9 tỉnh, thành phố đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2023 trên 10 tỷ USD
Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 được Bộ Công Thương công bố ngày 16/5, trong 63 tỉnh/thành của cả nước, có 9 địa phương đạt tổng kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên.
TPHCM đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu năm 2023
|
Cụ thể: TPHCM kim ngạch đạt 42,460,418,319 USD; Bắc Ninh kim ngạch 39,302,697,091 USD; Bình Dương kim ngạch đạt 30,605,339,811 USD; Hải Phòng kim ngạch đạt 26,797,379,584 USD; Thái Nguyên kim ngạch đạt 25,687,769,353 USD; Bắc Giang kim ngạch đạt 24,499,431,359 USD; Đồng Nai kim ngạch đạt 21,624,486,427 USD;
Với kim ngạch đạt 16,655,817,179 USD, Hà Nội đứng ở vị trí thứ 8. Tiếp theo sau là Phú Thọ và Vĩnh Phúc.
TPHCM đứng đầu cả nước về xuất khẩu
Đáng chú ý, trong 9 địa phương có kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trở lên chỉ có Hải Phòng và Bắc Giang tăng trưởng dương trong năm 2023. Cụ thể, Hải Phòng đạt 26,797,379,584 USD, tăng 7.4% so với năm 2022 (tương đương kim ngạch tăng thêm 1.84 tỷ USD). Kết quả này cũng giúp Hải Phòng vượt Thái Nguyên để vươn lên vị trí thứ 4 về xuất khẩu của cả nước.
Bắc Giang đạt kim ngạch 24,499,431,359 USD, tăng 8.3% so với năm 2022 (tương đương kim ngạch tăng thêm gần 1.9 tỷ USD). Với kết quả này, Bắc Giang vượt Đồng Nai để đứng thứ 6 cả nước về kim ngạch xuất khẩu.
Các địa phương còn lại đều giảm so với năm trước, trong đó Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai có mức giảm cao.
Nỗ lực vượt qua khó khăn, những tháng đầu năm 2024, nhiều địa phương đang tăng tốc xuất khẩu, nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng. Ví dụ tại Thái Nguyên, năm 2024, ngành công thương Thái Nguyên đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 29.310 triệu USD, tăng 8% so với ước thực hiện năm 2023.
So với năm 2022, số lượng tỉnh/thành có kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên trong năm 2023 giảm 1 địa phương là Hải Dương, với kim ngạch năm 2023 đạt 9.455.304.933 USD (năm 2022 đạt 10.460.834.401 USD).
10 địa phương có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 đã chỉ ra 10 địa phương có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất, gồm: Lai Châu (12,923,730 USD), Điện Biên (22,465,353 USD), Sơn La (25,581,267 USD), Bắc Kạn (37,690,290 USD), Ninh Thuận (62,550,821 USD), Cao Bằng (85,865,808 USD), Đắc Nông (100,263,092 USD), Hà Giang (145,909,898 USD), Quảng Bình (179,648,333 USD), Tuyên Quang (183,796,093).
Tỉnh Lai Châu tiếp tục giữ thứ hạng 63 như năm 2022. Thứ hạng số 62 năm 2023 thuộc về tỉnh Điện Biên; trong khi năm 2022, địa phương này xếp ở thứ hạng 60. Tỉnh Tuyên Quang và Quảng Bình hoán đổi vị trí cho nhau (năm 2022, Tuyên Quang xếp thứ 55 sang năm 2023 nâng lên 1 bật, xếp ở thứ hạng 54. Ngược lại, năm 2022, Quảng Bình xếp thứ 54 thì năm 2023 lại xuống 1 bậc, xếp ở hạng 55).
Riêng với tỉnh Lai Châu, trong năm 2024, Sở Công Thương Lai Châu đặt mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 7,869.5 tỷ đồng, tăng 25.6% so với ước thực hiện năm 2023. Theo Sở Công Thương Lai Châu, nhiều cơ sở tốt để địa phương đặt mục tiêu cao cho ngành công nghiệp của tỉnh. Trong đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng ước đạt 163.7 tỷ đồng, tăng 0.3% so với ước thực hiện năm 2023.
Nhật Quang
FILI
|