Nguyên nhân nào khiến Hanoi Metro lãi khủng năm 2023?
Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) công bố BCTC 2023. Dù lãi gộp đi xuống, nhưng “núi tiền” gần 700 tỷ đồng giúp Doanh nghiệp lãi khủng nhờ lãi tiền gửi. Năm 2024, Công ty đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng.
Các chỉ số kinh doanh của Hanoi Metro trong năm 2023
|
Trong năm qua, Hanoi Metro đạt 515 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 7%. Tuy nhiên, giá vốn tăng 9%, lên 507 tỷ đồng, nên lãi gộp chỉ còn 7.8 tỷ đồng, giảm 51% so với năm trước.
Cơ cấu chi phí sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp cho thấy năm qua tốn gần 526 tỷ đồng. Trong đó chiếm nhiều nhất là chi phí khấu hao tài sản cố định với gần 226 tỷ đồng, tương đương với mức năm trước đó. Kế đến là chi phí khác bằng tiền 123 tỷ đồng, tăng 24%; chi phí nhân công 111 tỷ đồng, tăng 11%.
Dù lãi gộp đi xuống, Hanoi Metro có thêm 27 tỷ đồng doanh thu tài chính (năm trước chỉ 2.1 tỷ đồng). Sau cùng, Doanh nghiệp lãi sau thuế 13 tỷ đồng, gấp gần 6 lần năm trước.
Khoản doanh thu tài chính tăng đột biến của Hanoi Metro chính là lãi tiền gửi. Thời điểm cuối năm 2023, tài sản ngắn hạn của Doanh nghiệp đạt 808 tỷ đồng, tăng 77% so với đầu năm. Trong đó, tới 85% là tiền mặt và tiền gửi (687 tỷ đồng), đầu năm chỉ gần 88 tỷ đồng.
Phần lớn giá trị tài sản của Hanoi Metro là tài sản dài hạn, ghi nhận hơn 2.2 ngàn tỷ đồng, thấp hơn đầu năm 14%.
Phía nguồn vốn, nợ phải trả giảm mạnh còn 347 tỷ đồng (đầu năm hơn 3 ngàn tỷ đồng). Doanh nghiệp gần như không còn nợ vay. Phần lớn nợ phải trả là nợ ngắn hạn, trong đó có 212 tỷ đồng là nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước, được cấp cho tuyến đường sắt 2A từ khi thành lập đến ngày tiếp nhận tài sản công là dự án đường sắt đô thị Hà Nội – tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Hanoi Metro trực thuộc UBND TP. Hà Nội, hiện là đơn vị vận hành tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông. Trong bản kế hoạch năm 2024, Doanh nghiệp cho biết sẽ thành lập 2 chi nhánh vận hành cho tuyến 2A (Cát Linh – Hà Đông) và tuyến 3.1 (Nhổn – ga Hà Nội, đoạn đường sắt trên cao). Trong đó, tuyến số 2A sẽ được triển khai áp dụng KPI cùng hệ thống để quản lý, đánh giá chất lượng; tuyến 3.1 triển khai 7 nhóm công việc để đưa vào vận hành, đáng chú ý là công tác thí điểm, vận hành thử, và đặt chính sách giá vé cũng như cơ chế đặt hàng, trợ giá.
Theo quyết định của UBND TP. Hà Nội vào tháng 09/2023 về việc bàn giao tài sản dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh Hà Đông (tuyến 2A), giá trị tài sản xác định theo giá tạm tính để bàn giao cho Hanoi Metro theo đề nghị của Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc bộ Giao thông Vận tải và chủ đầu tư dự án là gần 2,668 tỷ đồng. Trong đó, chi phí mua sắm đoàn tàu 1,717 tỷ đồng, chi phí thiết bị 815 tỷ (gồm hệ thống thiết bị công nghệ bảo dưỡng đoàn tàu 471 tỷ đồng, hệ thống AFC 344 tỷ đồng), đào tạo và chuyển giao công nghệ gần 136 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của Hanoi Metro hiện là 2,672 tỷ đồng, gồm tài sản bàn giao dự án 2,668 tỷ đồng nêu trên và dự án HTKT “tăng cường năng lực cơ quan quản lý ĐSĐT HN và thành lập Công ty Vận hành Bảo dưỡng Các Tuyến ĐSĐT trên địa bàn TP. Hà Nội” gần 4.3 tỷ đồng.
Tàu trong tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Hanoi Metro vận hành
|
Về kế hoạch kinh doanh 2024, Hanoi Metro đặt mục tiêu thực hiện 81,577 lượt tàu chở khách cho năm 2023 – tương đương gần 11 triệu lượt khách, vận hành gần 1.1 triệu km. Tổng doanh thu dự kiến là hơn 529 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 13.4 tỷ đồng, đều tăng nhẹ so với 2023.
Năm 2024, Hanoi Metro có 1 dự án chuyển tiếp là dự án hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông. Mức đầu tư của dự án là 136 tỷ đồng, thực hiện từ 2019-2024.
Châu An
FILI
|