược lại, khối ngoại lại mua ròng nhiều nhất cổ phiếu MWG, hơn 211 tỷ đồng, con số này gần bằng tổng giá trị của 9 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất xếp sau.
Một số thị trường châu Á khác cũng ghi nhận diễn biến tích cực (trừ Shanghai Composite) như Singapore Straits Times, Nikkei 225 và Hang Seng.
Phiên sáng: Đuối sức về cuối
Kết phiên sáng, VN-Index dừng ở 1,243.98 điểm, tăng 3.8 điểm so với phiên trước. Chỉ số đi ngang trong phần lớn thời gian gần cuối phiên sáng. Độ rộng thị trường vẫn nghiêng về hướng tăng giá với 323 mã tăng điểm, 296 mã giảm giá và đứng giá là 955 mã. Giá trị giao dịch ghi nhận khoảng 6,250 tỷ đồng, thấp hơn so với trung bình 6,443 tỷ đồng.
Các nhóm ngành tăng điểm từ đầu phiên cũng có dấu hiệu thu hẹp đà tăng, như sản phẩm cao su. Trong khi đó, sắc đỏ vẫn còn hiện diện ở các nhóm như bán buôn, chế biến thủy sản, khai khoáng, nông – lâm – ngư,...và đang có tín hiệu lan rộng hơn.
Nhóm chứng khoán diễn biến khá phân hóa, nhiều cổ phiếu đứng giá như VCI, VND, VIX, FTS và MBS.
Các cổ phiếu họ APEC với IDJ, API, APS vẫn giữ được màu tím. Kết phiên sáng, thị trường có 18 mã tăng trần. Diễn biến tương tự cũng xảy ra đối với nhóm ngân hàng.
Về cổ phiếu tác động VN-Index, vẫn là VIC đóng vai trò dẫn đầu, làm bệ đỡ vững chắc, đối trọng lại các cổ phiếu tác động giảm điểm từ phía bên kia như VCB, TCB, PLX hay VJC. Theo sau VIC là VNM, GVR, VPB, HDB…
Khối ngoại ghi nhận giá trị bán áp đảo, hơn 473 tỷ đồng giá trị ròng trên cả 3 sàn. Cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là VHM, gần 83 tỷ đồng; xếp sau là cổ phiếu VPB, bị bán ròng gần 43 tỷ đồng. Ngược lại, MWG là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất.
Nhìn rộng ra thế giới, các chỉ số chứng khoán như Hang Seng và Nikkei tăng điểm trong phiên sáng, trong khi Shanghai Composite và Singapore Straits Times giảm điểm.
10h45: Về vạch xuất phát
Tâm lý tích cực từ đầu phiên được duy trì, đưa chỉ số có lúc chạm mốc 1,252.43 điểm, tức tăng 12.25 điểm, nhưng cũng từ đó, VN-Index bắt đầu tuột dốc về lại điểm xuất phát.
Do đầu phiên VN-Index mở gap tăng, nên dù về vạch xuất phát, chỉ số vẫn tăng hơn 6 điểm so với phiên trước và giao dịch quanh 1,246.46 điểm, tính đến 10h30. Thanh khoản thị trường có sự cải thiện, ghi nhận khoảng 4,600 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 12% so với trung bình phiên trước đó.
Diễn biến các nhóm ngành đang đi theo chiều hướng tiêu cực hơn đầu phiên, sắc đỏ dần lan rộng sang một số ngành như khai khoáng, bán buôn, sản xuất hàng gia dụng, vận tải – kho bãi, nông – lâm – ngư.
Về yếu tố liên quan đến nhóm nông – lâm – ngư, tờ Financial Express gần đây đưa tin về việc Ấn Độ có thể cân nhắc gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo, xét đến tình trạng dư thừa gạo và dự báo mùa gieo trồng thuận lợi hơn trong thời gian tới.
Đáng chú ý, dù có được thông tin hỗ trợ nhưng nhóm chế biến thủy sản vẫn chịu áp lực giảm điểm. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 4/2024 đạt 770 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt tổng cộng 2.7 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Một điểm đáng chú ý khác là loạt cổ phiếu họ APEC như API, APS và IDJ vẫn đang tăng trần mà chưa tìm ra lý do.
Về phía các cổ phiếu tác động mạnh đến thị trường, VIC – nhóm bất động sản đang dẫn đầu nhóm thúc đẩy đà tăng của chỉ số, xếp sau là GVR. Loạt ngân hàng như VPB, VIB, BID, MBB hay HDB cũng góp phần vào đà tăng hiện tại của chỉ số. Ngược lại, VCB lại tác động tiêu cực nhất lên thị trường, theo sau là VJC, TCB, PLX và DGC…
Khối ngoại sáng nay ghi nhận lực bán áp đáo, giá trị bán ròng hơn 325 tỷ đồng.
Mở cửa: Mở cửa tăng điểm
Phiên sáng, thị trường chứng khoán mở cửa tích cực sau nhiều phiên giảm điểm trước đó. Đến 9h39, VN-Index tăng hơn 6.6 điểm lên quanh 1,246.82 điểm. Độ rộng thị trường nghiên về hướng tăng giá với 322 mã, giảm giá 151 mã và đứng giá 1,107 mã.
Các nhóm ngành cũng có diễn biến tương tự, phần lớn mở cửa với sắc xanh, đáng chú ý ngành sản phẩm cao su tăng mạnh, theo sau là ngành bất động sản. Tuy nhiên, vẫn có một số ngành giảm điểm nhẹ như bán lẻ, sản xuất hàng gia dụng, dịch vụ lưu trú – ăn uống – giải trí, vận tải – kho bãi.
Bên kia bán cầu, kết thúc phiên giao dịch ngày 13/05, chỉ số Dow Jones lùi 81.33 điểm (tương đương 0.21%) xuống 39,431.51 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0.02% xuống 5,221.42 điểm. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite tiến 0.29% lên 16,388.24 điểm.
Kha Nguyễn
FILI
|