Thứ Hai, 06/05/2024 13:17

ĐHĐCĐ Gỗ An Cường: Mất 1/3 doanh thu và lợi nhuận vì mảng dự án, điểm sáng ở mảng xuất khẩu

“Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng tình hình thị trường vẫn còn rất yếu, chỉ có mảng xuất khẩu đang tăng trưởng mạnh”, Chủ tịch Lê Đức Nghĩa chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Gỗ An Cường diễn ra vào sáng ngày 06/05.

Chủ tịch Lê Đức Nghĩa trả lời câu hỏi của cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của ACG. Ảnh chụp màn hình.

Nhìn lại, ban lãnh đạo của An Cường đánh giá năm 2023 là một năm nhiều nốt trầm của kinh tế thế giới khi căng thẳng địa chính trị leo thang, lạm phát và lãi suất duy trì ở mức cao.

Tại Việt Nam, thị trường bất động sản đóng băng đã buộc An Cường phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh bằng cách giảm tỷ trọng bán hàng cho các dự án bất động sản và tăng cường mảng xuất khẩu trực tiếp.

Bất chấp các nỗ lực xoay chuyển, Công ty vẫn ghi nhận một sụt giảm lợi nhuận đáng kể, giảm 29% so với cùng kỳ, đạt gần 437 tỷ đồng.

Phải đến năm 2025-2026, thị trường mới tốt trở lại

Nhìn vào năm 2024, ban lãnh đạo An Cường có phần thận trọng do kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều áp lực, như căng thẳng địa chính trị, lãi suất và lạm phát. Trên thị trường trong nước, nhu cầu vẫn chưa phục hồi, và thị trường bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với các thách thức cho đến hết năm 2024.

Công ty chỉ đặt kế hoạch gần như tương đương năm trước, với doanh thu thuần hơn 3,785 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 440 tỷ đồng.

Chủ tịch Lê Đức Nghĩa cho biết: “Tình hình thị trường vẫn còn rất yếu, cũng giống một người mới ốm dậy chưa thể hồi phục nhanh chóng. Năm 2024, thị trường chỉ mới chớm phục hồi trở lại. Chúng tôi nghĩ phải đến năm 2025-2026, thị trường mới tốt”, ông cho biết.

Mảng xuất khẩu tăng trưởng 40-50% trong quý 1

Về các mảng kinh doanh hiện tại, Chủ tịch Nghĩa cho biết mảng dự án gần như đứng lại và chưa có dấu hiệu khởi sắc. “An Cường đã mất 1/3 doanh thu và lợi nhuận vì mảng này”, ông nói.

Hiện An Cường đang đẩy mạnh mảng xuất khẩu và bán lẻ. Ông Nghĩa cho biết đơn hàng xuất khẩu đang rất tốt vì thị trường Mỹ hồi phục trở lại.

Trong quý 1, xuất khẩu của An Cường đã tăng 30-40% so với cùng kỳ. “Các nhà máy xuất khẩu hoạt động 110% công suất, thậm chí công ty còn phải gia công thêm ở bên ngoài”, ông Nghĩa cho biết. “Tôi kỳ vọng mảng xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi trong năm 2025”.

Theo vị Chủ tịch, đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ tăng trưởng mạnh nhờ công ty đã phát triển dòng sản phẩm mới phù hợp với thị trường nước này. Ngoài ra, công ty cũng tích cực đi triển lãm để kiếm thêm hợp đồng. “Năm ngoái, An Cường phát triển dòng hàng cực kỳ cao cấp, với chất lượng tương đương sản phẩm của Đức và Ý. Trước đây, các công ty của Mỹ đang mua hàng của Đức, Ý, nhưng giờ An Cường cũng có sản phẩm đó nhưng giá rẻ hơn 15%, do đó họ chuyển sang mua của chúng ta”, ông nói.

Trong khi đó, việc hợp tác với Sumitomo Forest chưa hỗ trợ nhiều cho hoạt động xuất khẩu của An Cường ở thị trường Mỹ. Theo ông Nghĩa, Sumitomo Forest đang làm sản phẩm theo phong cách của Nhật, nhưng nhà máy của An Cường lại được thiết kế để làm đơn hàng theo phong cách châu Âu. “Nếu làm nhiều đơn hàng phong cách Nhật, chúng ta phải điều chỉnh lại máy móc và cách làm”, ông nói.

Ông cho biết An Cường không chỉ tập trung vào thị trường Mỹ, mà còn mở rộng sang thị trường Campuchia, Lào, Malaysia và Singapore.

Với thị trường Campuchia và Lào, ông Nghĩa chỉ ra có nhiều nét tương đồng với Việt Nam và rất dễ bán hàng. “Khi sang bên đó, tôi thấy Lào và Campuchia rất giống đất nước chúng ta trước đây. Người giàu nổi lên rất nhanh và họ chọn những sản phẩm tốt nhất, đắt tiền nhất. Việc bán hàng ở đây cũng dễ dàng”, ông nói.

Ở mảng bán lẻ, ông chia sẻ tình hình cũng đang khả quan. An Cường hiện đã có mặt ở 63 tỉnh thành và dự kiến sẽ không mở rộng thêm để tập trung vào chất lượng.

Nhờ mảng xuất khẩu, bán lẻ cùng với nỗ lực cắt giảm chi phí, chọn lọc đơn hàng, Công ty ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1/2024, với lãi ròng 81 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ và biên lợi nhuận cũng cải thiện.

Các nhà máy chỉ mới hoạt động 70% công suất

Ông Nghĩa cho biết hiện nay các nhà máy của An Cường cơ bản chạy được 70% công suất. Các nhà máy cửa chỉ mới hoạt động 60% công suất vì nội địa chưa có nhiều đơn hàng. Nhà máy ván sàn chỉ đang hoạt động 40% công suất và nhà máy gỗ công nghiệp hoạt động 65% công suất. Chỉ có nhà máy xuất khẩu đang hoạt động 110% công suất, thậm chí phải gia công bên ngoài thêm.

Ông Nghĩa ước tính nếu các nhà máy chạy hết công suất, doanh thu ước tính đạt được 6,000 tỷ đồng.

Vũ Hạo

FILI

Các tin tức khác

>   Long Hậu tính đường dài cho mảng kinh doanh nhà xưởng (06/05/2024)

>   DNW: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (công ty mẹ) (06/05/2024)

>   DNW: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (06/05/2024)

>   Quý 1 đi lùi của Traphaco (06/05/2024)

>   CTX: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (công ty mẹ) (06/05/2024)

>   PGT: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (06/05/2024)

>   AVC: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (06/05/2024)

>   NDX: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (06/05/2024)

>   PGT: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (công ty mẹ) (06/05/2024)

>   GCB: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (06/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật