Tín chỉ carbon rừng: Nên bán hay để dành?
Có chuyên gia cho rằng nên bán tín chỉ carbon thay vì dự trữ bởi có thời hạn sử dụng, nhưng cũng có ý kiến đề xuất nên thành lập quỹ để có thể mua sớm những tín chỉ này trước khi giá lên cao trong tương lai.
Tín chỉ carbon có thời hạn sử dụng
Tại hội thảo "Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh" do báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức ngày 20/04, ông Nguyễn Văn Minh – Trưởng phòng Kinh tế và Phân tích biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu cho biết để đạt mục tiêu Net Zero đến năm 2050 thì Việt Nam cần phải có cam kết theo từng giai đoạn vì quốc tế quy định như vậy.
Thị trường hiện nay đang trong giai đoạn 2021-2030 và tín chỉ carbon ra được trong giai đoạn này chưa chắc được sử dụng sau năm 2030 bởi tín chỉ có thời hạn sử dụng chứ không phải mua tích trữ bây giờ mà có thể sử dụng sau.
Trước đây, ở giai đoạn cam kết Nghị định thư Kyoto từ 2008-2012 cho phép các quốc gia phát triển đầu tư các dự án tạo tín chỉ carbon nhắm bù trừ cho mục tiêu giảm phát thải của mình. Thời điểm đó đã có rất nhiều tín chỉ được tạo ra và giá trị rất cao.
Tuy nhiên, sau giai đoạn này, một số quốc gia phát triển thuộc nhóm bắt buộc phải giảm phát thải lại không thực hiện cũng như không tuân thủ nghĩa vụ của mình. Để rồi đến 2013-2020 là một khoảng trống về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu.
“Nhiều quốc gia không tham gia cam kết nữa vì cho rằng chỉ riêng họ làm mà người khác không làm thì không công bằng. Giá tín chỉ carbon khi đó sụt giảm kinh khủng, từng ở mức giá 30 USD/tín chỉ giai đoạn 2008-2012 và giảm chỉ còn khoảng vài USD sau đó”, chuyên gia nói.
Có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam làm dự án tạo tín chỉ carbon thời điểm 2008 nhưng đã tích trữ lại để bán được giá cao hơn. Tuy nhiên, giai đoạn sau giá quá thấp nên quyết định không bán nữa và hiện nay vẫn đang để trên hệ thống lưu ký tín chỉ carbon của Liên Hiệp Quốc bởi tiền bỏ ra để lấy về còn nhiều hơn tiền bán ra. Và tín chỉ đó đã không còn thời hạn sử dụng nữa vì giờ đang ở giai đoạn cam kết khác.
Giá tín chỉ carbon phụ thuộc vào điều gì?
Về ý kiến hiện nay trên truyền thông đang có hai luồng dư luận trái chiều, một là bây giờ làm tín chỉ carbon để có nguồn thu và thứ hai là phải có chính sách ngăn việc “chảy máu” các tín chỉ này ra thị trường quốc tế để có thể trữ và dành cho việc bù trừ trong tương lai, ông Nguyễn Võ Trường An – Phó Tổng Giám đốc CTCP Sàn Giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN cho biết hai luồng ý kiến này thật ra không chính xác, mà chỉ phụ thuộc vào chiến lược của từng doanh nghiệp, từng khu vực cũng như quốc gia trong việc đạt được cam kết Net Zero.
Theo chuyên gia, hiện nay Trung Quốc có chính sách ngăn cấm mua bán tín chỉ carbon ra nước ngoài và chỉ cho giao dịch trong nội địa cũng như hướng đến việc dự trữ trong nước phục vụ chiến lược lâu dài.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu bán tín chỉ carbon ở thời điểm hiện tại với giá hợp lý và sử dụng nguồn tài chính đó để tái đầu tư vào những công nghệ giảm phát thải thì rất khả thi và có thể phục vụ cho một tầm nhìn dài hạn.
