Nhịp đập Thị trường 02/04: Hồi phục thành công
Kết thúc phiên giao dịch, phe mua thành công đưa chỉ số VN-Index ra khỏi vùng giảm điểm. Chỉ số có lúc tăng chạm mốc 1,286.58 điểm (+5.06), rồi rơi về 1,282.6 điểm (+1.08) trước khi khép lại ở mức 1,287.04 điểm (+5.52). Giá trị giao dịch trung bình phiên hơn 25,500 tỷ đồng, tăng 18% so với trung bình phiên trước.
Diễn biến VN-Index phiên giao dịch ngày 02/04 |
|
HNX-Index và UPCoM-Index cũng đóng cửa trong sắc xanh, lần lượt ghi nhận 245.9 (+3.01) và 91.4 (+0.08).
Thị trường nhìn chung đã giao dịch tích hơn trong phiên chiều, các mảng màu xanh trên bản đồ nhiệt bắt đầu lan rộng. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng có chuyển biến tích cực hơn, một vài cổ phiếu đóng cửa trong sắc xanh như TCB, LPB, TPB,… các cổ phiếu như EIB và CTG đi ngang. Cổ phiếu STB giảm gần 4%, với thanh khoản tăng đột biến, khối lượng giao dịch ghi nhận lên đến 105 triệu đơn vị trong bối cảnh có những “lùm xùm” đang diễn ra.
Nhóm chứng khoán cũng ghi nhận sự hồi phục khá ngoạn mục và có mức tăng tốt, nổi bật là SHS. Các cổ phiếu khác có mức tăng nhỏ hơn như VIX, MBS, FTS tăng từ 1-2%. SSI và đặc biệt là VND cũng giữ được sắc xanh.
Nhóm bất động sản, tương tự như nhóm ngân hàng và chứng khoán, có diễn biến trái ngược với những gì diễn ra trong phiên sáng. Nhiều cổ phiếu có mức tăng đáng chú ý như DXG (+2.97%), KBC (+3.2%), PC1 (2.65%) hay BCG (+2.93%); VIC và VRE hôm nay kết phiên giảm điểm nhẹ.
Đáng chú ý, ở nhóm sản xuất rất tích cực, được phủ lên bởi một màu xanh mướt. Nhóm thép như HPG, NKG tăng tích cực.
Mới đây, HPG đã hạ mạnh giá bán thép cuộn cán nóng (HRC) trong bối cảnh nhu cầu yếu và áp lực phải cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc. Hòa Phát đã hạ giá 40 USD/tấn với thép HRC, đưa giá thành loại SAE1006/SS400 giao tháng 6/2024 của hãng xuống mức 550 USD/tấn (CFR), chưa bao gồm VAT.
Điểm sáng nhất có lẽ thuộc về cổ phiếu GVR và cổ phiếu DRC, hai cổ phiếu thuộc nhóm sản xuất này đã tăng hết biên độ trong phiên hôm nay. GVR còn gánh trọng trách là cổ phiếu có mức đóng góp tích cực nhất lên chỉ số, góp phần đưa VN-Index đi từ đỏ sang xanh.
Nhóm khai khoáng, có liên quan dầu khí cũng không kém cạnh, với mức tăng hơn 7% của PVS và hơn 6% của PVD. Cổ phiếu PVT thuộc nhóm vận tải kho bãi cũng tăng hơn 4%. Tối qua, phiên giao dịch ngày 01/04, giá các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn dầu thô Brent và WTI cũng ghi nhận mức tăng tốt trước thông tin rằng lãnh sự quán Iran ở Damascus, Syria, đã bị tấn công bằng tên lửa.
Ở nhóm cổ phiếu tác động mạnh đến thị trường, ghi nhận 7/10 cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng tác động tiêu cực lên VN-Index, VCB là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất, sau đó là STB. Chiều ngược lại, GVR làm tốt vai trò đầu tàu, góp phần cân lại tác động tiêu cực lên chỉ số của nhóm ngân hàng.
Top 10 cổ phiếu tác động đến VN-Index trong phiên ngày 02/04 |
|
Khối ngoại trong phiên giao dịch hôm nay bán ròng gần 570 tỷ đồng trên cả ba sàn. Trong đó, trên HOSE khối ngoại đã bán gần 731 tỷ đồng; STB tiếp tục bị gọi tên, trở thành cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất, giá trị gần 285 tỷ đồng, theo sau là VCI (-223 tỷ đồng) và SSI (-155 tỷ đồng). Chiều ngược lại, cổ phiếu TCB được mua ròng nhiều nhất hơn 188 tỷ đồng, xếp sau là GVR hơn 66 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch của khối ngoại trong 5 phiên gần nhất |
|
Phiên sáng: Có dấu hiệu hồi phục
Chỉ số VN-Index vẫn chưa thoát khỏi khu vực giảm điểm và tạm dừng ở 1,275.76 điểm (-5.76 điểm) với giá trị giao dịch trung bình phiên đạt trên 15,000 tỷ đồng, tăng 58% so với phiên trước. Song, diễn biến từ 11h trở đi cho thấy chỉ số đang nỗ lực để thoát khỏi khu vực giảm điểm.
