Nhịp đập Thị trường 23/04: Tâm lý bi quan bao trùm
Diễn biến tiêu cực tiếp tục diễn ra, nắng nóng thiêu đốt thị trường chứng khoán. VN-Index tiếp tục lùi về mốc thấp nhất trong ngày là 1,169.92 điểm (-20.3 điểm), sau đó bật lên thu hẹp đà giảm. Kết phiên 23/04, VN-Index dừng ở mức 1,177.4 điểm, giảm 12.82 điểm so với phiên trước. Thanh khoản thị trường vẫn èo uột hơn 14,500 tỷ đồng.
Các chỉ số khác cũng đồng loạt giảm, HNX-Index giảm 2.67 điểm, về 222.63; UPCoM-Index giảm 0.51 điểm về 87.51 điểm.
Cuối phiên, chỉ còn nhóm nông – lâm – ngư, bán lẻ, công nghệ thông tin (nổi bật là FPT và VGI) giữ được sắc xanh tích cực. Ngược lại, phần lớn các nhóm ngành đều bao trùm bởi sắc đỏ. Nhóm chứng khoán có vẻ không còn được hỗ trợ bởi thông tin của hệ thống KRX; cổ phiếu AGR (Agriseco) thậm chí giảm sàn.
Agriseco đã công bố BCTC quý 1/2024 lãi trước thuế giảm 20% về gần 44 tỷ đồng, thực hiện được khoảng 24% kế hoạch lợi nhuận năm.
Các cổ phiếu bất động sản và ngân hàng là tâm điểm làm chao đảo thị trường phiên hôm nay. VHM quay lại trở lại cổ phiếu tác động tiêu cực đến chỉ số với cường độ mạnh hơn; GVR cũng bứt tốc, vượt mặt hai cổ phiếu ngân hàng là CTG và BID để trở thành cổ phiếu tác động tiêu cực lớn thứ 2. Một vài cổ phiếu vốn hóa lớn khác như VIC, MSN, VCB, HPG cũng chung nhóm này.
Ngược lại, TCB vẫn làm tốt vai trò dẫn dắt cùng với các cổ phiếu khác như FPT, MWG hay VPB,… giúp chỉ số không giảm sâu hơn. Nhắc lại kết quả kinh doanh quý 1 của TCB với lãi trước thuế gần 7,802 tỷ, tăng 39%.
Khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng trong phiên hôm nay, hơn 359 tỷ đồng trên cả ba sàn, cao hơn so với phiên trước (22/04) là 170 tỷ đồng. Trong đó, VHM bị bán ròng mạnh nhất hơn 141 tỷ đồng, lớn hơn cả mức bán ròng của ba cổ phiếu xếp sau là DIG, MSN và SHB cộng lại. Ngược lại, cổ phiếu MWG được mua ròng nhiều nhất, hơn 92 tỷ đồng; kế đến là cổ phiếu HPG (hơn 66 tỷ đồng).
14h30: VN-Index tiếp tục rơi sâu
Tới 14h30, hơn 500 mã giảm điểm đang tạo áp lực lớn lên các chỉ số. EIB, TCB, MWG đang là những chống chịu cho thị trường.
VN-Index thời điểm này đang giảm tới gần 17 điểm.
Phiên sáng: Lực bán gia tăng, VN-Index giảm gần 6 điểm
Sau khi rơi vào vùng giảm giá và giằng co trong biên độ hẹp quanh 1,185 điểm, chỉ số có lúc được đưa lên mức 1,187 điểm. Nhưng cũng từ đó, phe mua bắt đầu hụt hơi, gần như không còn chống trả quyết liệt và kết quả là VN-Index rơi sâu hơn. Trạng thái thanh khoản gần như không thay đổi so với phiên trước, vẫn ở mức thấp quanh 6,000 tỷ đồng.
Kết phiên sáng, VN-Index tạm dừng ở 1,184.27 điểm, giảm gần 6 điểm. HNX-Index cũng giảm 1.5 điểm về 223.81 điểm. Ngược lại, UPCoM-Index nhích tăng nhẹ 0.02 điểm, lên 88.05.
Trên bản đồ nhiệt các nhóm ngành, sắc đỏ đã lấn rộng hơn, chỉ còn một vài ngành le lói tăng điểm như bán lẻ (+1.34%), công nghệ thông tin (+0.98%), bán buôn (+0.27%), nông – lâm – ngư (+0.22%) và bảo hiểm (+0.14%). Các nhóm ngành giảm điểm mạnh là bất động sản, xây dựng, chế biến thủy sản, chứng khoán, ngân hàng.
Bối cảnh hiện tại không nhiều tin tức hỗ trợ, chủ yếu xoay quanh câu chuyện ĐHĐCĐ thường niên 2024 của các doanh nghiệp trên sàn.
Về top các cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index, BID đã vượt qua VHM trở thành cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất; kế đến là MBB, VIC, VCB, CTG. Ngược lại, TCB vẫn đang dẫn đầu nhóm đối trọng, nâng đỡ chỉ số.
