SASCO chuẩn bị gì trước khi tham gia đấu thầu tại nhà ga T3 và sân bay Long Thành?
Tại ĐHĐCĐ thường niên sáng ngày 10/04/2024, Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO, UPCoM: SAS) ông Nguyễn Hạnh (hay Johnathan Hạnh Nguyễn) đã tiết lộ về sự chuẩn bị của Công ty trước khi tham gia đấu thầu tại nhà ga T3 và sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của SASCO tổ chức sáng ngày 10/04/2024
|
Cụ thể, ông Hạnh chia sẻ SAS đã có 30 năm tập trung kinh doanh phi hàng không và sẽ không chỉ gói gọn ở sân bay Tân Sơn Nhất. Với việc nhà ga T3 và sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng, SAS sẽ không bỏ lỡ cơ hội này, tương lai của SAS nằm tại đây. Dù vậy. Công ty sẽ không xin mà sẽ tham gia đấu thầu theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Về chiến lược, SAS dự kiến thông qua IPPG tăng mối quan hệ hợp tác từ 138 lên 150 thương hiệu khi tham gia đấu thầu sân bay Long Thanh và sẽ tăng thêm nhân sự nếu trúng thầu.
Đẩy mạnh kinh doanh miễn thuế và phòng chờ
Đối với năm 2024, SAS dự kiến doanh thu thuần hơn 2,800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 343 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 3% so với năm trước. Công ty sẽ vẫn tập trung vào bán hàng miễn thuế (duty free), phòng chờ và các dịch vụ khác.
Chia sẻ về ngành hàng miễn thuế, Chủ tịch SAS cho rằng việc phục hồi của ngành hàng này rõ ràng là dựa vào khách quốc tế do quốc nội không được mở cửa hàng miễn thuế. Các cửa hàng miễn thuế chỉ có ở ga quốc tế nhưng hiện nay ngành kinh doanh duty free của SAS hay công ty khác vẫn chưa được như mong muốn do khách Trung Quốc vẫn chưa đến, vì đây là nhóm khách hàng chi tiêu nhiều nhất.
SAS nhắm vào nhóm khách hàng chịu chi, sẵn sàng mua sắm. Công ty mong muốn tại TPHCM có cửa hàng miễn thuế để phục vụ khách quốc tế nói chung và khách Trung Quốc nói riêng. Việc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) hợp tác với China Duty Free sẽ giúp SAS đẩy mạnh việc kinh doanh duty free tại Việt Nam. Hiện tại Công ty chỉ còn vướng việc tìm mặt bằng, do đo SAS hy vọng sẽ được địa phương quan tâm giải quyết.
Ngoài mảng kinh doanh hàng miễn thuế, Tổng Giám đốc SAS Nguyễn Văn Hùng Cường cho biết việc mở rộng các phòng chờ cũng sẽ là mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty. Hiện tại, SAS đang hợp tác với 1 đối tác để tham gia mở phòng chờ tại 16 sân bay địa phương trên cả nước, trừ sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Mặt khác, Công ty đã có 2 phòng chờ riêng tại sân bay quốc tế Cam Ranh. Trong thời gian tới, Công ty sẵn sàng mở rộng thêm tại các sân bay khác.
Dù vậy, Chủ tịch SAS cũng lưu ý là SAS không thể bao trùm hết tất cả sân bay tại Việt Nam được, Công ty sẽ hướng đến việc tự làm tại các sân bay lớn, quan trọng và hợp tác tạ các sân bay nhỏ.
Mảng bất động sản đang chờ thời cơ
Chia sẻ về mảng kinh doanh bất động sản của Công ty, Tổng Giám đốc SAS cho biết Công ty đang làm các thủ tục cần thiết để chấm dứt dự án Viethaus tại Đức do dự án không đạt kỳ vọng. Công ty đã trích lập dự phòng 100% đối với khoản đầu tư dự án này. Tuy nhiên, do khoản góp vốn theo ngoại tệ nên khi lập BCTC thì giá trị khoản dự phòng phải điều chỉnh theo tỷ giá.
