Bài cập nhật
ĐHĐCĐ VJC: Chi phí mở thị trường của VJC ở mức thấp nhất thế giới
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) diễn ra vào chiều ngày 26/04, nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh tăng trưởng với lãi trước thuế 1,081 tỷ đồng, tăng 78% so với thực hiện 2023. Bên cạnh đó, các nội dung về cổ tức 2024 và chào bán cổ phần mới cũng được trình thông qua.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của VJC tổ chức chiều 26/04 theo hình thức trực tuyến
|
Kế hoạch lãi trước thuế quay lại ngưỡng ngàn tỷ
VJC dự báo khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhiều khả năng sẽ phục hồi trong năm 2024 với tổng lượng khách khoảng 3.4 tỷ hành khách, tương đương 99.5% năm 2019 – thời điểm trước đại dịch COVID-19. Tại các khu vực châu Âu và Bắc Mỹ dự báo cơ bản hồi phục như giai đoạn trước đại dịch, dự kiến lượng hành khách tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm hơn. Tổng lượng hành khách toàn cầu dự báo 9.4 tỷ lượt, tăng 2.5% so với 2019.
Nhìn lại thị trường Việt Nam năm 2023, tổng lượng khách nội địa và quốc tế xấp xỉ 72 triệu lượt, kém 9% so với 2019 (78.8 triệu). Tuy nhiên, thị trường nội địa đạt 40.1 triệu lượt và vượt 7% so với 2019. Thị trường quốc tế có 31.7 triệu lượt khách và vẫn kém 23% so với 2019, chủ yếu đến từ sự phục hồi chậm hơn dự báo của thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc.
Nhìn về năm 2024, HĐQT VJC dự trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch hoạt động với 95 đội tàu, nhiều hơn 8 tàu so với năm 2023; khai thác 141,998 chuyến bay, tăng 6.8%; vận chuyển 27.4 triệu khách, tăng 8.3%; hệ số sử dụng ghế bình quân giữ nguyên mức 87%.
Doanh thu vận tải hàng không kỳ vọng 59,066 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện 2023; doanh thu thuần 65,566 tỷ đồng, tăng 12.4%; lãi trước thuế quay lại mức ngàn tỷ với 1,081 tỷ đồng, tăng 78%.
Các mục tiêu kinh doanh 2024 được Tổng Giám đốc Đinh Việt Phương trình bày tại đại hội
|
Tỷ lệ cổ tức 2024 tối đa 25%, chào bán cổ phiếu mới không quá 20% lượng lưu hành
Phương án chia cổ tức được trình ĐHĐCĐ thông qua với tỷ lệ tối đa 25% bằng cổ phiếu và/hoặc tiền mặt. VJC đưa ra phương án chi tiết cho trường hợp thực hiện bằng cổ phiếu với lượng phát hành tương ứng gần 162.5 triệu cp, nguồn từ lãi hợp nhất chưa phân phối lũy kế đến năm 2024.
Bên cạnh đó, kế hoạch chào bán cổ phiếu mới cũng được trình ĐHĐCĐ thông qua theo hình thức cổ phần phổ thông và/hoặc cổ phần ưu đãi cổ tức, tổng số không quá 20% số lượng cổ phần đang lưu hành tại thời điểm chào bán, dự kiến hơn 108.3 triệu cp.
Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 đến trước ĐHĐCĐ thường niên 2025, sau khi được Ủy ban Chứng khoán chấp nhận. Vốn huy động được sẽ sử dụng 50% để bổ sung nguồn thanh khoản, vốn lưu động và 50% dùng để thanh toán gốc, lãi các khoản nợ đến hạn.
Trong trường hợp có thực hiện phương án chào bán cổ phần ưu đãi cổ tức, đối tượng sẽ không quá 5 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, toàn bộ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày hoàn thành chào bán và được nhận cổ tức cố định từ 6-8%/năm trên giá trị phát hành, thời gian hưởng không quá 5 năm.
Còn với phương án chào bán cổ phần phổ thông, đối tượng hướng đến là nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm trong ngành và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Toàn bộ cổ phần sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Nếu thực hiện thành công cả phương án phát hành cổ phiếu mới và cổ phiếu trả cổ tức, ước tính lượng cổ phiếu của VJC sẽ tăng lên hơn 812.4 triệu cp, tương ứng vốn điều lệ hơn 8,124 tỷ đồng.
Kế hoạch phát hành cổ phiếu của VJC
Nguồn: VJC
|
Về phương án phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 với thời gian thực hiện trong giai đoạn 2023-2025, VJC cho biết thời gian qua chưa thực hiện do có một số lý do khách quan và trình ĐHĐCĐ thường niên 2024 gia hạn sang giai đoạn 2024-2026, phát hành thành nhiều đợt.
Theo phương án, VJC dự kiến phát hành 10 triệu cp ESOP với giá 10,000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị 100 tỷ đồng và sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm kể từ ngày hoàn thành từng đợt phát hành.
Thảo luận:
Chi phí mở thị trường của VJC ở mức thấp nhất thế giới
Trong năm 2023, VJC đã vượt kế hoạch doanh thu ở cả công ty mẹ và hợp nhất, nhưng lãi sau thuế lại chưa đạt, VJC có thể chia sẻ những lý do ngoài dự kiến dẫn đến điều này?
TGĐ Đinh Việt Phương: Đây cũng là điều ban điều hành VJC rất cân nhắc khi báo cáo lên HĐQT để thông qua kế hoạch 2024.
Năm 2024 là năm khó khăn về tàu bay, không chỉ VJC mà là khó khăn chung của hàng không Việt Nam, VJC có các tàu bay phải triệu hồi, các hãng hàng không khác cũng vướng phải vấn đề này. Do đó có những sụt giảm về năng lực.
Tuy khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo về tốc độ phát triển, tăng tàu, tăng tải. Bên cạnh đó, áp dụng trí tuế nhân tạo, chuyển đổi số để tối ưu hóa, đưa vào rất nhiều các giải pháp khác, để làm sao để giảm chi phí khai thác nhưng phải tạo cơ hội để các đội tàu bay được nhiều giờ hơn, qua đó có cơ hội vận chuyển nhiều hành khách, mang lại doanh thu bổ sung.
Chúng tôi hết sức tin tưởng với những quyết tâm và nỗ lực này thì VJC có thể thực hiện kế hoạch đề ra.
Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: Ngành hàng không để có hiệu quả hoạt động là vô cùng khó khăn. Liên quan đến kế hoạch đề ra cho năm 2023, ngành hàng không có nhiều yếu tố mà đôi khi dự báo không vượt qua được những diễn biến khách quan, điển hình là dự báo thị trường Trung Quốc hồi phục nhanh nhưng thực tế lại trái ngược. VJC đã mở thị trường mới ở Ấn Độ, chính những chi phí đầu tư này đã làm tăng chi phí của VJC, dẫn đến lợi nhuận dự kiến phải chia sẻ với chi phí mở thị trường.
Tuy nhiên, chi phí mở thị trường của VJC có lẽ ở mức thấp nhất thế giới.
Dù kết quả không đạt kỳ vọng, khi trông lên thì không thể có lợi nhuận như Singapore Airlines, nhưng khi so sánh với nhiều hãng khác thì VJC lại là số ít có lợi nhuận sau dịch, thậm chí nhiều hãng hàng không đã lâu đời phải ngừng hoạt động.
Khi đưa ra những con số kế hoạch 2024, ban điều hành cũng đã cân nhắc các yếu tố có thể tác động.
Giá nhiên liệu và tỷ giá liên tục tăng cao, VJC có những giải pháp nào để kiểm soát rủi ro?
TGĐ Đinh Việt Phương: Tiết kiệm nhiên liệu là chương trình rộng, bao phủ lên hoạt động kinh doanh. VJC có đội tàu bay trẻ, hiện đại. VJC liên tục nhận các tàu bay A321 Neo, tiết kiệm nhiên liệu đến 17%.
Chương trình tiết kiệm nhiên liệu hướng đến việc tối ưu đường bay, bảo dưỡng, tốc độ khai tác tốt nhất, tiết kiệm nhất, thậm chí cán bộ tàu bay của VJC bay đến các quốc gia khác phải tăng cường mua nhiên liệu ở giá thấp hơn.
VJC vừa qua có thỏa thuận với đối tác để đưa vào vận hành A330 Neo sớm, đây là dòng máy bay thậm chí còn tiết kiệm nhiên liệu nhiều hơn, giúp bay xa hơn nhưng tiết kiệm chi phí hơn.
Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: Nhiên liệu rất quan trọng với ngành hàng không. Đầu tiên, để tiết kiệm nhiên liệu phải chọn tàu bay tiết kiệm nhiên liệu, mà VJC đang sử dụng các tàu bay tiết kiệm nhiên liệu nhất thế giới. Các mức tiết kiệm từ 15-17% tiết giảm rất nhiều chi phí cho VJC. Ngoài ra còn các chiến lược mua nhiên liệu để tối ưu về thuế, phí, tỷ giá, chỉ dẫn cho phi công là bơm ở đâu để tối ưu…
Thứ hai là với đội ngũ phi công, đội ngũ kỹ thuật, lực lượng mặt đất phối hợp để tăng hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu; sự hỗ trợ của nhà sản xuất động cơ; giải pháp tài chính như sẳn sàng mua trữ nhiên liệu, hedging các tình huống nhiên liệu tăng đến mức nhất định. Những giải pháp này đã giúp chi phí VJC thấp hơn, tối ưu hơn.
Bên cạnh khai thác ổn định đường bay hiện tại, trong năm 2024 VJC có kế hoạch mở đường bay quốc tế nào?
Phó TGĐ Nguyễn Thanh Sơn: năm 2023 VJC có doanh thu nội địa rất mạnh, trong khi thị trường quốc tế có tăng trưởng chậm hơn, do phải phối hợp với nhiều thị trường, quốc gia khác nhau. Tuy nhiên từ nửa cuối quý 4/2023 thị trường quốc tế đã phục hồi và kéo dài đến hiện tại, kỳ vọng tiếp tục tốt cho năm 2024.
VJC đã có 5 đường bay bằng tàu thân rộng tới Úc và dự kiến mở thêm 2 đường bay nữa từ Hà Nội đi Sydney và Melbourne. Tại khu vực Đông Bắc Á, VJC sẽ mở lại thị trường Trung Quốc vốn mang về doanh thu tốt. Bên cạnh đó, sẽ mở thêm các đường bay Nhật Bản và Hàn Quốc nối đến Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng. Đối với Đài Loan, VJC cũng mở nhiều điểm bay Cao Hùng, Đài Bắc nối đến Phú Quốc.
VJC có mở tàu thân rộng A330 đến Kazakhstan và sẽ tiếp tục tăng tần suất, dự kiến tới mùa đông năm 2024 kỳ vọng mở tiếp đường bay đến Nga.
Với thị trường châu Âu phải sử dụng tàu bay thân rộng, đường bay dài. VJC dự kiến đến cuối năm khi nhận thêm 2 tàu bay thì có thể khai thác từ cuối 2024 hoặc đầu 2025, nhắm đến Pháp, Đức, Séc với các đường bay từ Hà Nội, TPHCM. Đó là tiền đề để hướng đến kỳ vọng 4-5 đường bay đến châu Âu ngay trong đầu năm 2026.
Hiện nay, các dòng tàu thân hẹp của VJC cũng bay đến các thị trường Ấn Độ, Philippines. Dự kiến quý 4/2024 tiếp tục mở rộng thêm trong tầm ngắm của đội tàu thân hẹp A320, A321.
Hãng có nhiều lợi thế về đội tàu bay nhiều và khai thác hiệu quả, vậy thị phần tăng trưởng như thế nào?
Phó TGĐ Nguyễn Thanh Sơn: Thị phần quốc tế của VJC đã và đang duy trì vị trí số 1 từ năm 2020, khoảng 21-23%. Với nội địa, VJC tiếp tục giữ vị trí số 1 với 43-46%. Cập nhật đến tháng 3/2024 vừa qua vẫn tiếp tục duy trì vị thế này.
Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: VJC ít nhắc đến thị phần, không có chủ trương lấy thị phần hay giành khách, mà hướng đến thị trường mới, hành khách mới, đặc biệt là những vùng chưa có điều kiện đi máy bay, điển hình như thành phố Hiroshima (Nhật Bản) hay hàng loạt thành phố tại Ấn Độ, Philippines, Indonesia…
Chia sẻ thêm về kế hoạch huy động vốn?
Phó TGĐ Hồ Ngọc Yến Phương: VJC có bứt phá mạnh mẽ về kết quả tài chính từ 2023, tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng trong 2024. Về kế hoạch tăng thêm tàu bay, VJC trong 5 năm tới có kế hoạch mạnh mẽ, đầu tư vào 200 tàu thân hẹp và 20 tàu bay thân rộng. Với kế hoạch này đòi hỏi nguồn lực lớn và cần huy động vốn.
Với nguồn lực cần 1 tỷ USD thì VJC có kế hoạch sử dụng 300 triệu USD vốn sở hữu và 700 triệu USD vay. VJC nỗ lực duy trì nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở tỷ lệ đảm bảo phát triển bền vững.
Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
Huy Khải
FILI
|