Chủ thương hiệu Givral lỗ liên tiếp, chia tay Kem Tín Phát
Doanh thu quý 1/2024 đi xuống, trong khi chi phí lãi vay tăng mạnh, OCH ngậm ngùi báo lỗ ròng gần 20 tỷ đồng, nặng hơn mức lỗ 12 tỷ đồng cách đây một năm.
Diễn biến chi phí lãi vay và lãi ròng của OCH từ năm 2018 đến nay |
|
Theo CTCP One Capital Hospitality (HNX: OCH), do tình hình kinh tế còn khó khăn nên kỳ này chỉ đạt doanh thu 118 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng lãi gộp giảm tới 19% do hoạt động bán thành phẩm thu hẹp 17%, còn 85 tỷ đồng và giá vốn cao hơn.
Quý 1/2024, chủ thương hiệu Givral gặp bất lợi lớn do chi phí lãi vay bị đội lên 26 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ khoảng 4 tỷ đồng. Nguyên nhân Công ty đưa ra là để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là mức cao nhất theo quý từ năm 2018. Còn lãi tiền gửi ngân hàng giảm hơn 31%, còn 6.6 tỷ đồng.
Chi phí quản lý giảm 23%, còn 23 tỷ đồng nhưng không đáng kể, kết quả Công ty lỗ ròng gần 20 tỷ đồng.
Năm 2024, OCH lên kế hoạch doanh thu đi ngang so với năm ngoái, khoảng hơn 1 ngàn tỷ đồng nhưng không đánh giá cao tính hiệu quả nên chỉ kỳ vọng lãi sau thuế bằng 1/3, gần 43 tỷ đồng.
Tổng tài sản của OCH khoảng 4 ngàn tỷ đồng, không nhiều biến động sau 3 tháng đầu năm nay. Hàng tồn kho gần như không có sự thay đổi, dự phòng chi phí sản xuất dở dang dự án Saigon Airport Plaza vẫn 102 tỷ đồng. Việc lỗ ròng tiếp tục làm trầm trọng thêm khoản lỗ lũy kế lên tới 646 tỷ đồng và chiếm khoảng 1/3 vốn điều lệ.
Năm nay, chủ Kem Tràng Tiền nhận định thị trường sẽ tiếp tục khó khăn và hoạt động kinh doanh của Công ty theo đó sẽ bị ảnh hưởng. OCH vẫn sẽ tập trung vào mảng khách sạn ở Nha Trang với hai thương hiệu Starcity và Sunrise thông qua nâng cấp và làm mới dù đánh giá khu vực này đang bị cạnh tranh ngày càng gắt gao, nhiều nơi phải giảm giá.
Lãnh đạo cho biết sẽ chủ trương tìm kiếm đầu tư các công ty có quỹ tòa nhà văn phòng/khách sạn/quỹ đất tốt và đang đi vào hoạt động tạo dòng tiền ổn định, hiệu quả.
Không riêng lĩnh vực lưu trú, OCH cho rằng mảng kinh doanh thực phẩm cũng khốc liệt không kém do xuất hiện thêm nhiều thương hiệu lớn trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính mạnh, vị trí đẹp, sản phẩm đa dạng. Ngoài ra, Công ty còn tính đến mảng bất động sản công nghiệp.
Hơn một tuần trước, OCH thông báo CTCP Kem Tín Phát không còn là công ty con sau khi hoàn thành thoái vốn đầu tư. Công ty mẹ Kem Tràng Tiền mới thâu tóm chủ thương hiệu Kem Kingkream cách đây hơn 4 tháng và đến cuối quý 1 vừa rồi còn nắm 99.87%.
Trong thông báo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cuối tháng 4, về việc cổ phiếu OCH tiếp tục bị duy trì diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm ngoái là số âm, Công ty cho biết đang đẩy mạnh mảng F&B thông qua đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, mở rộng cơ sở sản xuất. Ra mắt các sản phẩm mới như kem ổi hồng, kem xôi, kem mè đen rong biển, bánh trung thu chocolate đậu phộng,…và một số hoạt động khác.
* Chân dung Hiệu bánh Givral nghi liên quan vụ ngộ độc bánh su kem
Mùa trung thu năm ngoái, bánh su kem Givral của OCH dính đến lùm xùm vụ ngộ độc thực phẩm tại TPHCM làm 61 người ngộ độc. Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM xác định, số người ăn bánh su kem là 118 người. Trong đó, 61 người bị ngộ độc gồm 25 người nhập viện điều trị, 36 người tự mua thuốc uống. Một người tử vong là bé P.N.Q. (6 tuổi, quê Cà Mau, tạm trú tại TPHCM).
Kết quả kiểm nghiệm mẫu bánh su kem (bánh Choux) của CTCP bánh Givral (khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Phú) – thuộc sở hữu của OCH, phát hiện một số vi sinh vật vượt giới hạn cho phép như chỉ tiêu tổng số vi sinh vật hiếu khí, vi khuẩn salmonella. Qua điều tra, ngày 29/09/2023, CTCP Bánh Givral sản xuất 1,394 bánh choux các loại có hạn sử dụng trong ngày xuất về cho các cửa hàng trực thuộc, đại lý, trường học,… Trong đó, cửa hàng Givral trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), nơi cung cấp bánh cho buổi tiệc nhập 312 bánh su kem.
|
* Chủ thương hiệu Kem Tràng Tiền, Bánh Givral muốn sở hữu Kem Kingkream
Tử Kính
FILI
|