Các hãng hàng không Việt chi bao nhiêu để thuê máy bay mỗi năm?
Trong những năm gần đây, ngành hàng không đã chứng kiến một xu hướng đáng chú ý: Chi phí thuê máy bay ngày càng tăng, trong khi lượng cung máy bay không tăng nhiều. Điều này đặt ra thêm thách thức cho các doanh nghiệp trong một ngành đang phải đối mặt với áp lực tài chính và tình trạng thiếu hụt tàu bay.
Thuê tàu bay đã trở thành một phần quan trọng của chiến lược kinh doanh của các hãng hàng không, giúp tăng công suất tạm thời và giảm bớt gánh nặng tài chính từ việc mua tàu bay. Chi phí thuê máy bay không chỉ đơn giản là một khoản chi phí vận hành mà còn là một chỉ số quan trọng cho sự cạnh tranh và sức khỏe tài chính của hãng hàng không.
Theo số liệu thu thập được, Vietnam Airlines (HOSE: HVN) chi hơn 10,000 tỷ đồng để thuê 39 tàu bay trong năm 2016. Khoản chi phí này tăng dần cùng với số lượng tàu bay, đạt đỉnh ở mức 15,300 tỷ đồng và 61 tàu bay vào năm 2020 - năm đầu xảy ra dịch COVID-19. Trong năm này, chi phí thuê tàu bay chiếm tới 38% chi phí sản xuất kinh doanh của hãng hàng không quốc gia.
Chi phí thuê máy bay của Vietnam Airlines
Nguồn: Người viết tổng hợp
|
Sau khi oằn mình giữa đại dịch với tình hình tài chính khó khăn, hãng hàng không biểu tượng hoa sen của Việt Nam phải cắt giảm chi phí, tái cấu trúc tập đoàn. Số tàu thuê và khoản chi phí thuê cũng giảm về ngưỡng 11,000-12,000 tỷ đồng.
Một điểm đáng lưu ý là số liệu 2 năm gần đây cũng phản ánh chi phí thuê ngày càng tăng. Với cùng lượng tàu thuê là 52 chiếc, nhưng chi phí thuê tăng từ 11,300 tỷ đồng lên 12,200 tỷ đồng.
Với hãng hàng không giá rẻ Vietjet (HOSE: VJC), ban đầu họ chỉ ghi nhận chi phí mua tàu bay và mới bắt đầu xuất hiện các khoản chi phí thuê tàu từ năm 2021. Từ mức 4,000 tỷ đồng trong năm 2021, chi phí này đã tăng vọt lên hơn 11,000 tỷ đồng.
Thiếu hụt máy bay trầm trọng, giá thuê quá "chát"
Nếu tiếp tục duy trì lượng tàu thuê như năm 2023, các hãng hàng không Việt có thể phải tốn nhiều chi phí hơn để thuê tàu trong năm nay.
Theo báo cáo từ Cục Hàng không Việt Nam, giá thuê động cơ đối với máy bay Airbus A321 tăng lên gấp đôi so với năm 2019; giá thuê tàu bay Boeing B-787 là 160,000 USD/tháng vào năm 2022, nay đã lên tới 370,000 USD/tháng. Chi phí phụ tùng vật tư tăng từ 10-13% so với thời điểm trước năm 2019.
Chưa dừng lại ở đó, giá thuê có thể sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu hụt tàu bay trầm trọng, trong khi nhu cầu đi lại đang phục hồi mạnh mẽ trong thời hậu đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo từ Cục Hàng không Việt Nam, tính tới ngày 02/05, tổng số tàu bay của các hãng hàng không trong nước đạt 199 chiếc, giảm 32 tàu bay so với năm 2023. Trong đó, số lượng tàu bay đang khai thác thực tế dao động từ 165-170 chiếc, giảm khoảng 40-45 chiếc so với mức trung bình năm ngoái.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm số lượng tàu bay đến từ việc nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) thực hiện triệu hồi động cơ PW1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Ước tính có thể ảnh hưởng đến 600-700 động cơ PW1100 đang khai thác trên các đội bay hoạt động trên toàn thế giới).
Tại Việt Nam, các động cơ này đang được sử dụng trên một số tàu bay A321NEO khai thác bởi Vietnam Airlines và VietJet Air. Vấn đề triệu hồi dẫn tới một số tàu bay phải dừng khai thác trong khoảng thời gian năm 2024 - 2025. Ngoài ra, thời gian đưa động cơ đi sửa chữa bị kéo dài. Năm 2019 chỉ cần 75 ngày thì hiện nay, nhà sản xuất PW cho biết cần 140-160 ngày, trường hợp đặc biệt lên đến 365 ngày.
Kế hoạch nhận tàu bay của các hãng hàng không trong năm nay cũng bị ảnh hưởng. Vietjet Air sẽ không nhận thêm bất kỳ tàu bay nào, Vietnam Airlines chỉ nhận thêm 2 tàu bay Boeing 787 vào tháng 6 đến tháng 7 năm nay. Hiện tại Pacific Airlines không khai thác tàu bay nào. Bamboo Airways chỉ khai thác 5 tàu bay, giảm 25 chiếc so với năm ngoái.
Một số hãng hàng không trong nước thậm chí thông báo không tìm được tàu bay thuê theo kế hoạch.
Thiên Vân
FILI
|