Nhiều nước châu Á đẩy lùi thời điểm giảm lãi suất
Với triển vọng ngày càng mờ mịt về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng tiền tệ trong năm, nhiều ngân hàng trung ương ở châu Á buộc phải đẩy lùi thời điểm giảm lãi suất đồng thời sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để giữ ổn định tỷ giá. Thậm chí, Ngân hàng trung ương Indonesia đã chủ động tăng lãi suất để vực dậy đồng nội tệ.
Trụ sở của Ngân hàng trung ương Indonesia ở Jakarta. Ảnh: Bloomberg
|
Tình thế tiến thoái lưỡng nan
Cuối năm ngoái, giới đầu tư và chuyên gia kinh tế kỳ vọng Fed sẽ tiến hàng 6-7 đợt giảm suất trong năm 2024. Tuy nhiên, 4 tháng sau, Fed thay đổi quan điểm, phát tín hiệu không vội nới lỏng tiền tệ vì kinh tế Mỹ kiên cường hơn dự kiến và lạm phát cao dai dẳng.
Sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố dữ liệu cho thấy, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng với tốc độ 3,4% hàng năm trong quí 1, mạnh nhất trong 1 năm thì nhiều người dự đoán, Fed chỉ thực hiện một đợt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, trong đó có châu Á đang theo dõi chặt chẽ Fed để xem xét các quyết định cắt giảm, giữ nguyên thậm chí tăng lãi suất trong những tháng tới.
Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đã khiến giới phân tích ngạc nhiên hôm 24-4 khi tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm, lên 6,25%, trong nỗ lực củng cố đồng rupiah. Trước đó, chỉ có 6 trong số 35 nhà kinh tế trong cuộc thăm dò Reuters dự đoán BI sẽ tăng lãi suất.
“Quyết định tăng lãi suất bất ngờ của BI chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi khác. Ngay cả khi lạm phát đã bình thường hóa trên khắp châu Á, nỗi lo về sức mạnh đồng đô la tiếp tục khiến các ngân hàng trung ương trong khu vực phải ở thế phòng thủ”, Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng châu Á của ngân hàng HSBC nói.
Nhiều ngân hàng trung ương khác ở châu Á đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Đối với họ, giảm lãi suất sẽ giúp giảm áp lực lên nền kinh tế, giảm chi phí vay và thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất quá sớm, đặc biệt là trong bối cảnh Fed duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự kiến thì dòng vốn sẽ tháo chảy khỏi các nền kinh tế châu Á do nhà đầu tư tìm kiếm lãi suất cao hơn ở những nơi khác. Điều này có thể khiến tiền tệ ở các nước châu Á suy yếu hơn nữa.
Pramod Shenoi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của CreditSights, lưu ý về việc duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn sẽ làm chậm hoạt động kinh tế và gâp áp lực ngày càng gia tăng đối với các cá nhân và công ty sử dụng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, việc cắt giảm trước Fed có nguy cơ gây biến động tỷ giá, điều mà mà hầu hết các ngân hàng trung ương ở châu Á không muốn xảy ra.
Mức độ chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế ở châu theo mức độ khác nhau. Theo báo cáo của Ngân hàng Morgan Stanley, đối với các nước định hướng xuất khẩu hơn, tăng trưởng phần lớn phụ thuộc vào sức mạnh của nhu cầu bên ngoài. Với các nền kinh tế hướng nội hơn, tăng trưởng sẽ dựa vào sức mạnh của nhu cầu trong nước. Sự tăng tốc xuất khẩu của châu Á trong 3 tháng qua có thể giúp khu vực này ứng phó những bất ổn tiềm tàng đối với tăng trưởng trong trường hợp các ngân hàng trung ương trong khu vực duy trì lãi suất ở mức cao.
Hầu hết các đồng tiền ở châu Á đều đang ở mức thấp trong nhiều năm so với đô la Mỹ, làm tăng khả năng các nhà quản lý ở khu vực này phải hành động mạnh mẽ hơn để ổn định tỷ giá. Ảnh: Oxford Economics
|
Đẩy lùi thời điểm nới lỏng tiền tệ
Jingyi Pan, Phó giám đốc kinh tế phụ trách bộ phận PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) của S&P Global Market Intelligence, cho rằng với sức mạnh mạnh hiện tại của đồng đô la Mỹ, các nước châu Á sẽ chưa thể giảm lãi suất sớm.
“Các ngân hàng trung ương ở châu Á nhìn chung không muốn thấy đồng nội tệ của họ biến động đáng kể so với các loại tiền tệ khác, đặc biệt là đồng đô la Mỹ và có thể không muốn hành động trước Fed”, bà nói.
Lãi suất cao hơn của Mỹ có xu hướng thúc đẩy đồng đô la khi nhà nhà đầu tư chuyển tiền sang Mỹ này để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn từ trái phiếu và các sản phẩm lãi suất khác.
Vì vậy, các ngân hàng trung ương ở châu Á nhận thấy, cần phải giữ nguyên hoặc tăng lãi suất để tránh dòng vốn chảy ra bên ngoài đồng thời giúp ổn định tỷ giá. Nếu đồng nội tệ suy yếu hơn nữa, các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu như thực phẩm và năng lượng sẽ trở nên đắt đỏ hơn, khiến lạm phát trầm trọng hơn.
