Bài cập nhật
ĐHĐCĐ TLG: Doanh thu xuất khẩu tăng trưởng bù đắp áp lực tỷ giá giúp duy trì biên lãi gộp
Sáng ngày 23/04/2022, CTCP Tập đoàn Thiên Long (HOSE: TLG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 với nội dung chính xoay quanh kế hoạch kinh doanh, phân phối lợi nhuận và tăng vốn.
TLG tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 vào sáng ngày 23/04/2024
|
Thảo luận
TLG có kế hoạch tăng mặt bằng giá bán?
Tổng Giám đốc Trần Phương Nga, các sản phẩm hợp tác với đối tác nước ngoài mang tính sáng tạo, khác biệt cao, ban đầu chúng tôi đặt mục tiêu không phát triển số lượng lớn nên lợi nhuận không cao bằng sản phẩm đại trà. Nhưng xét về mặt dài hạn thì lợi nhuận sẽ là sự khác biệt trong tương lai.
Tỷ lệ lãi gộp ở thị trường nội địa khoảng 40%, đây là tỷ lệ rất cao so với ngành văn phòng phẩm trên thế giới do có nhiều sản phẩm có hiệu quả lớn về sản lượng. Trong tương lai chúng tôi biết tỷ lệ này có thể bị ảnh hưởng nên sẽ phải chọn các giải pháp điều chỉnh các sản phẩm không hiệu quả để duy trì tỷ lệ 38-45%.
Công ty có thể chia sẻ thêm về xu hướng ngành?
Chủ tịch Cô Gia Thọ: Nhu cầu bút viết, văn phòng phẩm ở Việt Nam và các nước Châu Á vẫn phát triển, tập trung vào các sản phẩm khác biệt, đáp ứng như cầu khắc khe hơn của người tiêu dùng.
Tỷ lệ hàng tồn kho ảnh hưởng đến điểm bán hàng của công ty?
Tổng Giám đốc Trần Phương Nga: Tồn kho gia công ở điểm bán hàng ở nước ngoài trong năm 2023 đã ảnh hưởng khá lớn, trong 6 tháng đầu năm 2024 chúng tôi vẫn bị kéo dài tình trạng này, nhưng chúng tôi lượng hóa được phần gia công ngoài đã về mức tương đối ổn định nên chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm sẽ tốt hơn.
Liên quan hàng tồn kho tại thị trường Việt Nam cũng có phần nào điều chỉnh trong những tháng đầu năm, sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để thay đổi cơ cấu sản phẩm mới dù vẫn còn lượng hàng tồn kho bên ngoài.
Chi phí nguyên vật liệu năm 2024, mảng sản phẩm nào là động lực tăng trưởng của Công ty?
Tổng Giám đốc Trần Phương Nga: Tỷ giá tăng lên gặp áp lực với nhựa, chúng tôi phải điều chỉnh giá bán các sản phẩm hiện hữu mà chúng tôi chỉ điều chỉnh giá thành bao bì của sản phẩm mới để vẫn mang lại giá trị cạnh tranh, giá trị thặng dư cho người tiêu dùng bởi vì nếu chỉ tăng các sản phẩm hiện hữu thì cuộc chiến với ngành hàng bán lẻ càng khó khăn hơn.
Cũng may xuất khẩu cũng tăng tỷ lệ khá cao, tăng 800 tỷ lên 1,000 tỷ, giúp chúng tôi có nguồn bù lại mức tăng về giá thành liên quan đến tỷ giá, giữ được tỷ lệ lãi gộp.
TLG dự định mở thêm cửa hàng Clever Box không?
Tổng Giám đốc Trần Phương Nga: Chúng tôi đang tìm hướng đi cho ngành hàng mới, nên cuối năm nay mới xây dựng kế hoạch đầu tư các cửa hàng. Hiện các cửa hàng chỉ đang thuê mặt bằng nên mức độ đầu tư không cao, mức cao là chi phí vận hành nên tạm thời không mở rộng quá nhanh để quản lý chi phí, Công ty vẫn dành nguồn ngân sách nhất định để phát triển cửa hàng trong thời gian tới.
Tiêu chí nào đánh giá hiệu quả cửa hàng, có mở mới hoạt động các dịch vụ khác không?
Tổng Giám đốc Trần Phương Nga: Chúng tôi đánh giá hiệu quả thông qua độ phủ sản phẩm, góc độ trưng bày sản phẩm, điểm chạm trải nghiệm của khách hàng. Chúng tôi muốn nhấn mạnh vào yếu tố trải nghiệm hơn là các sản phẩm có doanh thu cao. Thời gian tới sẽ tiến tới phân khúc đồ chơi, mở ra cơ hội cho TLG sau bút viết, hiện chúng tôi không đặt áp lực quá lớn đến nhân viên bán hàng.
Tại sao không đặt mục tiêu lợi nhuận để phát hành ESOP?
Chủ tịch Cô Gia Thọ: Nếu không có doanh số thì không có lợi nhuận. Chúng tôi đảm bảo làm rất tốt trong vấn đề quản lý chặt chẽ sản xuất, sales, cost, tỷ lệ lợi nhuận vẫn duy trì ở mức cao khoảng 45%. Hiện thị trường cạnh tranh khốc liệt nên chúng tôi theo đuổi mục tiêu phải giữ thị phần, chưa thể đầu tư quảng bá gia tăng thị phần, chiến lược tăng doanh số là mục tiêu bền vững của TLG. Qua khó khăn sẽ đặt ESOP theo lợi nhuận.
Tại sao công ty phát hành ESOP nhưng không có điều kiện mua lại?
Chủ tịch Cô Gia Thọ: Mức phát hành ESOP dự kiến khiêm tốn, quy mô nhỏ. Mục đích phát hành là khuyến khích nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ chủ chốt trong công ty. Thực tế chúng tôi phát hành đã đánh giá những người xứng đáng, bỏ ra công sức làm việc cho công ty.
Do đó, nếu họ nghỉ việc thì chúng tôi không muốn thu lại vì số lượng cổ phiếu họ giữ khá nhỏ. Chúng tôi sẽ lưu ý và ghi nhận để đợt phát hành sau nếu khối lượng phát hành lớn hơn thì họ nghỉ việc chúng tôi sẽ thu lại.
TLG chuẩn bị gì cho đội ngũ kế thừa?
Chủ tịch Cô Gia Thọ: TLG là doanh nghiệp tương đối nghiêm chỉnh, liên tục giữ kết quả kinh doanh tích cực, có bộ máy kiện toàn trong kinh doanh, minh bạch trong vấn đề tuyển dụng, làm tốt chuyên môn để phát triển công ty và gia tăng lợi ích cho công ty.
Kế thừa là lộ trình rất dài, phải rất có tâm, nguồn tuyển vào phải chọn người ưu tú, sau đó đào tạo chuyên môn cho họ, phù hợp với tầm nhìn của TLG, đi theo cái cốt lõi của công ty, trải qua thời gian dài mới đánh giá quyết định cân nhắc người kế thừa, tuân thủ đặt quyền lợi công ty lên trên hết.
Công tác R&D tạo sản phẩm xu hướng mới như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Tâm – Thành viên HĐQT: Công ty đã đầu tư khá nhiều cho bộ máy thiết kế, sáng tạo, phát triển bền vững, phát triển xanh, số hóa, gia tăng trải nghiệm người dùng là trẻ em vừa học vừa chơi, mang tính cá nhân hóa, các sản phẩm quà tặng.
TLG luôn có đội ngũ nghiên cứu sáng tạo sản phẩm, có viện và chuyên gia có chuyên môn trong lĩnh vực sản phẩm của TLG. Năm 2023 và 2024, TLG sẽ có nhiều sản phẩm nổi trội trong thời gian tới.
Chủ tịch Cô Gia Thọ: Sau mùa dịch, trên các kênh xuất hiện nhiều sản phẩm Trung Quốc, sản phẩm của họ rất sáng tạo và đa dạng. May mắn là TLG đã đầu tư rất lâu để phát triển sản phẩm, làm cho chất lượng sản phẩm tăng lên. Các sản phẩm đều có sự thay đổi theo trending, màu sắc tươi mới, tính cá nhân cao. Bộ phận R&D có đội ngũ thiết kế cho sản phẩm, vì thiết kế sản phẩm hiện tại rất quan trọng.
Kết quả quý 1/2024 như thế nào? Trung Quốc mở cửa thì ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh của TLG?
Tổng Giám đốc Trần Phương Nga: Doanh thu quý 1 giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, còn khoảng 800 tỷ đồng. Lợi nhuận giảm tương ứng 12%, nhưng Công ty vẫn duy trì được biên lợi nhuận. Tháng 4 tình hình kinh doanh vẫn chưa khởi sắc, quý 1 các điểm bán thận trọng nhập hàng, nhà phân phối chia sẻ tình hình bán hàng khó khăn, chúng tôi có kế hoạch kinh doanh quý 2 bùng nổ vào tháng 5-6. Trong đó doanh thu nội địa sẽ đạt kỷ lục, 1,000 tỷ đồng, gấp đôi quý 1, quý 3 hoạt động cũng sẽ nhích lên.
Về câu chuyện Trung Quốc mở cửa, thị trường cực kỳ khốc liệt về giá và mẫu mã, chúng tôi vẫn kiên định trong công tác phát triển R&D có sản phẩm khác biệt, từ đó có thể nâng mặt bằng giá bán. Chúng tôi nghĩ không phải công ty nào cũng có thể gồng lỗ khi giảm giá liên tục để cạnh tranh nên chúng tôi phải kiên định gìn giữ thị phần hiện tại.
Mục tiêu lãi sau thuế 2024 tăng 7%, đạt 380 tỷ đồng
Kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2024 của TLG. Đvt: Tỷ đồng
|
Năm 2024, TLG đặt mục tiêu doanh thu thuần 3,800 tỷ đồng và lãi sau thuế 380 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 7% so với thực hiện năm 2023. Công ty cũng dự kiến giữ nguyên tỷ lệ cổ tức 35%/mệnh giá như năm 2023.
