ĐHĐCĐ DDG: Hướng tới tăng trưởng xanh
Ngày 21/05, CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (HNX: DDG) tiến hành ĐHĐCĐ thường niên lần 2, sau lần 1 bất thành. Năm 2024, Công ty định hướng tập trung kinh doanh vào công nghệ lõi thu hồi CO2, đi vào vận hành một số nhà máy.
Thay đổi mục đích sử dụng 200 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ
Năm 2024, DDG đặt mục tiêu doanh thu 550 tỷ đồng, lãi sau thuế 4 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, bà Trần Kim Sa – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cho hay Công ty sẽ cơ cấu lại các hoạt động kinh doanh, tập trung vào cốt lõi. Sau khoảng thời gian doanh thu sụt giảm, buộc Công ty phải có những định hướng tập trung ổn định lợi nhuận.
Quý 1/2024, Công ty lãi được 5 tỷ đồng, nhờ vào thanh lý, nhượng bán một số tài sản để đảm bảo nghĩa vụ nợ với ngân hàng. Cuối năm 2023, DDG thông qua thoái phần vốn góp tại Công ty TNHH Blue Globe với giá trị 14.5 tỷ đồng, tương đương 98% vốn điều lệ công ty con này. Theo BCTC quý 1/2024, DDG vẫn còn đang ghi nhận phải thu theo hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp ngày 25/12/2023 giữa Công ty với bà Nguyễn Thị Kim Anh về thương vụ thoái vốn này, số ghi nhận trên BCTC là 22.5 tỷ đồng.
Đại hội thông qua việc thay đổi kế hoạch sử dụng 200 tỷ đồng thu được từ phát hành cp riêng lẻ mới hoàn tất hồi tháng 2 năm nay.
Đây là cổ phiếu phát hành riêng lẻ tăng vốn năm 2023, theo phương án được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua, số tiền thu về sẽ được DDG dùng để thanh toán tiền vay ngân hàng. Tuy nhiên, do quá trình hoàn thành đợt phát hành kéo dài từ tháng 08/2023 tới tận tháng 2/2024, và Công ty đã phối hợp với ngân hàng việc thoả thuận các phương án xử lý nợ đến hạn, quá hạn theo tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty theo giai đoạn. Do đó, sau khi xem xét lại hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại, HĐQT nhất trí thông qua việc ưu tiền tiền vào đầu tư và phát triển kinh doanh. Trong đó dùng hơn 103 tỷ đồng để thanh toán công nợ cho nhà thầu xây nhà máy sấy và cô đặc, gần 97 tỷ đồng đầu tư tài chính thông qua nhận chuyển nhượng lại phần vốn góp.
Trong năm nay, DDG dự kiến cho đi vào hoạt động một số nhà máy sau thời gian đầu tư. Trong đó, nhà máy thu hồi nhiệt phát điện công suất 5MW tại Bình Dương Công ty dự kiến hợp tác với một số bên để đưa vào hoạt động trong quý 4. Nhà máy xử lý rác ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An dự kiến hoạt động trong quý 3. Nhà máy thu hồi CO2 hóa lỏng ở Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu công suất 80 tấn/ngày đang trong quá trình điều chỉnh tăng hiệu suất, dự kiến đầu quý 3 năm nay sẽ đưa vào hoạt động. Bên cạnh đó là hệ thống cô đặc các chất lỏng, nước thải trong quá trình sản xuất thực phẩm, trái cây sẽ được đưa vào ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, Công ty cũng đang trong quá trình thực hiện.
Tập trung vào công nghệ lõi thu hồi CO2
Lãnh đạo DDG chia sẻ tại đại hội về công nghệ lõi của Công ty là thu hồi CO2, đang có lợi thế cạnh tranh hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới. Khi công nghệ này của DDG được các cơ quan chuyên môn và tổ chức có uy tín đánh giá thì Công ty sẽ có khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh, ghi nhận giá trị lợi thế thương mại, bản quyền và xây dựng chiến lược kinh doanh gắn với công nghệ lõi trong các năm tiếp theo.
Theo đó, ĐHĐCĐ sẽ ủy quyền cho HĐQT Công ty nghiên cứu xây dựng, thuê các đơn vị tư vấn để công bố chiến lược chuyển đổi xanh gắn với công nghệ lõi của DDG trong năm 2024-2025 đảm bảo có kế hoạch thực hiện chiến lược trong vòng 5 năm tới.
Đại hội thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT đối với ông Lê Quang Chinh và ông Trần Kim Cương, đồng thời bầu bổ sung ông Nguyễn Trí Huệ và ông Trương Thế Vinh; miễn nhiệm chức Thành viên BKS đối với ông Châu Vĩnh Nghiêm và người thay thế là ông Lê Việt Duy.
Liên quan tới khoản nợ trái phiếu 300 tỷ đồng, bà Sa cho biết, hồi tháng 3, Công ty đã thương lượng và thống nhất với các trái chủ sẽ dời ngày mua lại 30% vốn gốc của trái phiếu, tương đương 90 tỷ đồng, từ tháng 2 sang chậm nhất đến cuối tháng 6 năm nay.
Được biết, đây là lô trái phiếu DDG12101, có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình trên đất, hệ thống lò hơi, máy móc thiết bị hệ thống sấy hèm bua tại Cần Thơ trị giá 156 tỷ đồng; 15 triệu cp DDG. Trái phiếu phát hành ngày 10/05/2021, kỳ hạn 2 năm đến 10/05/2024 nhưng sau đó được gia hạn đến 10/05/2025. Lãi suất ban đầu 11.5%/năm, sau gia hạn nâng lên 13.5%/năm. Tiền huy động trái phiếu được công ty đầu tư vào nhà máy sản xuất hơi và sấy hèm cho Heineken tại Vũng Tàu (170 tỷ đồng) và dự án thu hồi và sản xuất CO2 hóa lỏng (130 tỷ đồng).
Năm 2023, DDG đạt gần 654 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành được hơn 60% kế hoạch đề ra. Lỗ ròng hơn 205 tỷ đồng, trong khi đặt kế hoạch lãi 12 tỷ đồng.
Bà Sa cho hay, nguyên nhân do doanh thu hoạt động thương mại biomass giảm mạnh, ảnh hưởng từ quy định trong kiểm tra sau hoàn thuế xuất nhập khẩu, DDG là bên cung cấp nguyên liệu cho các bên sản xuất nên cũng bị ảnh hưởng theo. Ngoài ra, các ngân hàng thắt chặt thẩm định và ngừng gia hạn, cấp mới hạn mức tín dụng cho Công ty, khiến vốn lưu động bị thiếu hụt lớn và gặp khủng hoảng thanh khoản. Khi giá trị tài sản thế chấp của Công ty giảm vượt quá quy định của hợp đồng tín dụng, các công ty tài chính đã thực hiện bán giải chấp tài sản đảm bảo để thu hồi nợ trước hạn, khiến Công ty phát sinh chi phí tài chính lớn và ghi nhận lỗ trong kỳ.
* Câu chuyện về tín chỉ carbon: Góc nhìn từ đơn vị trung hòa phát thải từ bản chất
Thu Minh
FILI
|