Thứ Hai, 15/04/2024 15:31

Nỗi niềm của MCG với các khoản đầu tư hơn chục năm không hiệu quả

"Công ty đã chịu đựng quá nhiều giai đoạn thử thách, kinh qua 3-4 thời kỳ khủng hoảng kinh tế cũng như những lần thay đổi chính sách nhưng vẫn tồn tại theo thời gian, vẫn đứng được dù chưa đạt những điều mong muốn".

Đó là lời giãi bày của ông Nguyễn Ngọc Bình - Chủ tịch HĐQT CTCP Năng lượng và Bất động sản MCG (UPCoM: MCG) tại ĐHĐCĐ thường niên 2024.

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của MCG tổ chức sáng 15/04 tại Hà Nội. Ảnh: Thế Mạnh

Theo Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bình, từ nền tảng chính trong lĩnh vực xây lắp và chế tạo sản phẩm cơ điện, từ năm 2018, Công ty tập trung vào 2 lĩnh vực chính là năng lượng và bất động sản.

Vậy tại sao lại chọn lĩnh vực năng lượng? Bởi đây là lĩnh vực liên quan đến việc đầu tư xây dựng các công trình thủy điện, "vừa là nghề của chúng ta vừa là một trong những lĩnh vực đảm bảo sự lâu dài, an toàn", ông Bình nói: "Tuy nhiên, mình nghĩ như thế nhưng đâu đấy vẫn còn những rủi ro đặc biệt về chính sách hay rủi ro khách quan về thời tiết".

Các công trình của Công ty lựa chọn ở phía Bắc nên vấn đề mưa lũ không xảy ra nhưng đáng tiếc khoảng 2-3 năm trở lại đây lại gặp vấn đề về hạn hán, do đó việc đầu tư vào lĩnh vực này cũng chưa tạo ra dòng tiền trở lại cho Công ty. "Có thể nói, các lĩnh vực đầu tư của Công ty được đánh giá không có hiệu quả trong hơn chục năm qua nhưng tôi kỳ vọng sẽ đạt được những điều mong muốn, chắc chắn một vài năm tới sẽ thay đổi", Chủ tịch MCG bày tỏ.

Ông Bình phân trần Công ty đã chịu đựng quá nhiều giai đoạn thử thách, kinh qua 3-4 thời kỳ khủng hoảng kinh tế cũng như những lần thay đổi chính sách nhưng vẫn tồn tại theo thời gian, vẫn đứng được dù chưa đạt những điều mong muốn.

"Tôi hy vọng năm 2025 khi bước sang nhiệm kỳ mới thì mọi khó khăn sẽ được dừng lại, Ban lãnh đạo được bầu vào nhiệm kỳ mới vào năm tới sẽ thực hiện tốt hơn", ông Bình chia sẻ.

Lỗ lũy kế gần 438 tỷ đồng, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động

Nhìn lại năm 2023, MCG vẫn lỗ hơn 1 tỷ đồng, nhưng giảm đáng kể so với mức lỗ 84 tỷ đồng năm 2022, chủ yếu do doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác tăng nhưng không đủ bù đắp chi phí, cộng thêm khối lượng thi công các công trình nghiệm thu thấp khiến doanh thu giảm.

Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp thua lỗ của MCG, dẫn đến khoản lỗ lũy kế tính tới cuối năm 2023 gần 438 tỷ đồng. Hơn nữa, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn gần 285 tỷ đồng.

"Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Công ty”, trích lời đơn vị kiểm toán trong BCTC đã kiểm toán năm 2023 của MCG.

Về vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bình cũng với tư cách cổ đông lớn của MCG cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Công ty bằng cách cho vay tài chính để Công ty có thể tiếp tục hoạt động bình thường.

Về nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn, nguyên nhân do hợp nhất bổ sung công ty con là CTCP Đầu tư Thủy điện An Pha đang trong giai đoạn đầu tư thủy điện với giá trị lớn nên chưa có nguồn thu. Mặt khác, MCG phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi làm giảm đáng kể tài sản ngắn hạn.

Theo đó, MCG đề ra các phương án khắc phục lỗ lũy kế như thoái vốn một số công ty con, liên kết và đầu tư không hiệu quả; tìm kiếm việc làm mới để tăng doanh thu hàng năm, đảm bảo có lợi nhuận để bù đắp lỗ của năm trước.

Đồng thời, Công ty đã và đang đẩy mạnh công tác thu hồi nợ để hoàn nhập trích lập dự phòng phải thu khó đòi. Hiện, MCG đang khởi kiện một số công ty có số dư nợ phải thu lớn để thu hồi nợ.

Ví dụ trong năm 2023, Công ty đã hoàn thành, giải quyết dứt điểm công nợ với Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4 - CTCP về việc thi công Công trình thủy điện Sông Tranh. Tuy nhiên, số nợ còn phải thu vẫn còn hơn 54 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhiều năm qua, MCG vẫn đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để xin chuyển đổi chức năng tòa nhà văn phòng HH1B sang nhà ở để bán, trình phê duyệt làm chủ đầu tư trường học trên ô đất 3,000m2 tại dự án 102 Trường Chinh.

Lãnh đạo MCG cho biết Công ty dự kiến hoàn tất các thủ tục pháp lý, ký hợp đồng mua bán với khách mua và ghi nhận doanh thu chuyển nhượng các căn hộ trên trong năm 2025-2026.

Không chia cổ tức cho cổ đông suốt 14 năm qua

Sang năm 2024, MCG sẽ tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành thi công và bàn giao các công trình như Thủy điện Nậm hóa 1 - Sơn La; triển khai đầu tư vào lĩnh vực Bất động sản công nghiệp và logistics...

Trong bối cảnh đó, MCG đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 162 tỷ đồng, hơn gấp 4 lần thực hiện năm 2023. Mảng xây dựng dự kiến đóng góp gần 131 tỷ đồng doanh thu, còn lại mảng sản xuất công nghiệp; thương mại và dịch vụ... Công ty kỳ vọng có lãi trở lại hơn 1.5 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh không khả quan nhiều năm, MCG tiếp tục không chia cổ tức năm 2023 và 2024. Lần gần nhất, Công ty chia trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền là vào năm 2010, tức 14 năm về trước.

Thế Mạnh

FILI

Các tin tức khác

>   VIM: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (15/04/2024)

>   BMP: Công bố Báo cáo thường niên 2023 (15/04/2024)

>   VRE: Công bố Báo cáo thường niên 2023 (15/04/2024)

>   KHG: Công bố Báo cáo thường niên 2023 (15/04/2024)

>   VPG: Báo cáo thường niên năm 2023 (15/04/2024)

>   PNJ: Công văn CBTT + Nghị quyết HĐQT về việc sửa đổi, bổ sung chương trình và tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 (15/04/2024)

>   LPB: Công bố Báo cáo thường niên 2023 (15/04/2024)

>   SCR: CBTT Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên NTC 2023 (15/04/2024)

>   SCR: CBTT Nghị quyết HĐQT thông qua Đơn từ nhiệm của TV HĐQT và cập nhật tài liệu họp ĐHĐCĐ (15/04/2024)

>   PTL: Báo cáo thường niên năm 2023 (15/04/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật