Thứ Ba, 23/04/2024 17:48

ĐHĐCĐ Vinalink: Hợp tác với Amazon sẽ là “mỏ neo” trước biến động khó lường

Tổng Giám đốc Vinalink chia sẻ với tình hình biến động và rất khó lường, nếu không có thương mại điện tử thì sẽ khó duy trì được sản phẩm dịch vụ truyền thống như hiện tại.


ĐHĐCĐ thường niên 2024 của VNL tổ chức sáng 23/04 tại khách sạn Eastin Grand Saigon. Ảnh: Tử Kính

Hợp tác với Amazon sẽ nâng tầm Vinalink

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Logistics Vinalink (HOSE: VNL) diễn ra sáng 23/04, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Nam Tiến cho biết việc hợp tác với Amazon đang được định hướng dạng hợp tác chiến lược và không có nghĩa sẽ có tiền ngay. Ở đây, VNL đang tham gia cung cấp các dịch vụ logistics trong một chuỗi của Amazon.

Có phần tiền sẽ thu trực tiếp từ Amazon hoặc từ khách hàng của Amazon nhưng tất cả đều phải rất cạnh tranh chứ không có “phép nhiệm màu” nào khi thành đối tác chính thức trong chương trình SEND của đơn vị này mà có thể đem tiền về nhiều ngay lập tức.

“Tiền nhiều hay không thì phải có dịch vụ nhiều đi cùng mức giá cạnh tranh. Bởi Amazon cũng áp dụng song song giữa SEND và trực tiếp. Khách hàng có quyền lựa chọn. Nếu đi qua chương trình SEND cao thì người ta sẽ lựa chọn trực tiếp”, lãnh đạo nói thêm.

Theo Chủ tịch, nâng tầm VNL sẽ là điều quan trọng trong việc hợp tác với Amazon. Tính chất chuyên nghiệp công việc, chất lượng, quy chuẩn, quy trình được nâng cấp hẳn một bậc cả về nghiệp vụ lẫn quản trị. Bởi vì Amazon không thể lựa chọn đơn vị có hệ thống quản trị không an toàn, không chắc chắn để làm đối tác.

Và để được làm đối tác, VNL đã đầu tư cũng như thay đổi rất nhiều. Chuyển đổi từ nhận thức, quy trình, công việc cũng như xây dựng hệ thống thông tin, quản trị. Như chứng chỉ bảo mật thông tin mà Công ty đang có mà hiện nay ít có doanh nghiệp logistics Việt Nam thực hiện được. Đối với Amazon thì gần như chỉ VNL được phép kết nối với hệ thống dữ liệu của đơn vị này để chia sẻ thông tin, thực hiện công việc.

“Điều này cần thực hiện thời gian dài và đầu tư thêm nữa. Cùng với sự phát triển của Amazon tại Việt Nam, VNL sẽ có cơ hội để tăng hiệu quả kinh doanh”, Chủ tịch chốt lại.

Để cổ đông được rõ hơn, Tổng Giám đốc Vũ Quốc Bảo cũng thừa nhận thương hiệu của VNL sẽ được biết đến nhiều hơn qua sự hợp tác.

Một cam kết của Công ty khi bắt đầu mối quan hệ này đó là VNL sẽ có đội ngũ làm thương mại điện tử trẻ và chuyên nghiệp, dẫn đến sự thành lập Ban Truyền thông, cũng như trang Fanpage,… trong thời gian gần đây.

Theo ông Bảo, với tình hình biến động và rất khó lường, nếu không có thương mại điện tử thì sẽ khó duy trì được sản phẩm dịch vụ truyền thống như hiện tại. Vì vậy, việc hợp tác với Amazon có thể xem như mỏ neo để VNL có thể bám vào và từ đó duy trì, củng cố sản phẩm truyền thống hiện có, sau đó mở rộng và phát triển. Trên cơ sở đó, VNL đã xây dựng và phát triển được sản phẩm dịch vụ consol đường hàng không mà trước đây Công ty chưa làm, giờ dựa vào thương mại điện tử đã có thể làm được.

“Vì vậy, đầu tư vào Amazon là câu chuyện đường dài, thương hiệu VNL sẽ được biết đến không chỉ được biết ở Việt Nam khi chương trình này được mở ra. Các nhà bán hàng trên thế giới khi vào trang dịch vụ logistics để vận chuyển hàng thì đã có tên của VNL ở đó. Bước đầu như vậy được coi là thành công, còn tiền sẽ đến sau”, ông Bảo nói.

Phía trước còn nhiều ẩn số

Theo Chủ tịch VNL, số liệu kinh doanh quý 1/2024 vẫn còn chờ từ những công ty liên doanh, liên kết nên chưa thể tổng hợp. Kết quả bước đầu ghi nhận tích cực, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số công ty liên doanh, liên kết có mức tăng trưởng khoảng trên 10 - 15%, thậm chí 20% dù cũng có công ty đạt thấp hơn. Theo lãnh đạo, khả năng năm nay sẽ đạt được kế hoạch.