Chia sẻ thêm, ông An đánh giá yếu tố quan trọng nhất của tín chỉ carbon là tính bổ sung. Nếu một dự án trồng rừng, cải tạo đất hoặc tăng diện tích phủ xanh của những cánh rừng tự nhiên, hoặc là có công nghệ nào đó áp dụng vào nhà máy, trung tâm thương mại hay bất kỳ dự án nào để giảm lượng phát thải nhưng nếu không có nguồn tài chính từ tín chỉ carbon thì độ khả thi của dự án hầu như là không có.
Do vậy, giá của tín chỉ carbon sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tiên quyết nằm ở bản chất của dự án và những chi phí đã bỏ ra để thực hiện dự án đó.
Các chuyên gia tại buổi tọa đàm. Ảnh: Tử Kính
|
Xem xét việc lập quỹ tín chỉ carbon
TS. Phạm Văn Đại – Giảng viên cao cấp, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng cần thiết phải quy hoạch tín chỉ carbon để sử dụng phù hợp. Theo một số nghiên cứu của Bloomberg, đến năm 2050 dạng tự nguyện có thể lên đến 200 – 300 USD/tín chỉ, gấp 40 – 50 lần so với hiện tại. Và điều đó dựa trên những giả định với những nền tảng mới, công nghệ mới để có thể tăng tính xác thực của các tín chỉ này.
Trong tương lai, các tập đoàn toàn cầu như Samsung, Apple,… sẽ yêu cầu toàn bộ các chuỗi cung ứng đều phải trung hòa carbon. Các doanh nghiệp nội địa Việt Nam nếu muốn tham gia chuỗi cung ứng đó đều phải mua lại tín chỉ carbon và rất có thể phải mua với giá cao.
Chính vì vậy nên cần xem xét thành lập một quỹ dự trữ, nơi Chính phủ bỏ tiền ra để mua lại các tín chỉ carbon do doanh nghiệp nội địa tạo ra để dự phòng cho tương lai 20 – 30 năm sau này, khi đó các doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu không phải mua với giá quá cao nữa.
Theo ông Đại, bản thân tín chỉ carbon cần được nhìn nhận như một dạng tài nguyên và tài nguyên này là đặc thù, không vô tận và không tái tạo. Mức giá bán 5 USD/tín chỉ không cao vì có thể liên quan đến chất lượng của loại tín chỉ carbon này.
Chẳng hạn như Úc kiểm kê có đến 3/4 tín chỉ do các doanh nghiệp Úc mua có vấn đề về tính xác thực, thậm chí có những cánh rừng đã bán tín chỉ carbon ở Papua New Guinea nhưng qua kiểm tra đã bị phá thành gỗ hoàn toàn, nên cái giá thấp là như vậy.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Huy – Chuyên gia nghiên cứu độc lập về biến đổi khí hậu, các hãng dầu mỏ lớn quốc tế từ lâu đã chủ động tìm đến các quốc gia đang phát triển, nơi có rừng, có công nghệ để mua tín chỉ carbon trước, ở dạng đặt cọc hoặc đã mua thành công như Shell mua tín chỉ carbon từ cây lúa ở Trung Quốc…
Các doanh nghiệp ở Việt Nam dường như chưa chuẩn bị sẵn sàng ở các thị trường như thế bởi nếu mua sớm sẽ tiếp cận được mức giá tốt hơn so với việc mua muộn. Do đó, nỗi lo ở đây là khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi ra thị trường quốc tế nếu không tự bù trừ được carbon.
“Không phải cứ có tiền là có thể bù trừ được carbon. Chúng ta phải thay đổi chứ không chỉ giao toàn bộ trách nhiệm cho người khác. Mỗi doanh nghiệp đều cần cải tiến công nghệ, thay đổi cách làm. Điều này không phải cần đến chế tài mới làm, mà cần phải làm sớm vì hiện nay phải đuổi theo thị trường chứ không còn đi tắt đón đầu nữa”, ông Huy nêu quan điểm.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ nên hợp sức theo mô hình hiệp hội
Theo ông Huy, khó khăn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là đầu tư để có được tín chỉ carbon bởi số tiền bỏ ra không thỏa đáng so với số tiền bán được. Các chi phí mời chuyên gia độc lập vào thẩm định là rất cao.
