“Nghịch lý” trong chỉ số Par Index của TP.HCM
Bộ chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2023 (Par Index 2023) vừa được công bố. Ở cấp độ chỉ số tổng hợp, TP.HCM tăng 3 bậc, đạt 86.97%, thuộc nhóm B – nhóm gồm 56 tỉnh, thành phố có kết quả chỉ số Par Index đạt từ 80% đến dưới 90%. Nhưng ở nhiều chỉ số thành phần đã bộc lộ mức giảm sâu, phản ánh một số vấn đề rất đáng quan tâm.
Cụ thể: chỉ số thành phần “Cải cách thủ tục hành chính”, đạt 85.12%, giảm 14.77% so với năm 2022 và giảm đến 58 bậc (?) trên bảng xếp hạng, xuống vị trí thứ 60 trên tổng số 63 tỉnh, thành của cả nước. Trong khi chỉ số “Cải cách tổ chức bộ máy” lại tăng 7 bậc, đạt 88.75%, tăng 14.64% so với năm 2022, là địa phương có tốc độ tăng điểm cao nhất. Điều này cho thấy tính cải cách trong việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã được ghi nhận. Song hiệu quả từ nó, tức sắp xếp, bố trí con người để vận hành công việc thì lại chưa phát huy, thậm chí thụt lùi rất xa, rất sâu, có vẻ… bất thường!
Hơn nữa, nhìn từ kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính toàn thành phố năm 2023, ở cả 2 khối sở ban ngành và UBND các quận huyện và TP Thủ Đức thì chỉ có 2 đơn vị đạt loại tốt; còn lại tất cả đều xếp hạng xuất sắc, vậy tại sao khi sang Par Index lại có mức “biến hình” giảm sâu đến vậy?
Điều cần biết là trong thang điểm đánh giá Par Index 100 điểm, có 22 điểm được khảo sát ý kiến của đại biểu HĐND cấp tỉnh, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, lãnh đạo đơn vị thuộc, trực thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, lãnh đạo UBND cấp huyện.
Trong khi ở chỉ số mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của TP.HCM lại tăng 7 bậc, đạt 81.78%, xếp thứ 36/63. Điều đáng nói là chỉ số này được Par Index tham chiếu và quy đổi từ Bộ chỉ số Sipas 2023 (Mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và mức độ hài lòng của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công trên 39 tiêu chí). Cũng như trong Bộ chỉ số PAPI vừa công bố hôm 2/4 thì TP.HCM là nơi được người dân lựa chọn nhiều nhất muốn chuyển đến sinh sống.
Par Index tham chiếu Sipas, trong đó 10 điểm đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Tỷ lệ hài lòng trong số người dân được chọn khảo sát khá cao trong khi khối cơ quan dân cử, sở ngành và các đơn vị chuyên môn trực thuộc khối quản lý nhà nước như đã nêu trên lại đánh giá thấp!
Đó là chưa nói đến ở thang điểm thẩm định (tức là điểm đã được Bộ Nội vụ thẩm định trên cơ sở điểm tự đánh giá của thành phố theo hướng dẫn của Bộ) thì ở chỉ số tổng hợp, TP.HCM lại vượt Đồng Nai, Bình Dương (trong khi phần tự đánh giá thì thành phố lại xếp dưới 2 địa phương nói trên). Quan trọng là theo thẩm định cuối cùng của Bộ thì điểm về tác động của cải cách hành chính đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2023 đạt 6.12%/6.5%, xếp hạng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Quảng Ninh.
Điểm cải cách hành chính thì “đội sổ” nhưng tác động cải cách hành chính lên nền kinh tế - xã hội thành phố thì… á quân và đạt mức cao về sự hài lòng của người dân thành phố! . Cụ thể hơn: Chỉ số thành phần “Tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương” của TP.HCM năm 2023 tăng 13 bậc trên bảng xếp hạng, từ vị trí 23 lên vị trí 10, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số này.
Một điều nghịch lý nữa là ở chỉ số “Cải cách thể chế”, TP.HCM giảm 3 hạng, đứng cuối bảng dù tăng lên về giá trị so với năm 2022 (đạt 83.41%, tăng 2.26%). Những tưởng các công cụ có tính dẫn dắt (như Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), có tính tháo gỡ và đột phá (như Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM) sẽ sớm tạo đà cho thành phố bức phá nhưng gần 2 năm qua từ ngày các văn bản có hiệu lực, thước đo “cải cách thể chế” vẫn nằm ở mức cực thấp. Là thành phố chưa biết cách tận dụng hay các quy định trên văn bản có thể đã “gỡ” nhưng hướng dẫn thực thi trong thực tế thì vẫn chưa chịu “tháo”, có lẽ là ở vế 2!
Hoặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ra nhiều văn bản, chỉ đạo; lãnh đạo thành phố cũng triển khai nhiều biện pháp để đốc thúc tiến độ giải ngân đầu tư công nhưng rõ ràng, mục tiêu đạt vẫn còn khá xa. Điều này phần nào phản ánh trong chỉ số thành phần “Cải cách tài chính công” năm 2023 của thành phố ghi nhận sự sụt giảm với 10 bậc, từ 21 xuống 31 trong bảng xếp hạng các tỉnh, thành cả nước so với năm 2022.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, các đơn vị bị giảm điểm thường là do có sai phạm trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng được yêu cầu; mức độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập tại địa phương chưa có nhiều chuyển biến…
Quốc Học
FILI
|