Gỡ vướng cho điện gió ngoài khơi Cần Giờ
Phát triển điện gió ngoài khơi là cần thiết để TP HCM sớm trở thành "thành phố Net Zero" đầu tiên của cả nước
Ngày 4-4, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM đã tổ chức hội thảo khoa học Thúc đẩy tăng trưởng xanh để phát triển bền vững với chủ đề "Phát triển điện gió ngoài khơi Cần Giờ". Tại hội thảo, các chuyên gia đã mang đến nhiều thông tin tích cực trong lĩnh vực năng lượng sạch ở Việt Nam.
Hướng đi đúng
Theo thông tin tại hội thảo, năm 2023, Sở Công Thương TP HCM đã đề xuất UBND thành phố bổ sung dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ vào danh mục các dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng trong dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Nếu được phê duyệt, dự án này sẽ được triển khai từ năm 2025 đến 2040, chia làm 4 giai đoạn đầu tư. Tuy nhiên, thực tế dự án hiện chưa được đưa vào Quy hoạch điện VIII.
Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là dự án điện năng tái tạo đầy tiềm năng, hứa hẹn góp phần giải quyết bài toán thiếu hụt năng lượng cho TP HCM và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam.
Biển Cần Giờ, TP HCM có nhiều yếu tố để phát triển điện gió ngoài khơi. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
|
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, nhận xét: "Việt Nam có nhiều lợi thế về điện gió ngoài khơi. Xu thế thế giới đang dần chuyển từ điện năng lượng hóa thạch sang điện gió. Chúng ta đi sau, nếu điện gió ngoài khơi Cần Giờ được lắp đặt sẽ thừa hưởng công nghệ các nước".
Theo chuyên gia này, giá thành sản xuất điện gió đã giảm mạnh, từ khoảng 25 cent/KWh hơn 10 năm trước còn khoảng 10 cent/KWh hiện nay, tương lai gần có thể giảm còn 6 cent/KWh. "Cần Giờ rất gần các trung tâm tiêu thụ, đây là lợi thế lớn. Rất mong các sở, ngành trình UBND TP HCM để xin cơ chế đặc thù cho thành phố triển khai dự án" - ông Thịnh nêu ý kiến.
Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ làm điện gió hiệu quả nếu tuân thủ các quy tắc cơ bản. "Việt Nam đã có thể nội địa hóa 50% - 70% turbin gió. Quan trọng là phải có sự hỗ trợ của nhà nước để phát triển điện gió thành công, từ đó xây dựng nền công nghiệp xanh cho đất nước" - một chuyên gia điện gió có 30 năm kinh nghiệm bày tỏ.
Vẫn còn nhiều vướng mắc
TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP HCM, chỉ ra rằng Việt Nam có lợi thế phát triển điện gió nhưng việc phát triển điện gió còn quá chậm. Theo TS Quốc, cần có chính sách hỗ trợ lãi suất, thủ tục… để giúp các doanh nghiệp (DN) thúc đẩy dự án nhanh chóng.
TS David Ngô, chuyên gia về năng lượng tái tạo, cho rằng hiện nay là thời điểm rất quan trọng để phát triển điện gió ngoài khơi bởi rất nhiều sáng chế, công nghệ trong lĩnh vực này đang dần hết hạn. Nếu biết đàm phán, Việt Nam có thể mua được các sáng chế, công nghệ này với giá gần 0 đồng.
Khẳng định xu thế phát triển điện gió ngoài khơi là cần thiết để TP HCM sớm trở thành "thành phố Net Zero" đầu tiên của cả nước, ông Đặng Quốc Toản - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng Dầu khí Châu Á (AsiaPetro), đại diện đơn vị nghiên cứu dự án điện gió Cần Giờ, một trong những DN liên doanh đầu tư dự án - đã nêu hàng loạt yếu tố thuận lợi của dự án này.
Trong đó, dự án rất thuận lợi để truyền tải điện về TP HCM. Thềm lục địa không sâu nên sẽ giảm đáng kể tỉ suất đầu tư, giúp giảm chi phí giá điện. Đây là nguồn điện xanh mà nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở TP HCM và khu vực phía Nam cần để sử dụng trong sản xuất, xuất khẩu sang châu Âu và thế giới theo yêu cầu về chứng chỉ xanh.
Theo ông Toản, ngày 1-4, Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Đây là tin vui cho các DN, nhất là DN năng lượng tái tạo. Bởi lẽ, đây là cơ sở, tiền đề về pháp lý để DN triển khai các dự án năng lượng; để các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tất cả thành phần kinh tế, tổ chức tài chính, ngân hàng cùng nhau hỗ trợ các DN phát triển dự án.
"Đối với dự án điện gió ngoài khơi, thời gian xây dựng rất lâu. Vì vậy, từ nay đến năm 2030 không chắc các DN đã kịp làm được 6 GW điện gió ngoài khơi, trong đó miền Nam là 3 GW, để kịp đưa vào quy hoạch đã được phê duyệt đến năm 2030" - ông Toản nhận định.
Cụ thể, thời gian xây dựng dự án điện gió ngoài khơi phải 6 - 8 năm, trong đó riêng khâu khảo sát mất đến 3 năm. Do vậy, cần thiết có nghị quyết riêng của Quốc hội cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi, đồng thời sớm phê duyệt quy hoạch không gian biển để thúc đẩy các dự án điện gió, đưa nguồn năng lượng xanh này phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước theo như Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và những cam kết của Chính phủ tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP 26).
"Rất mong các chính sách ngày càng cởi mở, tháo gỡ nhanh chóng để các DN thực hiện được những quyết sách mà Đảng và Nhà nước đã nêu. Chúng tôi cũng rất mong TP HCM được có thêm những quyền để cấp phép cho việc khảo sát, nghiên cứu khảo sát, giúp các DN tiết kiệm thời gian nhằm phát triển dự án càng sớm càng tốt. Riêng với dự án điện gió Cần Giờ, nếu năm nay được khảo sát thì 3 năm sau mới có số liệu để làm báo cáo nghiên cứu khả thi, triển khai công việc. Nếu may mắn thì nhanh lắm cũng phải đến năm 2030 mới hoàn thành được thủ tục để triển khai dự án" - ông Toản phân tích.
Nhà đầu tư đợi chính sách
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện một DN đầu tư năng lượng tái tạo nhìn nhận với kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, về mặt chính sách đã chấm dứt thời kỳ không có quy hoạch và không thể triển khai các dự án điện mới từ năm 2021. Tuy nhiên, nhiều vấn đề về hoàn thiện cơ chế, chính sách vẫn chưa hoàn chỉnh. Nếu chưa có khung giá các loại hình điện, cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà, sửa đổi Luật Điện lực thì các hình thức đầu tư năng lượng đặc biệt, như năng lượng tái tạo và LNG, vẫn phải tiếp tục đợi các chính sách.
|
Thanh Nhân
Người lao động
|