“Các công ty kiểm toán thuộc Big 4 như Deloitte hay EY bắt đầu có những chuyên gia kiểm toán độc lập về tín chỉ carbon nhưng giá thuê cực kỳ đắt”, ông Huy nói.
Nhiều doanh nghiệp thắc mắc việc có diện tích rừng rộng cả ngàn hecta để làm tín chỉ carbon nhưng vướng rất nhiều vấn đề về thể chế, quyền sở hữu đất đai. Chẳng hạn, một người mua giấy tay nhưng đất đó không thuộc quy hoạch để trồng rừng nên việc hình thành một tín chỉ carbon rất phức tạp về mặt chính sách, vì thế các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận.
Các doanh nghiệp này có thể làm theo công thức chung dưới dạng hiệp hội. Chẳng hạn mô hình nuôi tôm giảm phát thải ở Trà Vinh. Công thức của mô hình này hoàn toàn có thể được nhân rộng, nên khi làm công tác kiểm đếm sẽ có tính đồng bộ và dễ dàng áp dụng hơn. Khi áp dụng chung quy trình, chung hiệp hội thì có thể làm giảm các chi phí như chi phí đo đạc và việc tiếp cận với tín chỉ carbon không còn mang tính nhỏ lẻ nữa.
Ông Đại cho rằng tín chỉ carbon là cuộc chơi quy mô lớn bởi các chi phí liên quan đến đo lường, báo cáo và thẩm định là rất đắt. Việc trồng rừng phải tính đến hàng triệu hecta thì mới có hiệu quả kinh tế nên đây không phải là cuộc chơi của các doanh nghiệp có dự án quy mô nhỏ. Và hiện tại đang phụ thuộc vào bên mua nhiều hơn bên bán.
Như dự án Bắc Trung bộ, không phải làm ra được bao nhiêu là có thể bán bấy nhiêu và giống như một khoản tài trợ hơn. Để có thể trở thành một thị trường thực sự và giao dịch được phải chờ đợi công nghệ mới, nền tảng mới.
“Khi đó những bên như Big 4 có thể tham gia một cách tự tin, chứ nếu một dự án của một doanh nghiệp nhỏ mà mời những đơn vị này vào thì sao họ dám bởi rất rủi ro cho uy tín của họ”, ông Đại nhận định.
Về phân bổ hạn ngạch phát thải, theo ông Minh, trên thế giới đang có hai phương pháp xác định hạn ngạch cho các doanh nghiệp. Thứ nhất là dựa vào lịch sử phát thải của doanh nghiệp. Thông thường cơ quan nhà nước sẽ dựa vào lượng phát thải của 3 năm gần nhất, từ đó làm căn cứ để phân bổ hạn ngạch và có thể phân hạn ngạch thấp hơn một chút so với lượng phát thải trung bình. Thậm chí có quốc gia còn phân cao hơn lượng phát thải trung bình tùy vào điều kiện phát triển kinh tế trong thời điểm đó.
Nhưng nếu như lấy theo lịch sử phát thải ở thời điểm hiện tại có thể không chính xác bởi giai đoạn COVID-19 hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, việc phân bổ hạn ngạch theo đó không phù hợp với kịch bản phát triển của doanh nghiệp.
Phương pháp thứ hai là phân bổ lượng phát thải tính trên đơn vị sản phẩm, bắt buộc nhà nước phải có đầy đủ thông tin về lượng phát của từng lĩnh vực, ngành nghề và căn cứ vào đó để phân bổ hạn ngạch làm sao để đảm bảo sự phát triển của quốc gia.
Tử Kính
FILI
|