Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp còn khoảng 1 triệu tỷ đồng, tương đương 9.8% GDP
Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp hiện tại khoảng 1 triệu tỷ đồng, tương đương 9.8% GDP năm 2023, chiếm 7.4% dư nợ của nền kinh tế.
Ngày 17/04/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức “Hội nghị triển khai hoạt động thị trường trái phiếu năm 2024” để đánh giá kết quả hoạt động năm 2023 và thống nhất kế hoạch hoạt động năm 2024 đối với thị trường trái phiếu.
Huy động 323 ngàn tỷ qua kênh trái phiếu Chính phủ
Đối với trái phiếu Chính phủ (TPCP), năm 2023, hoạt động huy động vốn thông qua đấu thầu tại HNX đạt gần 323 ngàn tỷ đồng (tăng 39% so với năm 2022). Tỷ trọng phát hành tập trung vào kỳ hạn 10 năm, 15 năm – chiếm 82.7% tổng khối lượng phát hành. Lãi suất trúng thầu của KBNN năm 2023 có xu hướng giảm, đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu nợ công, an ninh tài chính quốc gia.
Trên thị trường thứ cấp, quy mô niêm yết TPCP cuối năm 2023 đạt gần 2 ngàn tỷ đồng, tăng 16.5% so với năm trước, tương đương 19.22% GDP năm 2023. Trong 5 năm qua, giá trị niêm yết TPCP tiếp tục xu hướng tăng, số mã niêm yết giảm, quy mô niêm yết bình quân một mã trái phiếu có xu hướng tăng, đạt hơn 5.1 ngàn tỷ đồng tại thời điểm 31/03/2024, gấp đôi so với năm 2019. Giá trị giao dịch TPCP trong năm đạt hơn 1.6 ngàn tỷ đồng, bình quân 6.5 ngàn tỷ đồng/phiên, giảm 15.37% so với năm 2022.
Giao dịch tự doanh của các ngân hàng thương mại, chủ thể giao dịch chính tham gia giao dịch outright, duy trì tỷ trọng ở mức cao, khoảng 80% tổng giá trị giao dịch. Giao dịch của môi giới và tự doanh của công ty chứng khoán chiếm khoảng 10% đối với mỗi loại hình.
Bình quân giao dịch 4,000 tỷ đồng TPDN mỗi phiên, dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng
Trong khi đó, hoạt động giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đã được quản lý tập trung qua hệ thống giao dịch vận hành tại HNX từ ngày 19/07/2023. Số lượng TPDN đưa vào đăng ký giao dịch (ĐKGD) đạt 91.6% số mã trái phiếu và 88.9% giá trị trái phiếu phải đăng ký theo quy định.
Giá trị giao dịch qua hệ thống đạt bình quân trên 4,000 tỷ đồng/phiên. Hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ 2023 cũng đã có sự hồi phục, khối lượng phát hành đạt 297 ngàn tỷ đồng. Dư nợ TPDN hiện tại khoảng 1 triệu tỷ đồng, tương đương 9.8% GDP năm 2023, chiếm 7.4% dư nợ của nền kinh tế.
Trong năm 2023, khung pháp lý trên thị trường trái phiếu tiếp tục được hoàn thiện. Cụ thể:
Ngày 29/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, trong đó bổ sung phương thức phát hành TPCP thông qua các đại lý và hoàn thiện quy định về phát hành TPCP bằng ngoại tệ, quy định về việc xác định kết quả đấu thầu TPCP theo phương thức đơn giá thay vì đa giá như trước đây, bổ sung và làm rõ quy trình lựa chọn tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính.
Nghị định 08/2023/NĐ-CP về việc Sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế, giúp Doanh nghiệp có thêm thời gian tái cơ cấu nợ.
Thông tư 30/2023/TT-BTC về hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch TPDN chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước đã tạo khung khổ pháp lý thiết lập thị trường TPDN riêng lẻ dành cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, góp phần tăng tính minh bạch của thị trường từ khâu chào bán đến giao dịch.
Năm 2024, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được đánh giá là tương đối thách thức. Nhu cầu huy động vốn ngân sách nhà nước là 655 ngàn tỷ đồng, trong đó huy động qua kênh TPCP là 400 nghìn tỷ đồng. Đối với TPDN, khối lượng huy động phụ thuộc vào nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp và nhu cầu đầu tư của thị trường.
Tại hội nghị, cơ quan quản lý tiếp tục quyết tâm quản lý, vận hành và phát triển thị trường trái phiếu theo hướng bền vững, an toàn, lành mạnh. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định và phát triển thị trường TPDN, tập trung vào việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng, phát triển cơ sở nhà đầu tư theo hướng bền vững hơn; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát, chấn chỉnh các vi phạm của các tổ chức trên thị trường.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu xanh được quan tâm triển khai, phát hành TPCP xanh và nghiên cứu các chính sách khuyến khích TPDN xanh như chính sách phí, thuế, các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá thông tin cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh.
Hải Âu
FILI
|