Lực bán của khối ngoại gia tăng, tính trên ba sàn nhóm này đã bán ròng hơn 409 tỷ đồng. Các cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là DIG (gần 52 tỷ đồng), VHM (45 tỷ đồng); theo sau là là cổ phiếu nhóm chứng khoán như VND (23 tỷ đồng) và VIX (21 tỷ đồng). Ngược lại, SSI được mua ròng nhiều nhất, 25 tỷ đồng.
Top 10 cổ phiếu khối ngoại mua - bán ròng phiên sáng 23/04/2024 (Tính đến 11h30) |
|
Nhìn rộng hơn một số thị trường ở châu Á có thể thấy, VN-Index đang đi cùng chiều với Shanghai Composite và ngược chiều các chỉ số khác như Nikkei 225, Hang Seng hay Singapore Straits Times.
10h40: Phe bán thắng thế
Sau diễn biến giằng co ở đầu phiên, phần thắng thuộc về bên bán. Đến 10h30, VN-Index giao dịch quanh 1,186 điểm, tức giảm hơn 4 điểm so với phiên trước và đang giằng co trong biên độ hẹp ở vùng này. Thanh khoản chưa có sự cải thiện rõ rệt, duy trì ngang mức của phiên hôm trước, hơn 3,700 tỷ đồng.
Lực bán áp đảo đưa sắc đỏ đang lan rộng hơn ở nhiều ngành, các nhóm cực ở đầu phiên không duy trì được trạng thái, quay đầu giảm như chứng khoán, ngân hàng, sản xuất nhựa - hóa chất. Hiện, điểm xanh tích cực nhất là ở nhóm bán lẻ, sản phẩm cao su, công nghệ thông tin, nông - lâm - ngư, bảo hiểm và tiện ích.
Phía các cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index có bộ đôi VHM và VIC, xen giữ là cổ phiếu ngân hàng BID. Kế đến là các cổ phiếu ngân hàng khác như VCB, MBB và cả CTG. Như vậy, nhóm bất động sản và cổ phiếu ngân hàng đang là áp lực chính lên chỉ số.
Ngược lại, vẫn có một số cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng đang cân lại mức tác động tiêu cực, nổi bật nhất là TCB, cổ phiếu này lãi trước thuế hợp nhất gần 7,802 tỷ đồng trong quý 1/2024, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Theo sau, STB, VPB và MSB có cũng góp phần nhỏ gồng gánh chỉ số cùng TCB. Ngoài ra, MWG, PGV và FPT cũng cố gắng hỗ trợ cân lại thị trường.
Ở giao dịch của khối ngoại, lực bán cũng chiếm ưu thế, giá trị bán ròng cả ba sàn gần 303 tỷ đồng. Cổ phiếu DIG đang bị bán ròng mạnh nhất. Một diễn biến liên quan tới DIG là sắp tới cổ đông tham dự ĐHĐCĐ của doanh nghiệp bất động sản này sẽ nhận được quà, tối đa 10 triệu đồng/cổ đông.
Mở cửa: Giằng co quanh tham chiếu
VN-Index hôm nay mở cửa với sắc xanh, chỉ số nhanh chóng xuống thấp hơn mốc tham chiếu, nhưng sau đó đã quay đầu tích cực. Đến 9h50, VN-Index dao động quanh 1,191.71 điểm, tăng 1.5 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về 264 mã tăng giá, tăng trần 17 mã, đứng giá là 1,107 mã, giảm giá 211 mã, giảm sàn 9 mã.
Nhóm chứng khoán vẫn giữ được sắc xanh trong phiên hôm nay. Diễn biến tương tự với nhóm ngân hàng, sản xuất nhựa – hóa chất, thực phẩm – đồ uống, vật liệu xây dựng. Ngược lại, nhóm bất động sản đang giảm điểm; trong đó, VHM là cổ phiếu có tác động tiêu cực đến VN-Index.
Sáng nay diễn ra ĐHĐCĐ 2024 của CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (HOSE: CSM). CSM đặt mục tiêu lãi trước thuế 80 tỷ đồng, tăng 14% so với thực hiện 2023, bên cạnh chia cổ tức 3% cho năm 2023.
CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, HOSE: SCR) cũng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên cho niên độ tài chính 2023. Năm nay, SCR dự kiến doanh thu tăng mạnh trong khi lợi nhuận trước thuế đi ngang, ngoài ra không chia cổ tức.
Đáng chú ý, ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HOSE: MSB) cũng đang diễn ra. Ngân hàng này đặt kế hoạch lãi trước thuế 6,800 tỷ đồng.
Trên thế giới, diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ phiên tối qua ngày 22/04 tích cực. Chỉ số Dow Jones tăng 0.67% lên 38,239.98 điểm, S&P 500 tiến 0.87% lên 5,010.60 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite cộng 1.11% lên 15,451.31 điểm. Cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều kết thúc chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp.
Kha Nguyễn
FILI
|