Ông Tiến nhận định thị trường hiện nay biến động khôn lường. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm ngoái, tình hình tưởng chừng chỉ khó đến quý 2 và có thể “sống lại” vào quý 3 nhưng không ngờ “lặn” sâu hơn, càng về sau càng khó.

Đối với năm nay, VNL đánh giá tình hình đang tốt và tích cực nhưng do hoạt động kinh doanh của Công ty phụ thuộc nhiều vào thị trường quốc tế nên sắp tới nếu có biến động sẽ bị ảnh hưởng, nhất là về địa chính trị.

“Có những cái tưởng chừng như không bao giờ xảy ra nhưng nó đã và đang xảy ra. Trước đây không ai nghĩ đường vận tải biển đi qua Biển Đỏ lại trở thành nỗi ác mộng với các hãng tàu. Nó đang đảo lộn rất nhiều thứ. Chính vì vậy, tình hình phía trước còn nhiều ẩn số, đặc biệt là về quốc tế. Còn trong nước thì mọi thứ có vẻ ổn dần”, Chủ tịch giải bày.

Tập trung vào khách hàng trong khu công nghiệp

Về hoạt động chi nhánh Hà Nội, lãnh đạo cho rằng việc lãi gộp thấp hơn bình quân chung trong những năm vừa qua, một mặt do đặc điểm kinh doanh của từng thị trường, khu vực khác nhau. Tuy nhiên vẫn có những mảng dịch vụ chi nhánh Hà Nội giữ vị trí chủ lực trong cơ cấu chung của VNL. Do đó, những hạn chế những năm trước đang được khắc phục.

Hiện nay, chi nhánh này có chiến lược rõ ràng là tập trung khai thác ở tất cả khu công nghiệp. Đội ngũ bán hàng tại đây chiếm hơn 70% tất cả nhà máy thuộc khu vực Nam Định, Thanh Hóa trở vào phía Nam. Và VNL đang đặc biệt tập trung vào nhà máy ngành hàng may mặc.

Theo Tổng Giám đốc, việc này là do khi nền kinh tế có dấu hiệu “xanh” trở lại, mặt hàng may mặc sẽ là chỉ báo đầu tiên của việc phục hồi bởi người ta chưa cần ăn mà phải mặc trước. Trong quý 1 đã có dấu hiệu tích cực nhất định. Một số doanh nghiệp may mặc bắt đầu có đơn hàng đến hết năm 2024 và chuẩn bị đàm phán cho 2025.

Nguồn thu từ công ty liên doanh, liên kết dự báo giảm 90% năm 2024

Năm 2024, VNL nhận định hoạt động xuất nhập khẩu vẫn có nhiều biến động khó lường và có nhiều thách thức cho sự phục hồi. Ảnh hưởng xung đột quận sự Nga – Ukraine, khu vực Biển Đỏ tiếp tục khiến hoạt động thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó. Các nhà sản xuất lớn trong nước vẫn chưa có nhiều đơn hàng ổn định.      

Ngoài ra, các yếu tố gồm rủi ro từ công nợ, rủi ro về nhân sự cũng như trong lưu thông với vận chuyển đường bộ nguy cơ tăng cao tác động nghiêm trọng đến dòng tiền hoạt động, việc tổ chức điều hành kinh doanh,… là những yếu tố cần được chú ý năm nay.

Nguồn thu từ công ty liên doanh, liên kết theo đó nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu kế hoạch và kết quả kinh doanh năm 2024 của VNL, dự kiến chỉ bằng 10% năm ngoái.

Với những tính toán như vậy, năm nay, VNL đặt mục tiêu mang về 900 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với thực hiện năm 2023 nhưng chưa bằng năm 2022 (1,096 tỷ đồng). Tính bất ổn của thế giới nói chung khiến doanh nghiệp logistics kỳ vọng lãi trước thuế khiêm tốn, ở mức 26.5 tỷ đồng, giảm đến 40% so với năm ngoái. Mức cổ tức dự kiến 1,000 đồng/cp.

Diễn biến doanh thu thuần và lãi trước thuế của VNL từ năm 2006 đến nay

Tất cả tờ trình đều được thông qua tại đại hội.

Tử Kính

FILI

Các tin tức khác

>   PBP: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (23/04/2024)

>   MCO: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (23/04/2024)

>   ADC: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (23/04/2024)

>   VNE: Giải trình chậm CBTT BCTC Kiểm toán 2023 và biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát (23/04/2024)

>   FUEVN100: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 22/04/2024 (23/04/2024)

>   FUESSV50: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 22/04/2024 (23/04/2024)

>   FUEMAVND: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 22/04/2024 (23/04/2024)

>   FUESSV30: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 22/04/2024 (23/04/2024)

>   FUESSVFL: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 22/04/2024 (23/04/2024)

>   FUEKIVND: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 22/04/2024 (23/04/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật