Thứ Hai, 15/04/2024 13:10

Keppel lãi kỷ lục hơn 3 tỷ USD, cao nhất trong 55 năm, dù trắng tay tại thị trường Việt Nam

Năm 2023, Tập đoàn Keppel đạt lợi nhuận ròng gần 4.1 tỷ SGD (hơn 3 tỷ USD), gấp gần 4.4 lần so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận năm có mức lợi nhuận cao nhất trong 55 năm qua. Tuy nhiên, ông lớn bất động sản đến từ Singapore này lại “trắng tay” tại Việt Nam trong năm vừa qua.

Kỷ lục 55 năm

Năm 2023, Tập đoàn Keppel ghi nhận doanh thu gần 6.97 tỷ SGD (5.17 tỷ USD), tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Mảng cơ sở hạ tầng đóng góp chính cho doanh thu với 4.97 tỷ SGD, chiếm 71%; theo sau là lĩnh vực kết nối, gần 1.37 tỷ SGD và hoạt động bất động sản là gần 771 triệu SGD. Lợi nhuận ròng cao kỷ lục đạt gần 4.1 tỷ SGD (hơn 3 tỷ USD), gấp gần 4.4 lần so với năm 2022.

Doanh thu của Keppel trong năm 2023
Nguồn: Keppel

Dấu ấn trong bức tranh kinh doanh năm vừa qua của Keppel đến từ lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Mảng này đã vượt qua bất động sản để trở thành phân khúc sinh lời nhiều nhất, với lợi nhuận ròng gần 700 triệu SGD, tăng 135% so với năm 2022; trong khi lợi nhuận từ bất động sản gần 315 triệu SGD, giảm 32%. Lĩnh vực kết nối cũng mang về cho Keppel 127 triệu SGD lãi ròng, cao hơn 30% so với năm tài chính 2022.

Đáng chú ý, phần lợi nhuận lớn nhất của Tập đoàn này đến từ việc thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh ngoài khơi và hàng hải (O&M), đóng góp khoảng 3.3 tỷ SGD (khoảng 2.45 tỷ USD).

Nguồn: Tổng hợp BCTC từ Keppel

Ông Loh Chin Hua - Giám đốc điều hành Keppel cho biết, năm 2023, Keppel đã đạt được mức lợi nhuận cao nhất mà Công ty từng ghi nhận trong suốt 55 năm. Kết quả nhờ vào thu nhập hoạt động cao hơn từ cơ sở hạ tầng - mảng dự kiến sẽ là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất những năm tới, trước xu hướng toàn cầu như chuyển đổi năng lượng và thúc đẩy quá trình khử carbon, cũng như nhu cầu kết nối kỹ thuật số ngày càng tăng.

Mặc dù thu nhập từ bất động sản thấp hơn năm 2022, phân khúc này vẫn tiếp tục đóng góp đáng kể vào lợi nhuận, bất chấp điều kiện đầy thách thức ở các thị trường như Trung Quốc, ông Loh Chin Hua chia sẻ.

Ông Loh Chin Hua - Giám đốc điều hành Keppel

Vào đầu năm 2024, Keppel cũng đã đổi tên từ Keppel Corporation Limited thành Keppel Ltd., nhằm thực hiện quá trình chuyển đổi tầm nhìn 2030, từ bỏ cấu trúc tập đoàn để trở thành nhà quản lý và điều hành tài sản trên toàn cầu, với các phân khúc bổ trợ là cơ sở hạ tầng, bất động sản và kết nối.

Tổng tài sản của Keppel tính đến cuối năm 2023 là 26.8 tỷ SGD (gần 20 tỷ USD), giảm 14% so với đầu năm. Trong đó, khoản đầu tư trong công ty liên doanh, liên kết hơn 6.6 tỷ SGD, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản với 25%. Keppel cũng nắm gần 1.3 tỷ SGD tiền và tương đương tiền, giảm 12% so với đầu kỳ.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả thu hẹp 18%, còn 15.8 tỷ SGD (11.7 tỷ USD). Chủ yếu là nợ vay ngắn hạn hơn 2.4 tỷ SGD và vay dài hạn hơn 8.5 tỷ SGD, chiếm tỷ trọng lần lượt 15% và 54% tổng nợ.

Nguồn: Tổng hợp BCTC từ Keppel

“Trắng tay” doanh thu bán nhà tại Việt Nam

Năm 2023, doanh số bán nhà của Keppel đạt 1.4 tỷ SGD, tăng gần 8% so với năm trước. Trong đó, lượng căn nhà bán lên 3,100 căn, tăng gần 42% so với cùng kỳ 2022, với phần lớn tại thị trường Trung Quốc bán được 1,730 căn và Ấn Độ 1,180 căn.

Đáng nói, tại Việt Nam, Tập đoàn Keppel không ghi nhận doanh số bán nhà trong năm 2023, trong khi năm 2022 Tập đoàn này bán được 70 căn. Ngoài Việt Nam, con số của 2 thị trường Đông Nam Á khác là Singapore và Indonesia lần lượt là 60 và 130 căn.

