Làm gì để quản lý thuế hiệu quả trong bối cảnh Kinh tế Số phát triển?
Nền kinh tế số mang đến những cơ hội to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội, song nó cũng đặt ra những vấn đề mới cho công tác quản lý thuế, đặc biệt là vấn đề quản lý tuân thủ của người nộp thuế.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. (Ảnh: Vietnam+)
|
Việc quản lý tuân thủ thuế trong nền Kinh tế Số gặp nhiều khó khăn hơn so với nền kinh tế truyền thống do tính phức tạp, tính đa dạng và tính toàn cầu của các hoạt động kinh tế.
Để có những giải pháp quản lý phù hợp, hiệu quả để đảm bảo nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước, ngày 13/5, Tổng cục Thuế đã tổ chức hội thảo "Quản lý tuân thủ thuế trong nền Kinh tế Số."
Quản lý bằng dữ liệu
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết đến thời điểm hiện tại thì cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp và hơn 3 triệu hộ kinh doanh và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân. Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và chủ trương đẩy mạnh hội nhập, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh.
Trước tình hình đó, ngành thuế đã chủ động triển khai công tác quản lý rủi ro tuân thủ pháp luật thuế. Trong đó, ngành đã thực hiện tổ chức thu thập, xử lý dữ liệu bên trong và từ các cơ quan, tổ chức bên ngoài ngành thuế. Bên cạnh đó, các Bộ chỉ số tiêu chí, quy trình và ứng dụng về phân tích, nhận diện rủi ro người nộp thuế đã được xây dựng để hỗ trợ cho công tác quản lý thuế. Trên cơ sở nguồn dữ liệu, Cơ quan Thuế lựa chọn người nộp thuế thực hiện kiểm tra, thanh tra thuế cũng như phân loại hồ sơ hoàn thuế và xây dựng kế hoạch kiểm tra sau hoàn thuế. Đây cũng là căn cứ giúp việc quản lý, giám sát chặt chẽ về việc sử dụng hoá đơn của người nộp thuế, từ đó phòng ngừa gian lận hóa đơn, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Hội thảo "Quản lý tuân thủ thuế trong nền Kinh tế Số," ngày 13/5. (Ảnh: Vietnam+)
|
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự bùng nổ của Internet và các nền tảng số, đã tạo ra một nền kinh tế số đầy tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức. Trên thực tế, nền kinh tế số mang đến những cơ hội to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội, song nó cũng đặt ra những vấn đề mới cho công tác quản lý thuế, trong đó vấn đề quản lý tuân thủ thuế đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Theo ông Minh, các giao dịch diễn ra trên môi trường mạng, thông qua các nền tảng số, khiến cho việc theo dõi, kiểm soát và quản lý trở nên khó khăn hơn.
“Do đó, ngành thuế đã bắt tay vào nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới dựa trên phân tích dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ pháp luật thuế. Cụ thể, Cơ quan Thuế đã tổ chức triển khai hiệu quả công tác thu thập, phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử nói riêng, dữ liệu quản lý thuế nói chung. Cơ sở dữ liệu đối soát dữ liệu lớn với hoá đơn điện tử và chức năng cảnh báo xuất hoá đơn vượt ngưỡng an toàn đã được xây dựng. Đặc biệt, ngành đang bước đầu nghiên cứu, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích dữ liệu hoá đơn điện tử để phát hiện rủi ro giá bất thường, chuỗi mua bán hóa đơn, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng, phân tích chuỗi mua bán hóa đơn theo từng mặt hàng rủi ro hoặc theo chuỗi quan hệ mua bán của các doanh nghiệp trong nền kinh tế giúp tìm các chuỗi nghi ngờ ( như mua bán lòng vòng, chỉ mua không bán, chỉ bán không mua, xuất khống hóa đơn...),” ông Minh cho hay.
Cải cách quản lý
Theo ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Tài chính, Bộ Tài chính, cải cách quản lý thuế đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp, theo phương pháp quản lý rủi ro. Trên cơ sở đó, ứng dụng công nghệ thông tin phải được đẩy mạnh cùng với đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân.
Ông Quỳnh nhấn mạnh trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản: Thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; Nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; Công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.
Theo đó, ông Quỳnh đề xuất một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc áp dụng quản lý rủi ro trong công tác quản lý thuế. Cụ thể, Cơ quan Thuế cần phân loại mức độ tuân thủ pháp luật và mức độ rủi ro của người nộp thuế. Thêm vào đó, ngành tăng cường hơn nữa việc áp dụng quản lý rủi ro trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, quản lý thuế quốc tế. Cuối cùng là xây dựng phương pháp quản lý rủi ro theo hướng tự động hóa.
Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Frank van Brunschot, chuyên gia kinh tế cấp cao, Vụ các Vấn đề về Tài khoá, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chia sẻ công tác quản lý phải đảm bảo ở cấp độ toàn quốc về các rủi ro tuân thủ đối với tất cả các sắc thuế cũng như tất cả các phân đoạn được đánh giá và sắp xếp ưu tiên.
“Tại nhiều nước, các đầu mối sở hữu rủi ro và lãnh đạo cục thuế địa phương luôn cố gắng tìm kiếm thêm nguồn lực bổ sung cho các hoạt động tuân thủ. Giá trị thực sự của quy trình quản lý rủi ro tuân thủ trên phạm vi toàn quốc là tất cả những yêu cầu như vậy đều được cân nhắc thông qua một phương pháp luận bài bản, có cấu trúc, trên cấp độ toàn quốc,” ông Frank van Brunschot nói.
Nhấn mạnh việc quản lý thuế theo phương pháp phân tích rủi ro, đánh giá tuân thủ của người nộp thuế là phương hiện đại, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết nhiều quốc gia đang áp dụng phương pháp này vì nó mang lại hiệu quả cao, giúp giảm chi phí quản lý cho cơ quan thuế cũng như người nộp thuế.
Bà Cúc phân tích quy định của Luật Quản lý thuế chỉ ra rủi ro về thuế là nguy cơ không tuân thủ pháp luật của người nộp thuế dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước. Trong đó, quản lý rủi ro là việc áp dụng có hệ thống quy định của pháp luật, các quy trình nghiệp vụ để xác định, đánh giá và phân loại các rủi ro có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả, hiệu lực quản lý thuế. Điều này sẽ là cơ sở để Cơ quan Thuế phân bổ nguồn lực hợp lý và áp dụng các biện pháp tối ưu.
Bà Cúc nhấn mạnh đến thời điểm này, Cơ quan Thuế đã cung cấp dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử đạt gần 100% đối với doanh nghiệp. Thêm vào đó, việc triển khai thành công hóa đơn điện tử trên toàn quốc, góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp và phương thức quản lý của Cơ quan Thuế theo hướng tự động, nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng.
Bên cạnh việc thực hiện điện tử hóa trong quy trình quản lý thuế rủi ro, để nâng cao tính tuân thủ tự nguyện, bà Cúc cho rằng cần thực hiện công tác thi đua khen thưởng cho người nộp thuế tuân thủ cao và kết hợp thêm một số biện pháp khuyến khích khác (như hoàn thuế, giãn thời gian thanh tra kiểm tra…). Ngược lại, với các đơn vị không tuân thủ phải áp dụng các biện pháp công khai thông tin, tăng cường thanh tra kiểm tra…/.
Hạnh Nguyễn
VIETNAMPLUS
|