Thứ Sáu, 03/05/2024 17:30

Cơ cấu sở hữu tại TTE sắp có biến động lớn?

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của TTE thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc cho phép VPG nhận chuyển nhượng dẫn đến sở hữu trên 25% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của TTE mà không phải thực hiện chào mua công khai.

Cơ cấu sở hữu sắp có biến động lớn?

Cụ thể, Đại hội của CTCP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh (HOSE: TTE) thông qua nội dung đáng chú ý là cho CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (VPG) nhận chuyển nhượng cổ phiếu dẫn đến sở hữu trên 25% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của TTE mà không phải thực hiện chào mua công khai.

Danh sách cổ đông dự kiến chuyển nhượng cổ phần cho VPG gồm 11 người, sở hữu lên đến gần 11.7 triệu cp, tương ứng 40.92% vốn tại TTE. Trong danh sách này, đáng chú ý có ông Phương Thừa Vũ - Chủ tịch HĐQT TTE và sở hữu trực tiếp 4.39% vốn, hay ông Nguyễn Bá Cảnh là anh rể của ông Vũ đang sở hữu 1.75% vốn, theo thông tin trên Báo cáo quản trị (BCQT) năm 2023 của TTE.

Giao dịch dự kiến được thực hiện trong năm 2024, thông qua hình thức mua khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Danh sách cổ đông dự kiến chuyển nhượng cổ phần cho VPG
Nguồn: Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2024 của TTE

Thực tế, vấn đề này đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên việc chuyển nhượng đến nay vẫn chưa thực hiện và tiếp tục triển khai trong năm 2024.

Cũng theo thông tin trong BCQT năm 2023, nội bộ TTE không thiếu những cái tên liên quan trực tiếp đến VPG, điển hình như ông Đinh Xuân Hoàng vừa là Tổng Giám đốc TTE vừa là Phó Tổng Giám đốc VPG; bà Lê Thị Thu Hường vừa là Thành viên HĐQT độc lập TTE vừa là trợ lý Tổng Giám đốc VPG.

Về phần VPG, Công ty có tiền thân là Công ty TNHH Thương mại, Đầu tư và Du lịch Việt Phương được thành lập ngày 05/01/1996, kinh doanh chính trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ; vận chuyển hành khách công cộng bằng taxi; phân phối độc quyền mặt hàng thép không gỉ của Tập đoàn NEUMO (Đức).

Trong giai đoạn từ năm 2001-2006, Công ty đầu tư ra nước ngoài và tham gia lĩnh vực sản xuất; đầu tư lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô; đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Dự án nổi bật trong thời kỳ này là đầu tư nhà máy sản xuất chế biến gỗ tại tỉnh Khăm-Muộn, Lào.

Tháng 3/2007, Công ty chuyển đổi mô hình thành CTCP. Trong suốt giai đoạn sau đó đến năm 2010, Công ty khai thác khoáng sản phi kim như cao lanh, felspat và đá cao trắng; thăm dò khoáng sản kim loại như chì kẽm và bauxit tại Lào.

Giai đoạn 2010-2015, Công ty đầu tư và trở thành cổ đông lớn nhất của Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB). Bên cạnh đó, Công ty còn đầu tư xây dựng tòa nhà thị chính thủ đô Viêng-chăn và chuyển giao cho chính quyền thủ đô của Lào. Ngoài ra, Công ty còn nghiên cứu đầu tư lĩnh vực năng lượng.

Từ năm 2016, Công ty đẩy mạnh khai khoáng và tham gia vào dược phẩm y tế; đầu tư xây dựng nhà máy chế biến bột thạch anh ít sắt chất lượng cao tại tỉnh Thừa Thiên Huế; ký hợp đồng khai thác và chế biến quặng Bauxit với Lào; đầu tư lĩnh vực dược phẩm, trở thành cổ đông chiến lược của Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP (Vinapharm).

Kế hoạch lãi trước thuế gấp 3.7 lần năm 2023

Nhìn về năm 2024 với dự báo tình hình thủy văn tiếp tục có xu hướng khó khăn, TTE đặt mục tiêu sản lượng điện đi ngang 124 triệu kwh, do đó doanh thu cũng không thay đổi đáng kể so với năm 2023, khoảng 143 tỷ đồng.

Với kỳ vọng doanh thu tài chính giảm 46%, chi phí tài chính giảm 15% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 10%, TTE ước lãi trước thuế gấp 3.7 lần năm 2023, tương ứng gần 17.5 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của TTE
Nguồn: Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2024 của TTE

Quay về năm 2023, TTE mang về gần 143 tỷ đồng doanh thu và hơn 4.7 tỷ đồng lãi trước thuế, lần lượt giảm 7% và 82% so với năm 2022, chỉ hoàn thành 55% kế hoạch doanh thu và 20% kế hoạch lãi trước thuế năm.

Theo TTE, tình hình biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino dẫn tới thủy văn không thuận lợi, mưa ít, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến công tác vận hành các nhà máy thủy điện. Thời tiết diễn biến phức tạp, lưu lượng nước về các hồ thủy diện trong vài tháng đầu mùa hè có nhiều diễn biến bất lợi, thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm (đặc biệt tháng 3 và 4 thiếu hụt 20-50%) làm suy giảm công suất và sản lượng các nhà máy thủy điện trên toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư tăng do trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính vào các công ty liên doanh, liên kết (chiếm hơn 30% cơ cấu chi phí tài chính) làm cho lợi nhuận giảm mạnh.

Nhà máy thủy điện Tà Vi trên địa phận xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam của TTE

Quý 1 vừa qua, TTE ghi nhận kết quả hơn 34 tỷ đồng doanh thu, hơn 2.8 tỷ đồng lãi trước thuế và hơn 2.4 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 13%, 23% và 25% so với cùng kỳ. Với kết quả này, TTE thực hiện được 24% kế hoạch doanh thu và 14% kế hoạch lãi trước thuế đề ra cho năm 2024.

Huy Khải

FILI

Các tin tức khác

>   VPB: Công bố Điều lệ Công ty được sửa đổi bổ sung (03/05/2024)

>   OPC: Nghị quyết HĐQT về việc chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền (03/05/2024)

>   DGC: Nghị quyết HĐQT về việc tăng vốn điều lệ công ty con (03/05/2024)

>   DGC: Nghị quyết HĐQT về việc thông qua kết quả quý 1/2024, kế hoạch SXKD quý 2/2024 (03/05/2024)

>   PGI: CBTT Nghị quyết HĐQT về việc phê duyệt kế hoạch SXKD năm 2024 (03/05/2024)

>   TCR: Nghị quyết và Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 (03/05/2024)

>   TCB: Nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ (03/05/2024)

>   TCB: Nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án chi trả cổ tức năm 2023 (03/05/2024)

>   VPBankS lãi sau thuế quý 1 gần 146 tỷ, 40% tài sản ở dạng trái phiếu (03/05/2024)

>   Vì sao RDP có lãi quý 1/2024 gấp hơn 4 lần cùng kỳ? (03/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật