Thứ Tư, 15/05/2024 13:06

Ngành thép quý 1: Niềm vui không dành cho tất cả

Ngành thép rõ ràng đã qua đáy, nhưng không phải công ty nào cũng tận hưởng niềm vui từ sự phục hồi của ngành.

Quý 1/2024, ngành thép vẫn đối mặt với nhiều áp lực từ cả trong lẫn ngoài nước. Ở Việt Nam, nhu cầu chưa hồi phục, thị trường bất động sản đóng băng, và thép giá rẻ từ Trung Quốc bắt đầu tràn vào. Trong khi đó, thị trường quốc tế vẫn còn bị ảnh hưởng bởi lạm phát và lãi suất cao.

Trong bối cảnh thách thức đó, nhiều doanh nghiệp vẫn ghi nhận kết quả phục hồi.

Điển hình là “vua thép” Hòa Phát công bố kết quả kinh doanh tích cực, với doanh thu thuần đạt 30,852 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023; lãi ròng 2,869 tỷ đồng, gấp 7.2 lần cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cũng gấp đôi cùng kỳ, đạt hơn 13%.

Sự hồi phục của hoạt động bán thép là động lực chính cho kết quả kinh doanh tích cực của HPG, trong đó thép xây dựng của Hoà Phát được cung cấp cho các dự án đầu tư công, trong khi thép HRC cũng có nhu cầu cao ở trong nước. Điều này thể hiện qua sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC của Hòa Phát 3 tháng đầu năm tăng mạnh 34% so với cùng kỳ, đạt 1.85 triệu tấn.

Hiện tại, Hòa Phát đang chuẩn bị cho tương lai xa hơn bằng việc xây dựng dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025.

Sự tích cực cũng thể hiện ở nhóm tôn mạ. Trong 3 tháng đầu năm, ông trùm tôn mạ Hoa Sen (HOSE: HSG) ghi nhận bước tiến lớn trong kết quả kinh doanh, với doanh thu thuần gần 9,250 tỷ đồng và lãi ròng gần 320 tỷ đồng, tăng trưởng 32% và 27% so với cùng kỳ.

Sự hồi phục về lượng tiêu thụ, cùng với phần đóng góp tăng mạnh của mảng tài chính là nguyên nhân chính tạo nên khoản lãi lớn của Hoa Sen. Trong giai đoạn này, HSG đang tận dụng lúc giá HRC thấp để tăng hàng tồn kho, với hàng tồn kho tăng thêm 4,000 tỷ đồng sau 1 quý.

Tương tự, CTCP Thép Nam Kim (HOSE: NKG) và CTCP Tôn Đông Á (UPCoM: GDA) cũng cải thiện đáng kể lợi nhuận trong quý 1, đạt tương ứng 150 tỷ đồng và 95 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý 1/2024 của nhóm thép

Đvt: Tỷ đồng

Vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp gặp khó

Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng hưởng niềm vui hồi phục của ngành.

Quý 1/2024, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel, UPCoM: TVN) ghi nhận doanh thu thuần hơn 7,500 tỷ đồng và lãi ròng 36 tỷ đồng, giảm 10% và 44% so với cùng kỳ.

Còn Pomina (POM) vẫn đang chìm trong khủng hoảng chưa có lối thoát. Trong 3 tháng đầu năm, Pomina lỗ ròng 225 tỷ đồng và đánh dấu 8 quý kinh doanh thua lỗ liên tiếp.

Theo giải trình của Pomina, nhà máy thép Pomina 3 và nhà máy Pomina 1 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh chịu chi phí: Chi phí quản lý, chi phí lãi vay... Công ty cho biết, vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư mới để tái cấu trúc công ty.

Thép Thủ Đức (TDS) và Thép Vicasa (VCA) cũng chứng kiến lãi ròng giảm tương ứng 37% và 78%.

Doanh nghiệp chuyên gia công và thương mại thép SMC cũng gặp nhiều khó khăn. Quý 1/2023, công ty lãi ròng hơn 180 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là từ khoản lãi bán cổ phiếu NKG.

Tại đại hội gần đây, Tổng Giám đốc Đặng Huy Hiệp cho biết, các mảng kinh doanh của SMC, bao gồm thương mại, gia công và sản xuất, đều đang gặp khó khăn. Trong đó, mảng thương mại thép bị ảnh hưởng từ thị trường bất động sản, và phải chuyển hướng sang làm dân dụng để duy trì thị trường. Mảng sản xuất ống thép, thép mạ ghi nhận lỗ và đang thu hẹp quy mô sản xuất. Mảng gia công là mảng ổn định nhất tại SMC, nhưng hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, mối lo ngại lớn nhất của SMC là vấn đề trích lập dự phòng với công nợ Novaland. Nếu không xử lý được khoản nợ, SMC sẽ phải trích lập dự phòng thêm 90 tỷ đồng trong quý 2 và tổng cộng gần 300 tỷ  đồng cho cả năm 2024. "Khoản trích lập này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận, do đó SMC đang làm việc quyết liệt với Novaland và các đối tác khác", . “SMC nhất định phải xử lý trong năm nay, có thể là trước thời điểm ngày 30/06”.

