Lỗ nặng năm 2023, vốn chủ sở hữu VNECO 8 còn 1 tỷ đồng, cổ phiếu tiếp tục bị cảnh báo
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây quyết định duy trì diện bị cảnh báo đối với cổ phiếu CTCP Xây dựng Điện VNECO 8 (HNX: VE8) do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2023 là số âm cùng ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Quyết định của HNX dựa trên BCTC năm 2023 của VE8 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán - Thẩm định giá và Tư vấn ECOVIS AFA Việt Nam.
Cụ thể, cuối 2023, VE8 có công nợ phải thu khách hàng là Công ty TNHH Ecoplastics Solutions số tiền 18.5 tỷ đồng đã quá hạn thanh toán trên 6 tháng theo điều khoản hợp đồng nhưng Công ty chưa thực hiện đánh giá trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Đơn vị kiểm toán không thể thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp về giá trị có thể thu hồi nên không thể xác định liệu có cần điều chỉnh các số liệu liên quan hay không.
Nguồn: VE8
|
Trong lời giải trình, VE8 cho biết theo hợp đồng mua bán hàng hóa ký kết giữa hai bên, có điều khoản thanh toán trong thời gian 120 ngày. Tuy nhiên, vừa qua, việc sản xuất kinh doanh không đạt kế hoạch, hàng hóa tiêu thụ chậm ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi vốn. Do vậy, hai bên đã bàn bạc và thống nhất gia hạn thời gian thanh toán từ 120 ngày lên 360 ngày. Hiện, Ecoplastics Solutions đang sắp xếp vốn để thanh toán cho VE8 số tiền trên.
Kiểm toán ECOVIS AFA Việt Nam còn nhấn mạnh về khoản lỗ lũy kế đến cuối năm 2023 số tiền 17.4 tỷ đồng nhưng chưa bao gồm nội dung ngoại trừ nêu trên và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 4.2 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty hiện có các khoản phải trả bảo hiểm, khoản nợ gốc và lãi vay đã quá hạn lần lượt 2.8 tỷ đồng, 64.5 tỷ đồng và 3.4 tỷ đồng. Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Nguồn: VE8
|
Về vấn đề này, VE8 nói hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay, sự bất ổn về an ninh xã hội tại một số nơi trên thế giới, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất ngân hàng tăng cao, việc tiếp cận vốn khó khăn,…
Doanh thu ngành nghề chủ đạo ngày một sụt giảm, công tác giải phóng mặt bằng để thi công một số công trình không được thuận lợi. Các công trình bị kéo dài thời gian thi công dẫn đến việc thất thoát vật tư, vật liệu đã tập kết ra công trình, làm chi phí giá vốn tăng cao. Hoạt động sản xuất kinh doanh đạt kết quả thấp, dẫn đến lỗ nặng liên tục trong nhiều kỳ.
Hiện tại, VE8 đang từng bước cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm đối tác để chuyển nhượng một số tài sản, thanh toán các khoản nợ nói trên, bổ sung nguồn vốn lưu động nhằm từng bước ổn định và phát triển.
Trong phần cam kết của chủ sở hữu, VE8 cho biết khả năng hoạt động liên tục của Công ty phụ thuộc hoạt động kinh doanh có lãi, sự hỗ trợ giãn nợ của các chủ nợ và việc tiếp tục tài trợ của các chủ đầu tư trong tương lai. Chủ tịch và Tổng Giám đốc không có lý do nào để tin rằng các chủ đầu tư sẽ không tiếp tục tài trợ để Công ty có thể hoạt động liên tục trong tương lai.
Kết quả kinh doanh 2023 của VE8 tiếp tục ảm đạm khi lỗ ròng gần 12 tỷ đồng, nặng hơn năm 2022 (lỗ 6.7 tỷ đồng). Trong 10 năm qua, Công ty có tới 4 năm lỗ ròng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 17 tỷ đồng, “ăn” gần hết 18 tỷ đồng vốn điều lệ, khiến vốn chủ sở hữu VE8 hiện còn vỏn vẹn 1 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản 105 tỷ đồng.
Đầu năm ngoái, cổ phiếu VE8 bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2022 là số âm. Giải trình khi đó, Công ty cho biết HĐQT và Ban Giám đốc có kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 và các năm tiếp theo với mục tiêu từng bước ổn định, tăng dần doanh thu, giảm chi phí để bù lỗ và có lãi trở lại.
Một số chỉ tiêu tài chính của VE8 từ năm 2020 đến nay |
|
Tử Kính
FILI
|