“Vua tôm” Minh Phú lần thứ 2 đăng ký làm nhà ở xã hội ở Cà Mau
Trong lần thứ 2 nộp hồ sơ, Minh Phú liên danh cùng Cơ khí Xây dựng Việt – Úc đăng ký tham gia dự án nhà ở xã hội tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 677 tỷ đồng.
Vị trí khu vực xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Nguồn: Google maps
|
Theo biên bản mở hồ sơ đăng ý thực hiện dự án của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau ngày 01/04, kết quả cho thấy duy nhất liên danh CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) và CTCP Cơ khí Xây dựng Việt – Úc sẵn sàng tham gia làm dự án trên.
Tổng vốn đầu tư 677 tỷ đồng, gồm sơ bộ tổng chi phí thực hiện khoảng 662 tỷ đồng, chi phí bồi thường và hỗ trợ và tái định cư 15 tỷ đồng. Quy mô dân số 3,200 - 3,800 người.
Theo chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Cà Mau vào đầu năm 2023, dự án dự kiến sử dụng gần 16ha đất; trong đó một nửa là đất ở (8.46ha); nửa còn lại sẽ dành 4.4ha cho giao thông bộ, 1.6ha cho giao thông thủy, phần nhỏ còn lại là đất cây xanh và dịch vụ và đất công trình công cộng. Hiện tại đã giải phóng mặt bằng 15.4ha.
Dự án dùng khoảng 6.7ha để xây chung cư nhà ở xã hội, chiếm khoảng 80% diện tích đất ở, mật độ xây dựng tối đa 60% và yêu cầu tối thiểu cao 2 tầng; 20% diện tích đất ở còn lại cho nhà ở thương mại (1.7ha), mật độ xây cho phép đến 90% và quy định ít nhất 1 tầng.
Nhà đầu tư được lựa chọn sẽ thực hiện theo quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có quy định về tỷ lệ số lượng, diện tích sàn xây dựng từng loại nhà ở.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên trong và kết nối bên ngoài dự án bao gồm hệ thống đường giao thông; cấp thoát nước mưa, nước thải; cấp điện và chiếu sáng công cộng (ngầm); thông tin liên lạc (ngầm) và công viên cây xanh…
Dự án được yêu cầu hoàn thành trong tối đa 60 tháng kể từ ngày được cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư hoặc ký hợp đồng thực hiện, ưu tiên đầu tư xây dựng trước các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở xã hội trong dự án.
Ngoài ra, nhà đầu tư được phép đề xuất về tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn thực hiện dự án. Dự án nhà ở xã hội được hoạt động 49 năm kể từ ngày nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.
Mục tiêu của dự án nhằm khai thác quỹ đất để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh dự án nhà ở xã hội theo quy hoạch được duyệt; tạo quỹ nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
Quy định yêu cầu vốn chủ sở hữu tối thiểu 132 tỷ đồng mới có thể thực hiện dự án. Nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu 30% (khoảng 40 tỷ đồng), từng thành viên liên danh có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu 15% (khoảng 20 tỷ đồng); đồng thời phải có kinh nghiệm thực hiện một dự án trong lĩnh vực công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng với tư cách là nhà đầu tư tham gia góp vốn hoặc nhà thầu chính.
Cụ thể, nếu nhà đầu tư từng tham gia dưới dạng góp vốn thì tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đó phải là 331 tỷ đồng, trong đó góp ít nhất 66 tỷ đồng và dự án đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trong vòng 7 năm trở lại. Tuy nhiên chỉ yêu cầu 5 năm đối với dự án mà nhà đầu tư hoặc đối tác làm nhà thầu chính, giá trị tối thiểu trong hai trường hợp lần lượt 198 tỷ đồng và 331 tỷ đồng.
Quyết tâm thực hiện dự án
Trên thực tế, dự án nhà ở xã hội tại xã Khánh An, tỉnh Cà Mau từng được Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau đăng tải trên hệ thống 2 lần vào ngày 12/07/2023 và 30/11/2023.
Ở lần đầu tiên, vẫn duy nhất liên danh của MPC đăng ký làm dự án, cái tên cùng tham gia khi đó là CTCP Hiteko Holdings nhưng không đạt kết quả đánh giá sơ bộ năng lực cũng như kinh nghiệm. Lần 2 không có thông tin nhà đầu tư quan tâm.
Hồi tháng 12 năm ngoái, ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 của MPC đã thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Lãnh đạo MPC cho biết việc bổ sung này nhằm mục đích đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân tại khu công nghiệp Khánh An, tỉnh Cà Mau chứ không có ý định lấn sang lĩnh vực bất động sản. Hoạt động kinh doanh chính của MPC hiện vẫn là chế biến, xuất khẩu hàng thủy sản với sản phẩm chính là tôm.
Về phía đối tác liên danh, Cơ khí Xây dựng Việt – Úc có lẽ là cái tên phù hợp để cùng thực hiện dự án trên do doanh nghiệp này có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp nhà thép tiền chế và cả công trình dân dụng, có thể kể đến dự án bệnh viện đa khoa Nam Cần Thơ DNC, Toyota Cần Thơ – chi nhánh An Giang, Chung Cư Hồng Loan 5C, trường mầm non Tây Đô,…
Cơ khí Xây dựng Việt – Úc thành lập năm 2004 với tên gọi trước đây là CTCP Lâm nghiệp và Xây dựng Việt – Úc, trụ sở hiện tại ở TP. Cần Thơ. Ông Cao Minh Tấn làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Cập nhật đến giữa năm 2022, Công ty có vốn điều lệ 25 tỷ đồng.
Cuối năm 2022, Cơ khí Xây dựng Việt – Úc liên danh cùng Dịch vụ Kỹ thuật Hiệp Thành loại 4 nhà thầu khác, trong đó có sự góp mặt của liên danh giữa “trùm” thép tiền chế Đại Dũng và CTCP Xây dựng DIC Holdings (HOSE: DC4), để làm gói thầu thi công xây lắp và phần hoàn thiện nhà làm việc chuyên môn nghiệp vụ và nhà biểu diễn 500 chỗ thuộc dự án trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Tổng giá trị gói thầu khoảng 100 tỷ đồng.
Dự án Chung Cư Hồng Loan 5C cao 10 tầng tại khu đô thị Nam Cần Thơ. Nguồn: Cơ Khí Xây dựng Việt – Úc
|
Tử Kính
FILI
|