Ngành thép vẫn khó

Nhận định về năm 2024, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thép tỏ ra thận trọng và cho rằng tình hình khó khăn vẫn còn tiếp diễn đến hết năm nay.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch HSG Lê Phước Vũ chia sẻ: “Các xu thế đang bất ổn, không đi theo một quy luật nào cả. Tình hình địa chính trị đang rất phức tạp, người ta còn cảnh báo về nguy cơ thế chiến thứ 3. Còn có xung đột giữa Irael với Trung Đông, Nga và Ukraine và nhiều xung đột khác”.

Ông Vũ nhấn mạnh: "Chúng ta không nên chủ quan, nên ở thế phòng thủ nhiều hơn”.

Trong khi đó, ở ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của NKG, Tổng Giám đốc Võ Hoàng Vũ cho biết, nhu cầu nội địa vẫn rất thấp, khi doanh nghiệp không mặn mà đầu tư xây dựng nhà xưởng của doanh nghiệp, trong khi nhu cầu xây dựng, sửa sang nhà cửa của người dân còn thấp,  nhu cầu quốc tế cũng bị ảnh hưởng bởi lạm phát và lãi suất cao. Vị lãnh đạo NKG kỳ vọng phải đến năm 2025 thị trường thép mới phục hồi.

Cũng chia sẻ quan điểm trên, Chủ tịch HMC Võ Trí Nghĩa, cho rằng “tình hình thực tế vẫn đầy khó khăn và chưa thể nói là khởi sắc như đánh giá của nhiều bên”. Ông chỉ tới nỗi lo về tỷ giá, lạm phát cũng như sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc là lý do để tỏ ra thận trọng về thị trường thép trong năm 2024.

“Thế giới vẫn khó lường, chiến tranh kéo dài, chỉ cần một bên có biến động thì các dự báo, tính toán cũng sẽ thay đổi”, ông Nghĩa cho biết.

Trong khi đó, các chuyên viên phân tích tại CTCK Rồng Việt (VDSC) tỏ ra tích cực hơn về ngành này với kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ phục hồi trở lại và đầu tư công sẽ thúc đẩy tiêu thụ thép.

 Hơn nữa, giá nguyên vật liệu cho sản xuất thép đã giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành.

VDSC dự báo lợi nhuận ngành thép sẽ khả quan từ mức nền thấp năm 2023, với mức tăng trưởng hai chữ số. “Triển vọng tiêu thụ và quản trị biên lợi nhuận của ngành thép đã tạo đáy và từng bước phục hồi theo chu kỳ hồi phục của nền kinh tế”, các chuyên viên phân tích nhận định.

Tuy vậy, các chuyên gia phân tích tại VDSC lưu ý tới tình trạng dư thừa công suất ở Trung Quốc và có thể gây tác động tiêu cực tới thị trường Việt Nam.

“Chúng tôi lưu ý về rủi ro thị trường thép Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường Trung Quốc (đặc biệt là thép xây dựng),  vấn đề cạnh tranh về mặt bán hàng với các nhà sản xuất thép nội địa và giá thép Việt Nam chịu ảnh hưởng từ sự biến động của giá thép Trung Quốc, với sự tương quan cao giữa các thị trường”, VDSC nhận định.

Vũ Hạo

FILI

Các tin tức khác

>   Lỗ 4 năm liên tiếp, Đường Man không thể trả lãi, gốc trái phiếu (15/05/2024)

>   SVD: Thông báo thời gian, địa điểm và link cung cấp tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 (15/05/2024)

>   VHC: BCTC Hợp nhất quý 1 năm 2024 (14/05/2024)

>   VHC: BCTC quý 1 năm 2024 (14/05/2024)

>   Kita Invest báo lãi gần 45 tỷ đồng trong năm 2023 (15/05/2024)

>   FUEDCMID: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 12/05/2024 (14/05/2024)

>   FUEVFVND: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 12/05/2024 (14/05/2024)

>   FUEIP100: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 13/05/2024 (14/05/2024)

>   FUEBFVND: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 13/05/2024 (14/05/2024)

>   FUEKIVFS: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 13/05/2024 (14/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật