Giá heo phục hồi, BAF lãi gấp 38 lần cùng kỳ
Quý 1/2024, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) đạt kết quả ấn tượng với khoản lãi ròng cao thứ 2 lịch sử từ khi lên sàn vào năm 2021.
Các chỉ tiêu kinh doanh của BAF trong quý 1/2024
|
Cụ thể, BAF đạt gần 1.3 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 1, tăng 58% so với cùng kỳ. Khấu trừ cho giá vốn, Doanh nghiệp lãi gộp 172 tỷ đồng, gấp 2.7 lần cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 5% lên 13%, trong đó biên lãi gộp của mảng chăn nuôi là 29%.
Chi phí tài chính trong kỳ tăng mạnh, ghi nhận 47 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ, hầu hết là chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ do đưa vào vận hành 3 trang trại: cụm trại Hải Đăng, trại Tân Châu và trại Tâm Hưng. Tuy nhiên, chỉ tiêu đáng chú ý là khoản lợi nhuận khác 57 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ 7 tỷ đồng). Khoản lợi nhuận này đã nâng kết quả sau cùng, giúp Doanh nghiệp đạt lãi ròng 120 tỷ đồng, gấp gần 38 lần cùng kỳ, cũng là khoản lợi nhuận cao thứ 2 lịch sử kể từ khi lên sàn vào năm 2021.
So với kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua, BAF thực hiện được 23% mục tiêu doanh thu và gần 38% mục tiêu lãi sau thuế năm.
BAF cho biết giá heo quý 1 phục hồi mạnh từ đợt dò đáy quý 4/2023, hiện trên mức 60,000 đồng/kg. Sản lượng heo quý 1 cũng tăng trưởng mạnh, lên tới 100,000 con, riêng tháng 3 đạt kỷ lục với 54,000 con. Mặt khác, giá nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi giảm 10-20% so với trước, đóng góp lớn vào kết quả chăn nuôi.
Khoản lợi nhuận khác tăng mạnh nhờ bán lô đất do BAF sở hữu ở Mai Chí Thọ. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá cho biết khu đất này ban đầu được dự định xây tòa nhà văn phòng cho BAF, kết hợp sử dụng và cho thuê. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc bài toán tài chính và thuê được văn phòng ở địa điểm phù hợp hơn vào năm 2023, BAF xác định việc xây dựng là không cần thiết. Cộng thêm việc đang cần thêm vốn để tiếp tục đầu tư, Doanh nghiệp quyết định bán lô đất trên, mang lại lợi nhuận khoảng 80 tỷ đồng.
Tại cuối quý 1, tổng tài sản của BAF đạt gần 6.8 ngàn tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn tăng 5%, lên gần 3.3 ngàn tỷ đồng. Lượng tiền mặt và tiền gửi giảm 7%, còn khoảng 392 tỷ đồng.
Tồn kho cuối kỳ tăng 18% lên gần 1.9 ngàn tỷ đồng, bao gồm heo các loại dự kiến tung ra thị trường. Tài sản dài hạn dở dang đạt 932 tỷ đồng, tăng 3%, bao gồm các trang trại dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn tới.
Bên kia bảng cân đối, nợ vay hơn 2 ngàn tỷ đồng (hơn 853 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn), bao gồm nợ vay ngân hàng và khoản trái phiếu chuyển đổi phát hành cho Tổ chức tài chính thế giới (IFC) - lãi suất 5.25%/năm cho kỳ hạn 7 năm.
Các chỉ số tài chính của BAF tương đối ổn định, tỷ số thanh toán hiện hành đạt 1.1 lần.
Quý 2 còn tốt hơn?
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Trương Sỹ Bá cho biết bản chất ngành nuôi heo, nguyên liệu chiếm 70% giá thành. Tuy nhiên, việc ghi nhận giá nguyên liệu có độ trễ, khoảng 6-8 tháng. Giá heo quý 1 vẫn ghi nhận giá nguyên liệu từ quý 3 năm trước - thời điểm còn ở mức cao do ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị. Nói cách khác, giá nguyên liệu “rẻ” gần đây sẽ được ghi nhận từ quý 2. Trong bối cảnh giá heo hiện lên tới 63,000 đồng/kg, Chủ tịch BAF tin rằng quý 2 sẽ có kết quả tốt hơn quý 1.
Bên cạnh đó, Doanh nghiệp cho biết hướng đến mục tiêu tổng đàn 75 ngàn heo nái, 800 ngàn heo thương phẩm vào cuối năm 2024, gấp đôi với năm trước. Ngoài ra, đưa vào hoạt động 7 trang trại mới ở Tây Ninh (Tân Châu, Tâm Hưng, Hải Đăng, Tây An Khánh), Phú Yên (Phú Yên 2), Bình Phước (Thiên Phú Sơn), và Gia Lai (Hùng Phát Farm 1).
Châu An
FILI
|