Nhận ý kiến từ chối của kiểm toán, TST cũng… từ chối đưa ý kiến
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 01/04 ra quyết định duy trì diện hạn chế giao dịch với cổ phiếu của CTCP Dịch vụ Kỹ Thuật Viễn thông (UPCoM: TST). Nguyên nhân do BCTC kiểm toán 2022 của TST bị tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến.
Theo đó, cổ phiếu TST chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.
Diễn biến giá cổ phiếu TST |
|
Chi tiết hơn về ý kiến từ chối của kiểm toán, theo BCTC kiểm toán 2022, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán TTP cho biết số liệu liên quan đến tài sản, nợ phải trả của chi nhánh TST tại TPHCM dù đã giải thể nhưng vẫn được cộng hợp, thể hiện trên BCTC. Doanh nghiệp chưa rà soát, đối chiếu các số liệu liên quan để xác định và ghi nhận giá trị phù hợp cùng các khoản tổn thất nếu có. Đơn vị kiểm toán không thể thu thập đầy đủ bằng chứng phù hợp để đánh giá sự ảnh hưởng của vấn đề trên đến BCTC hợp nhất 2022 của TST.
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán không tham gia chứng kiến kiểm kê tiền mặt, hàng tồn kho, tài sản cố định tại thời điểm 31/12/2022 (do chưa được bổ nhiệm làm kiểm toán). Các thủ tục thay thế cũng chưa thể giúp đưa ra nhận xét đầy đủ về tính đúng đắn của các khoản mục tiền mặt, tài sản cố định, hàng tồn kho…
TTP cũng cho biết các khoản công nợ phải thu, phải trả được ghi nhận trên báo cáo, dù đã gửi thư đối chiếu tới các khách nợ và chủ nợ nhưng vẫn chưa nhận được biên bản đối chiếu các khoản này. Do vậy, tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến.
Về phía TST, Doanh nghiệp cũng… từ chối đưa ra ý kiến với những vấn đề đơn vị kiểm toán nêu ra.
Cụ thể, theo giải trình của TST, ông Ngô Văn Hiệp - Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh Công ty TST tại TPHCM được miễn nhiệm mọi chức vụ từ ngày 01/02/2013. Ông Hiệp có trách nhiệm bàn giao công việc trước ngày 08/02/2013, nhưng đã không thực hiện bàn giao bất kỳ thông tin nào về số liệu chi nhánh này. TST cho biết việc này đã được giải trình từ các năm trước, và Công ty hiện không thể cung cấp lại thông tin, số liệu cho đơn vị kiểm toán, do đó từ chối đưa ra ý kiến.
Các vấn đề còn lại, TST chỉ dẫn lại ý kiến từ đơn vị kiểm toán mà không nhận xét gì thêm.
Bên cạnh việc bị hạn chế giao dịch, cổ phiếu TST cũng đang nằm trong diện cảnh báo theo quyết định từ ngày 07/07/2023, do chưa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 trong thời gian quy định, thuộc trường hợp cổ phiếu bị cảnh báo.
TST tiền thân là Trung tâm Kasati Hà Nội, là đơn vị trực thuộc doanh nghiệp Nhà nước, Xí nghiệp Khoa học sản xuất thiết bị thông tin được thành lập năm 1990. Năm 2000, Công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh hoạt động là Công ty Cổ phần, hoạt động chính trong các lĩnh vực: Nghiên cứu, sản xuất, lắp ráp các thiết bị bưu chính, viễn thông, điện, điện tử, tin học; Tư vấn kỹ thuật, lập các dự án đầu tư, thiết kế thẩm định các dự án công trình; Xuất nhập khẩu thiết bị, vật tư, phụ tùng, linh kiện...
Ngày 13/12/2007, TST chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Hiện tại, cổ đông lớn nhất của TST là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), với tỷ lệ sở hữu khoảng 33%.
Về kết quả kinh doanh, Doanh nghiệp chưa công bố BCTC năm 2023. Tại báo cáo gần nhất (2022), TST lỗ ròng gần 28 tỷ đồng (năm trước lỗ gần 300 triệu đồng).
Tình hình kinh doanh của TST từ 2019 |
|
Châu An
FILI
|