Doanh nghiệp giảm được gần 15% tiền điện từ việc điều chỉnh phụ tải
Một số doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện đã tiết giảm được 25-30% tổng công suất tiêu thụ điện từ đó tiết kiệm được gần 15% tiền điện.
Chiều 24-4, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phối hợp Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) tổ chức hội thảo Điều chỉnh phụ tải: thực trạng và giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung cấp điện.
Hội thảo cung cấp nhiều thông tin hữu ích liên quan đến điều chỉnh phụ tải và cơ chế khuyến khích doanh nghiệp phối hợp điều chỉnh phụ tải điện cho khoảng 80 doanh nghiệp lớn tại TP HCM.
Nhiều câu hỏi của doanh nghiệp xung quanh việc tham gia điều chỉnh phụ tải điện cũng được đại diện Cục điều tiết điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) trực tiếp giải đáp tại hội thảo.
Trao đồi bên lề hội thảo, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, cho biết trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, các đợt nắng nóng kéo dài trong các tháng cao điểm mùa nắng nóng làm tăng nhu cầu sử dụng điện, tiềm ẩn nguy cơ quá tải của lưới điện.
Ông Võ Quang Lâm (đứng) giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp về giải pháp điều chỉnh phụ tải điện
|
Việc điều chỉnh phụ tải điện (Demand Response - DR) nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần bảo đảm công tác cung ứng điện liên tục, ổn định, an toàn, đồng thời hạn chế các sự cố trên hệ thống điện, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Khi doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện sẽ giảm chi phí sử dụng điện do giảm nhu cầu sử dụng điện vào giờ cao điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm chi phí tiền điện, giảm giá thành sản xuất sản phẩm và dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Theo thống kê sơ bộ của ngành điện, một số doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện, đã tiết giảm được 25-30% tổng công suất tiêu thụ điện từ đó tiết kiệm được gần 15% tiền điện.
3 tháng đầu năm, sản lượng điện thương phẩm của cả nước đã tăng 11,42% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, điện cho khối công nghiệp tăng hơn 10%, khối thương mại dịch vụ tăng hơn 18%, nhóm điện sinh hoạt cũng tăng hơn 18%.
"Nhìn lại việc sử dụng điện cho khối sản xuất, so sánh giữa tăng trưởng tiêu thụ điện với tăng trưởng GDP, cho thấy việc sử dụng điện chưa được tiết kiệm và hiệu quả. Hiện nay để làm ra một đơn vị GDP cần tới 370 USD, trong khi các nước tiên tiến chỉ cần 90-170 USD. Như vậy chúng ta đang sử dụng kém hiệu quả so với các nước" – ông Lâm nói.
Trong 30 triệu khách hàng sử dụng điện trên cả nước hiện nay, có khoảng 4 triệu là các hộ sản xuất và thương mại dịch vụ. Trong đó, nhóm khách hàng công nghiệp đang sử dụng 54% điện thương phẩm cả nước. Nhóm khách hàng sản xuất có khoảng hơn 1 triệu khách hàng, trong đó có 17.000 khách hàng sử dụng trên 1 triệu kWh/năm (5.000 doanh nghiệp trong đó là khách hành sử dụng năng lượng trọng điểm, sử dụng khoảng 34% sản lượng điện thương phẩm của cả nước).
"Trong bối cảnh hiện tại, rất cần các doanh nghiệp sử dụng trên 1 triệu kWh điện, đặc biệt là doanh nghiệp trong nhóm sử dụng năng lượng trọng điểm phối hợp điều chỉnh giờ sản xuất để có thể làm phẳng hơn biểu đồ phụ tải" - ông Lâm kêu gọi.
Tại TP HCM, hiện nay có hơn 1.700 khách hàng là doanh nghiệp sản xuất, thương mại dịch vụ sử dụng điện trên 1 triệu kWh/năm trở lên. Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết ngành điện thành phố đã vận động nhóm doanh nghiệp này ký cam kết tham gia chương trình dịch chuyển phụ tải.
"1.357 khách hàng là doanh nghiệp sản xuất còn ký cam kết tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải: trong trường hợp nguồn cung điện gặp khó khăn, các khách hàng này cùng tham gia giảm công suất không cần thiết sử dụng để bảo đảm an toàn cho hệ thống, không mất điện trên diện rộng" - ông Kiên thông tin thêm.
|
T. Nhân
Người lao động
|