Thứ Tư, 29/05/2024 16:46

Chờ hiệu quả từ phương án mới bình ổn thị trường vàng

Từ cơ chế đấu thầu tăng cung để bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã thay đổi giải pháp nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả của chính sách can thiệp. Điều gì khiến nhà điều hành phải thay đổi cách tiếp cận và liệu hiệu quả sẽ đến đâu?

Vì sao phải tìm giải pháp khác?

Tối ngày 27/05, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ dừng phương án đấu thầu vàng miếng, khi sau 9 phiên đấu thầu với hàng chục ngàn lượng vàng mới được cung ra, nhưng vẫn chưa thể giúp kéo giá vàng SJC trong nước về sát với giá thế giới. Cơ quan này cũng cho biết sẽ triển khai phương án khác để bình ổn thị trường vàng từ ngày 03/06.

Chỉ 2 ngày sau đó (chiều ngày 29/05), “phương án khác” được nhắc đến ở trên đã được chính NHNN chia sẻ, là cơ chế bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV, để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Mức giá bán sẽ do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới, với mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới về mức phù hợp và bền vững.

Nhìn lại các đợt đấu thầu vàng miếng vừa qua, hiệu quả chính sách không thể nói là thành công, vì vậy việc tìm một giải pháp khác là điều tất yếu. Cụ thể, sau 9 phiên đấu thầu kéo dài tròn 1 tháng (từ ngày 22/04 đến 23/05), 3 phiên không trúng thầu được lượng nào, 6 phiên còn lại tổng tỷ lệ trúng thầu/ gọi thầu đạt 32%, tương ứng với 48,500 lượng vàng đã được cung ứng thêm ra thị trường. Trong đó tỷ lệ trúng cao nhất vào ngày 16/05 và 23/05 lần lượt là 73% và gần 80%.

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là mức giá trúng thầu cũng ở mức cao, khi nhà điều hành xác định giá đấu dựa trên cơ sở là mức giá thị trường. Ngoại trừ phiên ngày 22/04 giá trúng ở mức 81.3 triệu đồng/lượng, các phiên từ ngày 08 – 23/05 giá trúng nằm từ 86 triệu đến 89.4 triệu đồng/ lượng. Tỷ lệ giá trúng/ giá đấu dao động từ 99.7% đến 101.6%. Chính vì mức giá trúng cao như vậy, các doanh nghiệp càng phải giữ giá bán ra cao để đảm bảo có lợi nhuận, do đó chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới vẫn duy trì ở mức cao.

Ngoài ra, nếu như phiên trúng thầu đầu tiên vào ngày 23/04 chỉ có 2 thành viên trúng thầu, phiên trúng thầu kế tiếp ngày 08/05 tăng lên 3 thành viên, càng về các phiên sau này số lượng thành viên trúng thầu lại càng nhiều hơn. Cụ thể ngày 14/05 có 8 thành viên trúng thầu, ngày 21/50 là 9 thành viên, ngày 16 và 23/05 đều ghi nhận ở con số 11 thành viên. Điều này cho thấy những doanh nghiệp tham gia và trúng thầu vẫn kỳ vọng giá vàng trong nước sẽ còn tiếp tục đi lên cao hơn trong thời gian tới.

Vì vậy, ngoại trừ mức giá đấu thầu cao, không loại trừ khả năng các tổ chức có thể tiếp tục găm lượng hàng mới mua được thay vì bán ra ngay, với kỳ vọng biên lợi nhuận sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Điều này vô hình chung khiến lượng vàng mà NHNN cung ra để bình ổn đã không thật sự được bơm vào thị trường, do đó vẫn không giải tỏa được áp lực cho nhu cầu.

Thứ hai, như một số ý kiến cũng chỉ ra lượng cầu thật sự hiện nay vẫn chưa thể cân đo đong đếm được, khi các hoạt động giao dịch qua các tiệm vàng, đại lý kinh doanh vàng rộng khắp nên không thể kiểm soát hết và cũng rất khó trong các công tác thống kê. Do đó, gần đây các cơ quan quản lý mới đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra, giám sát và tiến hành xử phạt hàng loạt tiệm vàng tại các tỉnh thành.

Hiệu quả sẽ đến đâu?

Do đó, để lượng vàng được cung ra đảm bảo được bơm trực tiếp vào thị trường mà không bị găm giữ lại phục vụ cho mục đích tích trữ đầu cơ của một số tổ chức, cũng như có thêm cơ sở đánh giá lực cầu thật sự của thị trường vàng hiện nay, NHNN đã thay đổi phương án từ đấu thầu sang bán trực tiếp cho 4 NHTM Nhà nước để các tổ chức này bán trực tiếp cho người dân có nhu cầu.

Cũng theo chia sẻ từ đại diện NHNN, song song với biện pháp kể trên, NHNN cũng đang đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các TCTD và doanh nghiệp và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có). Điều này được kỳ vọng có thể góp phần hạn chế các hành động tích trữ đầu cơ, thao túng giá, mua bán lượng vàng không rõ nguồn gốc của các đại lý kinh doanh vàng.

Ngoài lợi ích đảm bảo nguồn cung mới sẽ thật sự được rót vào thị trường, cũng như có thêm kênh để đo lường lực cầu vàng, việc bán vàng trực tiếp thông qua nhóm ngân hàng Big 4 cũng sẽ đảm bảo cho các mục tiêu được đề xuất gần đây, như mua bán vàng không được dùng tiền mặt và phải có hóa đơn ghi nhận giao dịch, điều mà các tiệm vàng nhỏ lẻ hiện nay vẫn chưa đảm bảo sẽ thực hiện tốt.

Điều quan trọng hơn là liệu thị trường vàng sẽ diễn biến ra sao trước giải pháp bình ổn mới này? Giá vàng SJC trong nước có thật sự sẽ được kéo về sát với giá thế giới quy đổi trong thời gian tới nhờ giải pháp bơm trực tiếp vàng vào thị trường qua mạng lưới của nhóm Big 4? Liệu nhu cầu thật sự hiện nay có đúng là quá vượt trội so với cầu mới dẫn đến chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới mở rộng đến như thế, hay đó chỉ là chiêu trò thao túng, neo giá của một số tay chơi lớn trên thị trường? Đây có lẽ là yếu tố tiên quyết sẽ ảnh hưởng đến diễn biến giá trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, nếu giải pháp mới được triển khai hiệu quả, nhu cầu thật sự cao và vẫn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, liệu nguồn lực vàng dự trữ mà NHNN đang có sẽ có thể đáp ứng đến đâu? Nhà điều hành sau đó liệu có mở lại kênh nhập khẩu vàng để có thêm nguồn cung mới đáp ứng cho thị trường? Ai sẽ được cấp hạn ngạch nhập khẩu, các đại lý kinh doanh vàng hay chính nhóm Big 4 này, vốn đã được lựa chọn để bán vàng ra cho thị trường?

Và cuối cùng là một vấn đề cũng không kém phần quan trọng, trong trường hợp chính sách bán vàng qua nhóm NHTM Nhà nước thật sự mang lại hiệu quả và đáp ứng được các mục tiêu đề ra, liệu các cơ quan quản lý có xác định vàng – dù đã nằm trong danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng sẽ tiếp tục nâng cao, thắt chặt các điều kiện kinh doanh, như là một mặt hàng có tính đặc thù cần phải được giám sát, quản lý chặt chẽ hơn nữa. Khi đó, liệu các hoạt động mua bán vàng miếng SJC chỉ có thể được thực hiện qua hệ thống NHTM do NHNN chỉ định, thay vì là các tiệm vàng nhỏ lẻ như hiện nay?

Ngoài lợi ích đảm bảo nguồn cung mới sẽ thật sự được rót vào thị trường, cũng như có thêm kênh để đo lường lực cầu vàng, việc bán vàng trực tiếp thông qua nhóm ngân hàng Big 4 cũng sẽ đảm bảo cho các mục tiêu được đề xuất gần đây, như mua bán vàng không được dùng tiền mặt và phải có hóa đơn ghi nhận giao dịch, điều mà các tiệm vàng nhỏ lẻ hiện nay vẫn chưa đảm bảo sẽ thực hiện tốt.

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   NHNN sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng quốc doanh (29/05/2024)

>   Phạt cửa hàng bán vàng trang sức không rõ nguồn gốc ở TP.HCM (29/05/2024)

>   Vàng thế giới tăng gần 1% khi đồng USD suy yếu (29/05/2024)

>   TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nên tính đến việc đánh thuế trên các giao dịch vàng (28/05/2024)

>   Giá vàng miếng SJC tăng 700.000 đồng, tỷ giá trung tâm giảm 12 đồng (28/05/2024)

>   Vàng thế giới phục hồi từ mức đáy 2 tuần (28/05/2024)

>   Dừng đấu thầu vàng miếng, NHNN điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng từ 03/06 (27/05/2024)

>   Giá vàng miếng SJC và tỷ giá ngân hàng tăng nhẹ phiên đầu tuần (27/05/2024)

>   Giá vàng hôm nay 26-5: Dự báo bất ngờ (26/05/2024)

>   Vàng thế giới ghi nhận tuần tồi tệ nhất trong hơn 5 tháng (25/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật