Giá USD “nóng rực”
Tuần qua (15-19/04/2024), sức nóng của đồng USD trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng do nhu cầu nắm giữ tài sản an toàn được đẩy mạnh khi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông leo thang cũng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi thông điệp trì hoãn cắt giảm lãi suất.
Trên thị trường quốc tế, chỉ số USD-Index tăng 0.11 điểm so với tuần trước, lên 106.12 điểm và là mức cao nhất trong hơn 5 tháng qua (kể từ đầu tháng 11/2023).
Giá USD tăng nóng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết nền kinh tế Mỹ vẫn chưa cho thấy dấu hiệu lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Ông chỉ ra có thể mất “nhiều thời gian hơn dự kiến” mới đến lúc phù hợp để cắt giảm lãi suất.
Động thái “cứng rắn” về lãi suất của Chủ tịch Fed cộng thêm nhu cầu tìm kiếm nơi “trú ẩn an toàn” trước căng thẳng địa chính trị leo thang sau khi Iran tấn công Israel càng khiến USD gia tăng sức mạnh, gây sức ép lên tỷ giá USD/VND.
Trong nước tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam và USD tăng đến 178 đồng/USD so với tuần trước (phiên 12/04), lên mức 24,260 đồng/USD trong phiên 19/04.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ giá mua giao ngay không đổi ở mức 23,400 đồng/USD. Trong khi đó nhà điều hành tăng giá bán giao ngay thêm 214 đồng/USD so với ngày 12/04, lên mức 25,450 đồng/USD.
Đáng chú ý, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank tăng mạnh 323 đồng/USD ở chiều mua và 293 đồng/USD ở chiều bán chỉ sau 1 tuần, liên tục xô đổ các kỷ lục, thiết lập đỉnh mới ở 25,133 đồng/USD (mua vào) và 25,473 đồng/USD (bán ra).
Cùng xu hướng, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng thêm 300 đồng/USD ở chiều mua và 320 đồng/USD ở chiều bán so với tuần trước, lên mức 25,700 đồng/USD (mua vào) và 25,800 đồng/USD (bán ra).
Trước đà tăng nóng của tỷ giá USD/VND, Ngân hàng Nhà nước thông báo bắt đầu bán USD cho các nhà băng có trạng thái ngoại tệ âm với giá 25,450 đồng, thấp hơn mức trần 23 đồng để can thiệp tỷ giá.
Khang Di
FILI
|