Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Vốn cho nền kinh tế không thiếu
Dù vốn ngân hàng dồi dào nhưng một số doanh nghiệp vẫn khó khăn trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn. Đặc biệt, hiện nay, lãi suất đã về mức thấp nhất trong 20 năm qua. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển?
Vốn cho nền kinh tế không thiếu
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo.
|
Tại Hội thảo “Khơi thông nguồn vốn ra thị trường” được tổ chức chiều ngày 05/04/2024, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ việc tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế đã được xác định từ năm 2020, sau dịch COVID-19, cũng như giai đoạn khó khăn trong năm 2023 vừa qua, cho thấy khó khăn về vốn của các doanh nghiệp.
Dù vốn ngân hàng dồi dào nhưng một số doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Đặc biệt, hiện nay, lãi suất đã về mức thấp nhất trong 20 năm qua. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển?
Đối với các ngân hàng thương mại (NHTM), ngân hàng luôn đảm bảo thanh khoản đầy đủ. Ngoài ra, phía cơ quan quản lý, NHNN cũng đã sử dụng các công cụ chính sách để đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.
“Vốn cho nền kinh tế không thiếu. Hạn mức tín dụng đã được NHNN giao cho NHTM ngay từ đầu năm với tỷ lệ 15%. Nếu điều kiện nền kinh tế cho phép, nền kinh tế cần vốn cho các lĩnh vực là động lực tăng trưởng thì có thể tăng hạn mức tín dụng lên”, Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02. Để tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, NHNN đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa thay vì kết thúc vào 30/06/2024.
Sổ sách hạch toán không minh bạch, doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng
Ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
|
Ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết năm 2023, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, phải thu hẹp sản xuất, giảm quy mô kinh doanh. Do vậy, nhu cầu vay vốn ngân hàng cũng giảm theo.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, tình hình xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc, ngành du lịch và một số ngành tăng trưởng khá... Cùng với lãi suất ngân hàng đã hạ, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên.
Ông Tuệ chia sẻ khi khảo sát, doanh nghiệp thường trả lời khó tiếp cận vốn trong khi ngân hàng phản hồi đã nỗ lực tiếp cận doanh nghiệp. Tuy nhiên, lý do nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa dễ tiếp cận vốn tín dụng là vì đa số doanh nghiệp có khó khăn về tài sản đảm bảo, hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém…
Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là chưa nâng được khả năng bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, do đó cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo đó, Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, chính sách tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng được kéo dài thay vì kết thúc vào 30/06/2024.
Về phía ngân hàng, ông Tuệ cũng đề nghị hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, giảm sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Đồng thời, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhằm tăng khả năng tiếp cận cho vay và đẩy mạnh tín chấp.
Đặc biệt, cần chống tiêu cực trong bộ máy, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp vay vốn, ông Tuệ cho rằng doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Cát Lam
FILI
|