Ông Perry Warjiyo, Thống đốc BI giải thích, BI tăng lãi suất cơ bản nhằm ổn định của tỷ giá hối đoái của đồng rupiah, vốn suy giảm gần 5% trong năm nay. Trước đó, 12 trong số 21 nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg dự báo BI sẽ trì hoãn giảm lãi suất đến quí 4-2024, thậm chí đến đầu năm 2025.
Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) cũng chịu áp lực vì đồng đô la tăng giá. Sau cuộc họp chính sách hồi đầu tháng 4, BoT vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 2,5%, bất chấp lời kêu gọi cắt giảm của Thủ tướng Srettha Thavisin nhằm vực dậy tăng trưởng.
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn vì lãi suất cao”, ông Thavisin nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với các phóng viên.
Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất có thể khiến đồng baht suy yếu hơn nữa. Đồng tiền của Thái Lan giảm giá khoảng 8% so với đồng đô la trong năm nay. Theo ngân hàng HSBC, ngay cả khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách, BoT có thể vẫn duy trì lãi suất 2,5% trong thời gian còn lại của năm nếu nhận thấy lạm phát gia tăng và rủi ro tài chính liên quan đến mức nợ hộ gia đình cao.
Để thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Srettha Thavisin đã yêu cầu các tổ chức tài chính lớn của Thái Lan hạ lãi suất. Hôm 25-4, bốn ngân hàng lớn của Thái Lan đồng ý tạm thời giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và các nhóm dễ bị tổn thương khác sau khi các CEO của họ dự cuộc họp do ông Thavisin chủ trì.
Đồng đô la Mỹ mạnh cũng đang gây áp lực lên đồng ringgit của Malaysia và đồng peso của Philippines. Cho đến nay, ngân hàng trung ương của hai nước này vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản,
Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) trước đó phát tín hiệu rằng có thể giảm lãi suất vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau thay vì vào quí 3. Các nhà kinh tế của ngân hàng HSBC cũng nhận định BSP sẽ trì hoãn giảm lãi suất đến cuối năm nay do lạm phát cao và đồng peso suy yếu.
Tuy nhiên, Ralph Recto, Bộ trưởng Tài chính Philippines, cảnh báo Philippines có thể duy trì mức lãi suất 6,5% lâu hơn dự kiến nếu đồng peso suy yếu vượt qua mức thấp kỷ lục hiện tại, 59 peso đổi 1 đô la.
Theo ông Arsenio Balisacan, người đứng đầu Cơ quan Kinh tế và phát triển quốc gia Philippines, dù BSP trì hoãn giảm lãi suất, GDP của đất nước vẫn có thể tăng trưởng ở mức 6% trong năm nay.
Ưu tiên can thiệp ngoại hối thay vì tăng lãi suất
Các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đang sử dụng các nhiều biện pháp khác nhau để ngăn chặn sự trượt dốc của tỷ giá, từ cảnh báo bằng lời nói ở Hàn Quốc đến lời kêu gọi các công ty chuyển đổi thu nhập đô la ở nước ngoài sang đồng nội tệ ở Malaysia và Indonesia. Trong khi đó, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đều đã can thiệp bằng cách bán đô la để bảo vệ đồng nội tệ.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SVB) đã can thiệp thị trường ngoại hối bằng cách bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng trong nỗ lực ổn định tỷ giá.
“SVB sẽ sử dụng các công cụ như can thiệp và tăng lãi suất ngắn hạn bằng cách rút thanh khoản để khiến chi phí công cụ phòng ngừa rủi ro ngoại hối trở nên đắt đỏ hơn”, Michael Wan, nhà phân tích tiền tệ cấp cao của ngân hàng MUFG Bank nói.
Không chỉ Đông Nam Á cảm nhận sức nóng của đồng đô la. Hàn Quốc, nước tăng lãi suất trước Fed, cho đến nay vẫn giữ lãi nguyên lãi suất ở mức 3,5%, cao nhất trong 15 năm ngay cả khi các doanh nghiệp phải vật lộn với chi phí đi vay cao. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) hôm 24-4 cho biết, GDP của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á tăng trưởng 1,3% trong quí 1, mạnh nhất kể từ quí 4-2021.
Xuất khẩu của Hàn Quốc tăng tháng thứ 6 liên tiếp trong tháng 3, nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với chip. Tuy nhiên, chi tiêu tiêu dùng trong nước suy yếu và lãi suất cao làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi kinh tế không đồng đều. Hồi đầu tháng này, BoK cho biết sẽ không vội vàng giảm lãi suất do lạm phát cao.
Đồng won của Hàn Quốc giảm giá 5% so với đô la trong năm nay. Tuần trước, Thống đốc BoK, Rhee Chang-yong tuyên bố BoK sẵn sàng “triển khai các biện pháp ổn định” để hỗ trợ đồng won.
Wee Khoon Chong, nhà chiến lược thị trường châu Á – Thái Bình Dương của ngân hàng BNY Mellon, nhận định trừ khi lạm phát bùng phát trở lại, các ngân hàng trung ương ở châu Á ưu tiên lựa chọn can thiệp thay vì tăng lãi suất, đặc biệt nếu họ có lượng dự trữ ngoại hối dồi dào.
“Không phải ngân hàng trung ương nào cũng sử dụng công cụ lãi suất để hỗ trợ đồng tiền của họ. Điều đó phụ thuộc vào việc liệu nền kinh tế có thể chịu được lãi suất cao hơn hay không”, Fiona Lim, nhà chiến lược tiền tệ cấp cao của ngân hàng Maybank, nói.
Chánh Tài (Theo Bloomberg, WSJ, Reuters)
TBKTSG
|