Trong tháng 1/2024, Công ty ước đạt doanh thu thuần 241 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, tương đương mức thu khoảng 7.8 tỷ đồng/ngày. Lãi sau thuế ước đạt 18 tỷ đồng, tăng 57%. Với kết quả đạt được, TLG thực hiện được hơn 6% chỉ tiêu doanh thu và gần 5% mục tiêu lợi nhuận năm.
Chia cổ tức 2023 tỷ lệ 35%
TLG cho biết năm 2023 là năm đầy khó khăn và thách thức của mảng kinh doanh nội địa. Bên cạnh xu hướng cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng, thị trường văn phòng phẩm Việt Nam còn chứng kiến sự thâm nhập và cạnh tranh từ nhiều đối thủ ngoại.
Mặt khác, hoạt động xuất khẩu các sản phẩm gia công cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ tại các thị trường Châu Mỹ và Châu Âu. Các nhà bán lẻ lớn tại Mỹ và Châu Âu đều ưu tiên giải quyết hàng tồn kho thay vì đặt đơn hàng mới, khiến hầu hết các khách hàng gia công lớn của Thiên Long giảm đặt hàng trong năm qua, dẫn đến doanh thu xuất khẩu mảng gia công giảm 38% so với cùng kỳ. Đó chính là lý do khiến doanh thu xuất khẩu trong năm 2023 của Thiên Long khiêm tốn cán mốc 813 tỷ đồng, giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2022.
Kết quả kinh doanh qua các năm của TLG |
|
Từ những nguyên nhân trên, năm 2023 TLG đạt 3,461 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 359 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 2% và 11% so với năm trước. So với kế hoạch đề ra, Công ty chỉ thực hiện được 87% chỉ tiêu doanh thu và 90% mục tiêu lợi nhuận.
Với kết quả đạt được, TLG trình ĐHĐCĐ thông qua tỷ lệ cổ tức năm 2023 là 35%, trong đó tỷ lệ cổ tức bằng tiền là 25%, thấp hơn mức 35% của năm 2022.
Từ năm 2019-2021, TLG liên tiếp trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông tỷ lệ 20% và tăng đột biến lên 35% vào năm 2022.
Vào tháng 7/2023, TLG đã chi tạm ứng cổ tức 2023 tỷ lệ 15% bằng tiền, tương ứng chi gần 117 tỷ đồng. Với số cổ tức còn lại, Công ty đề xuất chia làm 2 hình thức, bao gồm 10% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.
Theo đó, TLG dự kiến phát hành tối đa gần 7.9 triệu cp để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2023, theo BCTC hợp nhất 2023 đã được kiểm toán. Dự kiến trong quý 2-3/2024.
Phát hành 864,538 cp ESOP với giá 10,000 đồng/cp
Để tạo động lực và tăng tính gắn kết của người lao động với Công ty, HĐQT chủ trương xin ý kiến ĐHĐCĐ để phát hành cổ phiếu theo chương trình cho người lao động (ESOP) có điều kiện và chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn 1: Xét trên kết quả kinh doanh năm 2024, doanh thu thuần hợp nhất đạt tối thiểu 4,000 tỷ đồng, TLG sẽ phát hành tối đa 864,538 cp ESOP, tương đương 1% số cổ phiếu đang lưu hành (đã bao gồm cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023). Giá chào bán dự kiến 10,000 đồng/cp - thấp hơn 79% so với thị giá TLG kết phiên 22/04 (47,800 đồng/cp).
Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 2 năm từ ngày kết thúc đợt phát hành. Đối tượng tham gia gồm Thành viên HĐQT, Ban Tổng Giám đốc; Kế toán trưởng và các vị trí quản lý của TLG và các công ty con thuộc Tập đoàn.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành dự kiến gần 9 tỷ đồng, sẽ được TLG sử dụng để bổ sung nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh. Thời gian thực hiện sau khi UBCKNN thông báo nhận đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành.
Quá trình tăng vốn của TLG. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Nếu hoàn tất phương án trên, vốn điều lệ của TLG sẽ được nâng từ gần 865 tỷ đồng lên hơn 873 tỷ đồng.
Giai đoạn 2: Xét trên kết quả kinh doanh giai đoạn 2025-2026, doanh thu thuần hợp nhất lần lượt đạt tối thiểu 5,000 tỷ đồng và tối thiểu 6,000 tỷ đồng, TLG sẽ trình ĐHĐCĐ phương án phát hành thêm tại mỗi mốc doanh thu đạt được, là 1% cổ phiếu ESOP trên số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành đáp ứng quy định pháp luật.
Mặt khác, TLG dự kiến bỏ ngành, nghề kinh doanh là In ấn (chi tiết là In tampon, in lụa, in flexo…).
Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.
Khang Di
FILI
|