Liên quan đến dự phòng thì ông Cường cho rằng không cần lập dự phòng đối với khoản hợp tác giữa SAS và CTCP Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư Giao thông vận tải (Tracimexco) và Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận.
Cụ thể, SAS đã hợp tác với Tracimexco đầu tư dự án đất nền tại Cần Thơ nhưng do vướng pháp lý nên đã tạm dừng. SAS đang làm việc với Tracimexco để thu hồi khoản đầu tư này. Dù dự án tạm dừng nhưng vẫn còn quỹ đất nên hai bên đang làm thủ tục để xử lý quỹ đất này để thu hồi khoản đầu tư.
Trong khi đó, ở dự án hợp tác đầu tư với Nhà Phú Nhuận tại Long Điền (Vũng Tàu), SAS được chia 54 nền đất thương phẩm, hiện đã chuyển nhượng 30 nền và đang chuẩn bị chuyển nhượng 24 nền còn lại.
Nhận định về dự án trên, Chủ tịch SAS khẳng định hai dự án chắc chắn sẽ không lỗ, sẽ có lợi tức cho cổ đông do dự án đã giải tỏa về mặt pháp lý và có sự đồng ý của địa phương, chỉ còn chờ thời cơ thích hợp để chuyển nhượng.
Còn với dự án khách sạn SASCO Nha Trang, ông Cường cho biết địa phương đã ủng hộ việc triển khai dự án nhưng Công ty vẫn đang chờ văn bản chính thức. Trong thời gian chờ đợi, SAS sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý khác.
Đối với hoạt động đầu tư dự án, ông Hạnh cho biết đã chỉ đạo Ban Giám đốc dự án nào chưa có đầy đủ pháp lý thì tuyệt đối không lách, không bỏ qua bất kỳ bước nào, phải đúng quy trình, quy định pháp luật thì mới thực hiện dù phải chịu áp lực từ phía cổ đông.
Thêm 1 nhân tố IPPG tham gia HĐQT SAS
Tại Đại hội lần này, SAS tiến hành bầu cử các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024-2029. Trúng cử vào HĐQT bao gồm 4 thành viên cũ: Ông Nguyễn Hạnh, ông Lê Anh Tuấn, bà Lê Thị Diệu Thúy và ông Nguyễn Văn Hùng Cường, cùng một thành viên mới là bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn), đồng thời là Tổng Giám đốc IPPG.
Trong khi đó, trúng cử vào Ban Kiểm soát gồm 3 cá nhân: ông Lưu Quốc Hoàng, ông Chu Khánh Toàn và bà Trần Thị Thu Trang.
Chia sẻ trong phần báo cáo của HĐQT, ông Hạnh cho rằng sự cạnh tranh sẽ giúp SAS vươn lên nhưng sự cạnh tranh hiện nay đang ngày càng khủng khiếp vì nước ta có cơ chế mở cửa, thúc đẩy cạnh tranh. Vì vậy, SAS phải nghĩ đến việc tồn tại và phát triển. Với lý do này, việc IPPG với 138 thương hiệu tham gia vào SAS không phải với mục đích nắm quyền hành mà là hỗ trợ SAS cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành nghề trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Việc bà Tiên tham gia vào HĐQT SAS sẽ tăng thêm sự hỗ trợ của IPPG vào SAS, qua đó củng cố thế mạnh của SAS. Hiện, bà Tiên cùng con gái đang đi công tác tại Ô Châu (Trung Quốc) và có hơn 20 khách hàng đã biết tiểu sử IPPG nên không cần mất thời gian để giới thiệu. Điều này cho thấy IPPG đã có uy tín trên thế giới.
Chủ tịch SAS khẳng định, khi còn trên cương vị chủ tịch, ông sẽ vẫn còn trách nhiệm bảo vệ đồng vốn của các cổ đông. Tiêu chí của ông sau 39 năm về nước là tất cả công ty mà ông tham gia đều phải thượng tôn pháp luật, làm việc theo đúng hiến pháp và pháp luật.
* SASCO dự trả cổ tức 2023 hơn 18%, vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn ứng cử vào HĐQT
Hà Lễ
FILI
|