Nhiều cổ phiếu “cất cánh” sau kết quả kinh doanh tích cực
Vẫn như mọi khi, nhà đầu tư tỏ ra hứng khởi trước những thông tin lợi nhuận vượt dự báo.
Sau dịp lễ kéo dài nhiều ngày, sàn chứng khoán Việt vẫn chưa trở lại với vẻ sôi động vốn có, nhưng sự hứng khởi đã bắt đầu nhen nhóm ở nhóm cổ phiếu công bố kết quả kinh doanh tích cực.
Gần đây nhất, Vietnam Airlines (HOSE: HVN) vừa công bố khoản lãi hơn 4,300 tỷ đồng, là mức lớn nhất từ trước đến nay, và cổ phiếu cũng “tím trần” lên 18,500 đồng/cp.
Vietnam Airlines ghi nhận bước nhảy vọt trong hoạt động kinh doanh giữa lúc thị trường hàng không thiếu máy bay, nhu cầu đi lại dịp cao điểm Tết lớn đẩy giá vé máy bay nội địa lên cao. Ngoài ra, sự trở lại của các tuyến bay quốc tế cũng góp công vào bức tranh kinh doanh tích cực của Vietnam Airlines. Trong quý 1/2024, các chuyến bay quốc tế đóng góp 65% vào tổng doanh thu vận tải hàng không.
Đi kèm với sự hồi phục của thị trường hàng không, Vietnam Airlines ghi nhận khoản thu nhập khác tới 3,630 tỷ đồng từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines và tiền phạt thu được.
Một doanh nghiệp khác cũng báo lãi kỷ lục là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV). Trong quý 1/2024, chủ dự án sân bay Long Thành ghi nhận khoản lãi ròng hơn 2,900 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ.
Ngành hàng không hồi phục, mức biên lợi nhuận cao ngất ngưỡng, cùng với khoản lãi từ hoạt động tài chính là những lý do chính góp phần vào bức tranh kinh doanh tích cực của ông trùm sân bay Việt.
Ngay sau khi chủ đầu tư sân bay Long Thành công bố lợi nhuận kỷ lục, cổ phiếu ACV lập tức tăng hơn 10% trong 2 phiên gần nhất và vốn hóa cũng vượt mốc 200,000 tỷ đồng.
Ở một trường hợp khác, cổ phiếu của CTCP Phú Tài (HOSE: PTB) cũng vừa tăng mạnh sau khi báo cáo quý 1 được công bố.
Trong quý 1/2024, công ty chuyên sản xuất đồ gỗ và đá ghi nhận lãi ròng gần 90 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Theo lý giải từ công ty, kết quả tích cực đến từ sự hồi phục của sản lượng tiêu thụ đá và gỗ. Bên cạnh đó, sự suy giảm chi phí tài chính, cùng với khoản lãi chênh lệch tỷ giá cũng góp phần vào bức tranh tích cực.
Ngay sau khi báo cáo được công bố, cổ phiếu PTB có lúc tăng trần lên 69,100 đồng/cp, trước khi hạ nhiệt và chỉ còn tăng 6%.
Kế đó, ông lớn bán lẻ Thế giới Di động (HOSE: MWG) cũng chứng kiến cổ phiếu diễn biến tích cực trong vài phiên gần đây. Trong quý 1/2024, ông lớn bán lẻ ghi nhận sự hồi phục đáng kể trong hoạt động kinh doanh, với khoản lãi ròng hơn 900 tỷ đồng, gấp hàng chục lần cùng kỳ.
Điều này là nhờ các mảng kinh doanh đang trở nên tích cực hơn so với trước, mảng điện thoại bớt khó, mảng điện máy được hỗ trợ bởi doanh số bán máy lạnh, trong khi mảng bách hóa đang dần tiến tới điểm hòa vốn. Ngoài ra, đây cũng là kết quả của quá trình tái cấu trúc tập đoàn, trong đó cắt bỏ những cửa hàng không hiệu quả, giảm bớt nhân sự.
Hiện tại, giới đầu tư đang theo dõi sát sao diễn biến ở chuỗi Bách Hóa Xanh khi chuỗi này dần dần tiến tới điểm hòa vốn và có thể trở thành động lực tăng trưởng mới của MWG. Trong quý 1, chuỗi Bách Hóa Xanh chỉ còn lỗ hơn 100 tỷ đồng, thu hẹp đáng kể so với mức hơn 300 tỷ của quý trước đó. Ngoài ra, gần đây, MWG cũng hoàn tất thương vụ bán 5% vốn tại Bách Hóa Xanh cho CDH Investments - công ty quản lý tài sản đến từ Trung Quốc.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MWG đã tăng 14% trong 6 phiên vừa qua. Đáng chú ý, trong phiên 03/05, thanh khoản cũng đạt kỷ lục mới với hơn 29 triệu cp được sang tay.
Ở một trường hợp khác, cổ phiếu AGG của công ty bất động sản An Gia (HOSE: AGG) cũng tăng mạnh nhờ kết quả kinh doanh tích cực.
Trong ba tháng đầu năm, AGG ghi nhận doanh thu thuần tăng gấp 7 lên so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,312 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng đạt 214 tỷ đồng, gấp 18 lần cùng kỳ và đánh dấu quý có mức lãi sau thuế cao nhất trong 9 quý qua.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu AGG tăng gần 20% trong 5 phiên gần nhất.
Vũ Hạo
FILI
|