Sắc đỏ vẫn bao trùm hầu hết các nhóm ngành trên thị trường, có thể kể đến như bán lẻ, chế biến thủy sản, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe,… Ngược lại, các ngành về sản phẩm cao su, sản xuất nhựa - hóa chất, thiết bị điện và dịch vụ tư vấn giữ được sắc xanh.
Top cổ phiếu tác động tiêu cực đến chỉ số đóng góp giảm 3.6 điểm, hơn gấp đôi so với mức đóng góp tăng 1.6 của nhóm đối trọng. Số mã ngân hàng tác động giảm đến chỉ số giảm 1 mã, chỉ còn 6 mã; trong khi đó, VHM lại trở lại cổ phiếu tạo áp lực lớn thứ 2 lên chỉ số. Ngoài ra, các cổ phiếu như FPT, GAS, MWG cũng thuộc nhóm này.
Cổ phiếu tác động tới VN-Index mạnh nhất phiên sáng 02/04/2024 |
|
Ở nhóm đối trọng, GVR vẫn đang vất vả để gồng gánh chỉ số, cổ phiếu xếp sau là MSN và CTR cũng rất nỗ lực nâng đỡ chỉ số. Trong khi đó, các cổ phiếu như PGV, KBC, BMP, POW,… cũng ghi nhận sự cố gắng, nhưng không đáng kể.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 590 tỷ đồng trên cả 3 sàn, riêng trên HOSE khối này đã bán ròng gần 616 tỷ đồng. Các cổ phiếu thuộc nhóm tài chính ngân hàng bị bán ròng mạnh nhất, đơn cử cổ phiếu STB bị bán ròng gần 231 tỷ đồng.
VCI và SSI là hai cổ phiếu chứng khoán bị bán ròng lần lượt 137 và 78 tỷ đồng. Chiều ngược lại, cổ phiếu PC1 được mua ròng nhiều nhất, trên 33 tỷ đồng; xếp sau là chứng chỉ quỹ FUEVFVND và MWG, đều được mua ròng hơn 31 tỷ đồng.
10h40: Chưa khởi sắc
Thị trường tiếp nối diễn biến đầu phiên vẫn chìm trong sắc đỏ với áp lực từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. VN-Index nhiều lần xuất hiện lực cầu đưa chỉ số đi lên một đoạn, nhưng vẫn không thắng nổi áp lực bán. Tính đến 10h40, VN-Index giao dịch quanh 1,273.42 điểm, giảm khoảng 8 điểm.
Thanh khoản thị trường có sự cải thiện rõ nét trong phiên hôm nay, tại cùng thời điểm nói trên, giá trị giao dịch trung bình phiên đạt gần 10,600 tỷ đồng, cao hơn so với gần 6,900 tỷ đồng của phiên hôm trước.
Như đã đề cập, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang gia tăng thêm áp lực cho chỉ số. Phần lớn các cổ phiếu điều không có diễn biến tích cực. Có đến 7/10 cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng đang là gánh nặng của chỉ số; trong đó, VPB dẫn đầu, theo sau là STB, VCB và CTG.
Diễn biến này có phần đi ngược với kỳ vọng khả quan về lợi nhuận của nhóm ngân hàng. Trong tài liệu trước đại hội, MBB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng trưởng từ 6-8% so với kết quả năm 2023, dao động trong khoảng 27,884 - 28,410 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức từ 10-20%.
Hôm nay, VIB cũng tổ chức ĐHĐCĐ. Ngân hàng này đặt kế hoạch lãi trước thuế năm 2024 hơn 12,000 tỷ đồng, tương đương tăng 13%.
Chiều hôm qua (ngày 01/04), Vietcombank tiếp tục thông báo giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm 0.1 điểm phần trăm các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán nhìn chung mất hút trên bản đồ nhiệt thị trường, với sắc đỏ lấy làm chủ đạo. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những ngoại lệ như VDS hay CTS đi ngược diễn biến chung của nhóm.
Hôm nay, cũng là ngày thứ hai hệ thống giao dịch của VND hoạt động trở lại từ sau sự cố bị hacker tấn công một tuần trước. Trong một thông báo mới đây từ CTCK có thị phần cổ phiếu lớn thứ 3 HOSE năm 2023, tính đến cuối ngày 01/04/2024, tức sau một ngày mở lại giao dịch, hệ thống VNDIRECT đã thực hiện thành công hơn 65,000 lệnh giao dịch.
Mở cửa: Thị trường mở cửa trong sắc đỏ
Mở cửa phiên sáng, thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ. Tính đến 9h39, chỉ số giảm hơn 6 điểm so với phiên trước, giao dịch quanh 1,275.32 điểm.
Đa phần các nhóm ngành trên thị trường đều giảm điểm, một số ngành duy trì được sắc xanh như sản xuất nhựa – hóa chất; xây dựng; thiết bị điện; dịch vụ tư vấn, hỗ trợ.
Về phía các cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index, có 7/10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến chỉ số thuộc nhóm ngân hàng. Trong đó, cổ phiếu VCB đóng góp giảm mạnh nhất hơn 1.2 điểm, xếp sau là cổ phiếu VIC. Theo sau là nhóm cổ phiếu ngân hàng khác như STB, CTG và VPB. Chiều ngược lại, cổ phiếu GVR chóng chọi yếu ớt, dẫn đầu nhóm đóng góp tăng vào chỉ số.
Kha Nguyễn
FILI
|