Nhiều thay đổi tại các phương án huy động vốn của TMS
Ngày 20/04, HĐQT CTCP Transimex (HOSE: TMS) công bố nghị quyết thông qua điều chỉnh, bổ sung và cập nhật tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024, liên quan đến các phương án huy động vốn từ các đợt chào bán cổ phiếu và trái phiếu.
Thay đổi phương án sử dụng 60 tỷ đồng còn lại từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ
Ngày 31/12/2021, TMS kết thúc đợt chào bán riêng lẻ hơn 12.2 triệu cp, qua đó huy động hơn 488.5 tỷ đồng. Theo kế hoạch sử dụng vốn ban đầu, TMS sẽ chia thành 5 khoản, bao gồm 153 tỷ đồng thực hiện dự án đầu tư cảng cạn Transimex tại tỉnh Hưng Yên; 120 tỷ đồng thanh toán một phần gốc trái phiếu năm 2019; 117.8 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động; 60 tỷ đồng đầu tư nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty liên kết và công ty ngành logistics khác. Tất cả dự kiến hoàn tất giải ngân sau khi năm 2022 khép lại.
Tháng 4/2023, TMS thông báo thay đổi mục đích sử dụng số tiền 153 tỷ đồng thành đầu tư mua tàu vận tải biển container, dự kiến giải ngân trong quý 2/2023.
Đến 31/12/2023, TMS cập nhật đã giải ngân 428.5 tỷ đồng trên tổng số 488.5 tỷ đồng vốn huy động. Số tiền 60 tỷ đồng chưa thực hiện nằm tại phần đầu tư mua tàu vận tải biển container nêu trên, do giá trị tàu thực tế thấp hơn dự kiến.
Ngày 20/04/2024, TMS thông báo điều chỉnh lần 2 phương án sử dụng vốn huy động từ đợt chào bán riêng lẻ, với 60 tỷ đồng còn dư nêu trên được dùng để nhận chuyển nhượng 99.98% phần vốn góp của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics tại khu công nghiệp VSIP 2, dự kiến giải ngân trong quý 2 hoặc 3/2024.
Nguồn: TMS
|
Dừng triển khai phương án chào bán trái phiếu chuyển đổi 200 tỷ đồng ra công chúng
Cũng trong nghị quyết, HĐQT TMS bổ sung vào tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 nội dung dừng triển khai phương án chào bán trái phiếu chuyển đổi trị giá 200 tỷ đồng. Đây là phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua nhưng theo ban lãnh đạo TMS, tình hình thị trường tài chính từ nửa cuối 2023 đến nay chưa phù hợp để thực hiện, đồng thời nhu cầu về vốn của TMS đã thay đổi.
Nhiều bổ sung, thay đổi tại phương án chào bán trái phiếu chuyển đổi 700 tỷ đồng ra công chúng
HĐQT TMS cũng dự trình thông qua điều chỉnh và thay thế nhiều nội dung trong phương án chào bán trái phiếu chuyển đổi trị giá tối đa 700 tỷ đồng ra công chúng.
Theo đó, tổng giá trị trái phiếu chào bán (theo mệnh giá) mới giảm còn tối đa 400 tỷ đồng, để phù hợp với phương án sử dụng vốn trong từng đợt chào bán. Cùng với đó, tỷ lệ thực hiện quyền thay đổi thành 42.33:1, thay vì 17.4:1 như ban đầu, do thay đổi giá trị trái phiếu chào bán và số lượng cổ phiếu lưu hành.
Ngoài ra, TMS cũng bổ sung các thông tin giá chuyển đổi không thấp hơn mệnh giá; tỷ lệ chào bán thành công tối thiểu theo Nghị định 155; phương án thanh toán bù đắp; phương án thanh toán gốc trong trường hợp người sở hữu trái phiếu không thực hiện được quyền chuyển đổi trái phiếu do giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài của Công ty theo quy định.
TMS dự kiến chào bán sau khi kết thúc đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, trong năm 2024 hoặc 2025 hoặc thời gian khác theo quyết định của HĐQT và sau khi có chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trái phiếu có lãi suất 7%/năm, kỳ hạn 2 năm kể từ phát hành, mục đích huy động nhằm đầu tư thực hiện các dự án; đầu tư tài sản cố định; bổ sung vốn cho các hoạt động tài chính và thanh toán các khoản nợ phải trả, nợ vay.
* TMS muốn phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, hủy trả cổ tức 2021
Huy Khải
FILI
|