Doanh nghiệp tự quyết, giá xăng dầu sẽ "mấp mô"
Đại diện Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đồng tình với việc nên để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu để người dân có quyền lựa chọn giá tốt.
Tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu ngày 14-5, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết có 4 nội dung lớn trong dự thảo, trong đó nội dung về công thức và cơ chế giá xăng dầu nhận được nhiều sự quan tâm. Tại hội thảo này, ông Chinh cũng mong muốn được lắng nghe các ý kiến từ phía doanh nghiệp về cơ chế giá xăng dầu.
Nhiều doanh nghiệp đóng góp ý kiến tại hội thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu
|
Theo ông Chinh, dự thảo Nghị định lần này tiếp cận theo hướng thị trường hơn khi để doanh nghiệp tự quyết định giá xăng dầu. Theo đó, Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 7 ngày/lần, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như thuế, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức đã được quy định tại Nghị định để công bố giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường.
Về nội dung này, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (Vinpa), cũng thống nhất điều hành giá xăng dầu 7 ngày/lần như hiện hành. Ông Khanh cũng cho rằng nên để doanh nghiệp quyết định giá bán lẻ xăng dầu. "Khi doanh nghiệp quyết định giá, trên thị trường sẽ có giá xăng dầu "mấp mô, người tiêu dùng có quyền được lựa chọn"- ông Khanh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Vinpa cũng đề nghị với các yếu tố trong công thức giá do Nhà nước quyết định, công bố, cần tính đúng, tính đủ, tính kịp thời để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tạo nguồn và có chiết khấu hợp lý cho hệ thống xăng dầu.
Ông Trịnh Quang Khanh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ bớt một số điều kiện mang tính "chung chung" trong kinh doanh xăng dầu để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó có điều kiện "nhân viên cửa hàng xăng dầu" phải đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường.
Tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương cũng đề xuất thương nhân phân phối chỉ được nhập hàng từ doanh nghiệp đầu mối, không được mua hàng lẫn nhau. Trước đây, các thương nhân phân phối được mua hàng lẫn nhau, cơ quan thanh tra hồi đầu năm 2024 đã kết luận một số thương nhân phân phối mua bán lòng vòng, thu lợi bất chính.
Ông Hoàng Trung Dũng, một thương nhân phân phối, cho rằng quy định thương nhân phân phối không được mua hàng của nhau, chỉ được nhập hàng từ đầu mối như đề xuất của Bộ Công Thương đang hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp. "Trước đây chúng tôi được mua hàng của nhau, như vậy có độ mở trong hoạt động kinh doanh. Ở dự thảo mới này, chúng tôi chỉ được nhập hàng từ đầu mối, ở đây có sự hạn chế quyền của doanh nghiệp"- ông Dũng nói.
Mặt khác, ông Dũng cũng nhìn nhận dự thảo đang xây dựng theo hướng có sự "phân biệt đối xử với các doanh nghiệp" khi doanh nghiệp đầu mối được nhập từ nhiều nguồn, mua hàng lẫn nhau nhưng thương nhân phân phối thì không. "Điều này gây khó cho thương nhân phân phối chúng tôi, như ở thời điểm 2022, nguồn cung xăng dầu gặp vấn đề, chúng tôi gọi, hỏi đầu mối kiếu gì cũng không được, vậy lúc đó chúng tôi nhập hàng ở đâu?"- ông Dũng đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Đồng Nai, cũng cho rằng việc không cho thương nhân phân phối mua hàng lẫn nhau là chưa phù hợp, quy định này không khuyến khích doanh nghiệp phát triển mà ngược lại, đang hạn chế.
Ông Phụng cũng nhấn mạnh quy định hiện hành đang quá ưu ái doanh nghiệp đầu mối, trao quá nhiều quyền cho họ, trong khi các thương nhân phân phối bị hạn chế quyền khi không được mua hàng của nhau.
Trao đổi lại một số ý kiến của doanh nghiệp về đề xuất các thương nhân phân phối mua hàng của nhau, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết qua quan sát của ông, đề xuất của Bộ Công Thương có thể xuất phát từ các kết luận của cơ quan thanh tra về hoạt động của thương nhân phân phối vừa qua.
Minh Chiến
Người lao động
|