Nguồn: Keppel

Về khu đất dân cư, Trung Quốc là thị trường lớn nhất với 16,443 căn, chiếm 43% tổng số căn; tiếp theo là Việt Nam với 9,238 căn, tương đương 24%; Indonesia 7,109 căn, chiếm 18%; Ấn Độ 5,244 căn và Singapore với 187 căn, lần lượt chiếm 14% và 1%.

Tương tự, xét về danh mục thương mại, với tổng diện tích sàn xây dựng (GFA) là 401,210 m2, Việt Nam vẫn là thị trường lớn thứ hai của Keppel, chiếm 27% trong tổng diện tích sàn gần 1.49 triệu m2 của tập đoàn này. Trung Quốc lớn nhất với 536,340 m2, chiếm 36%.

Nguồn: Keppel

Nhấn mạnh về các hoạt động bất động sản lớn trong năm 2023, Keppel lưu ý rằng đã mua lại 2 dự án nhà ở tại TPHCM thông qua thương vụ giữa Keppel Việt Nam và Tập đoàn Khang Điền (KDH), đồng thời công bố mua lại cổ phần của 1 khu bất động sản bán lẻ tại Hà Nội.

Ngoài ra, quỹ đất dân cư của Keppel tại Việt Nam hiện có 7 dự án, đều tại TPHCM. Các dự án này có tổng cộng 15,089 căn; trong đó, 6,527 căn đã ra mắt, 5,851 căn đã bán và 9,238 căn sẵn sàng để bán.

Nguồn: Keppel

Keppel cho biết, Việt Nam sẽ vẫn là một trong những thị trường trọng điểm của Keppel ở châu Á, cùng với Ấn Độ và Trung Quốc.

Mục tiêu FUM 200 tỷ SGD năm 2030

Năm 2024, Keppel cho biết sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và tăng trưởng tầm nhìn 2030 với tư cách là nhà quản lý và điều hành tài sản toàn cầu.

Theo đó, Keppel hướng tới mục tiêu Quỹ được quản lý (Funds Under Management - FUM) là 100 tỷ SGD vào năm 2026 và 200 tỷ SGD năm 2030.

“Khi Keppel mở rộng quy mô để đạt được mục tiêu FUM là 100 tỷ SGD năm 2026 và 200 tỷ SGD vào năm 2030, các khoản đầu tư sẽ được thực hiện chủ yếu thông qua các quỹ tư nhân của Keppel cũng như các quỹ tín thác cơ sở hạ tầng và bất động sản được niêm yết. Ngoài ra, các chiến lược của Keppel nhằm tăng thu nhập định kỳ và thúc đẩy kiếm tiền từ tài sản” - ông Loh Chin Hua chia sẻ trong báo cáo thường niên 2023.

Vị CEO Keppel cho biết, trong tương lai, Keppel sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình kiếm tiền từ quỹ đất còn lại và từ trái phiếu. Điều này sẽ giải phóng thêm 6.3 tỷ SGD khỏi bảng cân đối kế toán và cho phép Keppel đạt được mục tiêu kiếm tiền tích lũy từ 10 - 12 tỷ SGD vào cuối năm 2026 và mục tiêu ROE trung và dài hạn là 15%.

Nói về cơ hội trong lĩnh vực quản lý tài sản, ông Loh Chin Hua chia sẻ: Keppel với bản chất của một nhà quản lý tài sản sẽ đưa ra một đề xuất rất hấp dẫn đối với các Thành viên góp vốn (Limited Partners - LP).

Tuy nhiên, LP sẽ vẫn có tính chọn lọc cao trong các chiến lược đầu tư và loại tài sản, ưu tiên các lĩnh vực như chuyển đổi năng lượng, hành động về khí hậu và số hóa.

“Trong vài năm tới, cơ sở hạ tầng dự kiến ​​sẽ là một trong những loại tài sản phát triển nhanh nhất, được củng cố bởi sự thúc đẩy toàn cầu về các giải pháp năng lượng sạch hơn, khử carbon và kết nối kỹ thuật số. Do đó, sẽ cần một lượng vốn đáng kể để thay thế cơ sở hạ tầng cũ kỹ và cung cấp các giải pháp tiên tiến hơn cho sự phát triển bền vững” - ông Loh Chin Hua cho biết.

* Tập đoàn Keppel lớn cỡ nào?

*Dự án "đất kim cương" Saigon Centre giai đoạn ba rục rịch trở lại sau 3 thập niên?

Thanh Tú

FILI


Các tin tức khác

>   HKB: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (12/04/2024)

>   HKB: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (công ty mẹ) (12/04/2024)

>   TVB: Nghị quyết HĐQT về việc tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 (12/04/2024)

>   TN1: Báo cáo thường niên năm 2023 (12/04/2024)

>   VXT: Báo cáo thường niên 2023 (12/04/2024)

>   SNC: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (12/04/2024)

>   SPV: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (12/04/2024)

>   PBC: Báo cáo thường niên 2023 (12/04/2024)

>   PPP: Báo cáo thường niên 2023 (12/04/2024)

>   HEV: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (12/04/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật