Bài cập nhật
ĐHĐCĐ TCM: Tập trung hành động nhanh, dự báo và quản trị
Lãnh đạo TCM nhận định 2024 ngành dệt may vẫn còn nhiều biến động, Công ty tập trung vào vấn đề hành động nhanh, dự báo và quản trị để phòng ngừa các rủi ro.
Trong tháng 01/2024, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) và Tập đoàn Eland (Hàn Quốc) đã có thỏa thuận để thực hiện đơn hàng 10 triệu sản phẩm may, gấp đôi so với năm trước. Ngoài ra, đội ngũ bán hàng cũng đang phát triển dòng sản phẩm mới.
CEO Song Jae Ho phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của TCM trong sáng 05/04 - Ảnh: Tuấn Trần
|
Tháng 1 thỏa thuận làm 10 triệu sản phẩm với Tập đoàn Eland
Thông tin trên được ông Song Jae Ho - Tổng Giám đốc TCM cho hay tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 tổ chức sáng 05/04. Tại đây, cổ đông TCM đã thông qua kế hoạch kinh doanh, phương án tăng vốn điều, tiến hành bổ sung thành viên HĐQT...
Mở đầu đại hội, CEO Song Jae Ho cho biết chiến lược chung của Công ty là thay đổi các mặt hàng cơ bản sang mặt hàng giá trị gia tăng, phát triển mặt hàng bằng các công nghệ mới, hợp tác sâu với đối tác chiến lược Eland, tăng chuyển dụng chuyên gia ngành nhuộm, chia sẻ phòng thí nghiệm...
"Trong tháng 01/2024, Thành Công và Tập đoàn Eland (Hàn Quốc) đã có thỏa thuận để thực hiện đơn hàng 10 triệu sản phẩm may, gấp đôi so với năm trước. Ngoài ra, đội ngũ bán hàng cũng đang phát triển dòng sản phẩm mới" - theo ông Song.
Mục đích mua lại Công ty TNHH Dệt may SY Vina - một nhà sản xuất vải dệt với mục đích là lấy giấy phép ngành nhuộm cũng như mở rộng các dòng sản phẩm vải dệt. Sau khi hoàn tất thương vụ, TCM kỳ vọng nhận được nhiều đơn vải dệt và sản xuất thêm quần áo vải dệt.
CEO TCM phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 - Ảnh: Tuấn Trần
|
Mục tiêu lãi sau thuế 2024 tăng 21%
Năm 2024, Dệt may Thành Công đặt mục tiêu doanh thu thuần 3,707 tỷ đồng và lãi ròng hơn 161 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 21% so với kết quả kiểm toán năm 2023. Bên cạnh đó, đại hội đã thông qua chi trả cổ tức tỷ lệ 12% bằng tiền và/hoặc cổ phiếu tùy theo tình hình thực hiện kinh doanh 2024.
Trong hai tháng đầu năm, doanh thu TCM ước đạt 25.19 triệu USD (hơn 624 tỷ đồng) và lãi ròng 1.65 triệu USD (khoảng 41 tỷ đồng), lần lượt tăng 20% và 40% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả đạt được, Công ty đã thực hiện được gần 19% chỉ tiêu doanh thu và hơn 25% mục tiêu lợi nhuận năm.
Công ty cho biết đến hiện tại, doanh thu ước tính cho đơn hàng quý 1/2024 cao hơn so với cùng kỳ. Công ty đã và đang nhận khoảng 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 2.
Phát hành hơn 9 triệu cp thưởng tỷ lệ 10%
Ban lãnh đạo TCM cho biết, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào, logistics tăng cao khiến kết quả kinh doanh 2023 của Công ty không đạt mục tiêu đề ra, doanh thu thuần gần 3,325 tỷ đồng và lãi ròng gần 134 tỷ đồng, lần lượt giảm 23% và 52% so với năm trước.
Trên cơ sở đó, cổ đông thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ phân phối lợi nhuận năm 2023. Cụ thể, TCM đề xuất chia thưởng cổ phiếu cho cổ đông tỷ lệ 10% (sở hữu 100 cp nhận được 10 cp thưởng), thay vì trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thông qua ngày 30/06/2023.
Theo đó, TCM sẽ phát hành hơn 9.25 triệu cp thưởng, nhằm tăng vốn điều lệ lên gần 1,020 tỷ đồng. Nguồn vốn được lấy từ Quỹ đầu tư phát triển (số dư tại thời điểm 31/12/2023 trên BCTC riêng là hơn 293 tỷ đồng). Thời điểm tăng vốn dự kiến vào tháng 7/2024, thời điểm phát hành cụ thể giao HĐQT quyết định.
2023 đánh dấu là năm thứ 6 liên tiếp, TCM duy trì thói quen thưởng cổ phiếu cho cổ đông kể từ 2017.
Còn nhớ, vào năm 2021, do sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, thời gian làm việc “3 tại chỗ” kéo dài, tốn kém nhiều chi phí, TCM cũng điều chỉnh cổ tức từ mức 25% xuống 15%/mệnh giá (được thanh toán bằng cổ phiếu thưởng). Đây cũng là năm đầu tiên, Công ty không trả cổ tức bằng tiền mặt sau 8 năm liên tiếp (từ 2013-2020). Một năm sau, TCM quay lại trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 7% và phát hành cổ phiếu thưởng 13%, qua đó nâng tổng tỷ lệ cổ tức 2022 lên 20%.
Tân Tổng Giám đốc vào Ban quản trị nhiệm kỳ 2021-2025
Về tình hình nhân sự, Tổng Giám đốc Jung Sung Kwan từ nhiệm sau gần 3 năm giữ chức vụ này, đồng thời rút khỏi vị trí Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025 vì lý do cá nhân. Thời hạn từ nhiệm từ ngày 01/03/2024.
*Sếp người Hàn xin từ chức Tổng Giám đốc, rút khỏi HĐQT Dệt may Thành Công
Đến ngày 05/03, HĐQT TCM ra quyết định chấp thuận việc từ nhiệm của ông Jung Sung Kwan; thay vào đó, bổ nhiệm ông Song Jae Ho giữ chức vụ Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của Công ty nhiệm kỳ 3 năm (2024-2027).
Ông Song Jae Ho trước đó gia nhập TCM từ năm 2013 với vị trí Giám đốc Ngành May và đang giữ chức Giám đốc điều hành Công ty từ đầu tháng 12/2023. Hiện, ông không nắm giữ cổ phiếu TCM nào.
ĐHĐCĐ qua đó đã chấp thuận việc từ nhiệm Thành viên HĐQT của ông Jung Sung Kwan theo nguyện vọng cá nhân. Đồng thời, bầu bổ sung tân Tổng Giám đốc Song Jae Ho thay thế vị trí này, theo đề cử và giới thiệu của cổ đông chiến lược E-Land Asia Holdings (sở hữu gần 47% vốn TCM).
Ban quản trị TCM nhiệm kỳ 2021-2025 sau bầu cử có đến 5/9 nhân sự là người ngoại quốc (đều là mang quốc tịch Hàn Quốc) gồm ông Lee Eun Hong, ông Kim Soung Gyu, ông Song Jae Ho, ông Kim Jong Gak và ông Park Heung Su. Trong khi đó, 4 nhân sự người Việt gồm ông Nguyễn Văn Nghĩa, ông Trần Như Tùng, bà Nguyễn Minh Hảo và ông Đinh Tấn Tưởng.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của TCM - Ảnh: Tuấn Trần
|
Thảo luận
Lợi nhuận quý 1 khoảng 2.5 triệu USD, tăng 9%
Bạo loạn ở Bangladesh khiến nhà máy họ phải đóng cửa, Việt Nam có tận dụng lợi thế này không?
Ông Trần Như Tùng – Chủ tịch HĐQT TCM: Lợi thế của Bangladesh là nhân công giá rẻ nên đời sống nhân công rất khó khăn, sống dưới mức nghèo khổ. Đối thủ cạnh tranh gặp khó khăn, chúng ta chắc chắn có hưởng lợi, đơn hàng của chúng ta sang Mỹ hiện cũng tăng hơn.
CEO Song Jae Ho: Bangladesh mặc dù là quốc gia xuất khẩu dệt may đứng thứ 2 thế giới, nhưng chúng ta không nên nghĩ tới họ để cạnh tranh, chúng ta nên nhìn đến Trung Quốc và coi họ làm đối thủ cạnh tranh lớn nhất, thay vì nghĩ đến nhân công giá rẻ thì chúng ta phải làm sản phẩm giá trị cao hơn.
Giá bông thế giới đang tăng mạnh, có ảnh hưởng lợi nhuận của TCM không?
CEO Song Jae Ho: Chúng ta không nên quan tâm về việc lợi hay bất lợi. Ví dụ, quý 1 giá bông tăng nhưng thời điểm này chững lại rồi. Quan trọng là chuỗi khép kín của TCM, giá bông tăng lên thì mảng sợi tốt nhưng lại ảnh hưởng mảng kinh doanh quần áo, giá FOB cũng phải cao hơn.
Do đó khi giá bông tăng thì chúng tôi sẽ tối ưu giá bông mua để có lợi nhuận tốt nhất mảng sợi, cùng với đó là bán giá sợi cập nhật theo thị trường tốt hơn.
Kết quả kinh doanh quý 1/2024?
Bà Nguyễn Minh Hảo – Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Tài chính TCM: Theo số liệu sơ bộ, Công ty dự kiến doanh thu 39 triệu USD, so với cùng kỳ 37 triệu USD thì tăng trưởng 6%. Lợi nhuận quý đầu năm khoảng 2.5 triệu USD, cùng kỳ 2.3 triệu USD, tăng 9%.
Nhà máy dệt SY, với sản phẩm dệt sử dụng trong nội địa hay xuất khẩu?
Bà Nguyễn Minh Hảo: Chủ yếu xuất khẩu ở thị trường Mỹ.
Mục đích mua nhà máy dệt SY?
Ông Sog Jae Ho: TCM đang cần giấy phép nhuộm, thay vì xây mới nhà máy ở Vĩnh Long, do đó việc mua lại SY sẽ giúp Công ty có giấy phép luôn, điều này rất thuận tiện.
Về các mặt hàng sản xuất, hiện TCM chủ yếu là dòng sản phẩm vải đan, mua lại SY sẽ mở rộng lĩnh vực vải dệt, điều này phù hợp với định hướng phát triển và mở rộng Công ty.
Công suất hiện nay là 3 triệu m vải/năm và năm 2023 mới thực hiện 1 triệu mét. Đến tháng 3 năm nay đã vận hành công suất 1.5 triệu m, giúp tăng hiệu quả sản xuất và dự kiến lợi nhuận hoạt động dương.
Ngoài ra, SY sẽ nhận được thêm đơn hàng từ Eland đối các sản phẩm vải dệt và TCM sẽ mang đội ngũ vào thay đổi SY, chúng tôi kỳ vọng quý 3-4, đơn vị này sẽ có kết quả tốt.
Chủ tịch Trần Như Tùng: Mua lại SY có lợi rất lớn. Ví dụ, mua lại nhà máy SY Vina chỉ tốn 19 triệu USD và có sẵn hệ thống nước thải, trong khi xây nhà máy dự tính chi 40-50 triệu USD nhưng bị giới hạn công suất nước thải.
Bên cạnh đó là vấn đề hòa vốn, Ban lãnh đạo TCM đưa ra yêu cầu là SY không lỗ năm nay. Trong khi xây nhà máy mới phải mất 3-7 năm mới hòa vốn, việc mua lại là hết sức đúng đắn và có lợi cho Công ty.
Dự báo tình hình đơn hàng năm 2024?
CEO Song Jae Ho: Quý 2, Công ty nhận được 85% công suất theo kế hoạch, quý 3 được 80%. Nếu so với năng lực thì TCM có thể ước tính hoàn thành kế hoạch đơn hàng đề ra.
Kế hoạch kinh doanh có hơi thận trọng khi mua lại SY không?
CEO Song Jae Ho: Mục tiêu trong nội bộ quản trị cao hơn so với trình cổ đông. Tôi cũng không chắc chắn mức chúng tôi nên đạt là bao nhiêu, để hoàn thành được mục tiêu tăng 20% so với năm ngoái không đơn giản, nhưng chúng tôi tự tin có thể đạt được.
Nhìn tổng quan thì thị trường dệt may Việt Nam đang tốt lên, nhưng chi phí lao động và chi phí khác cũng tăng hàng năm. Không dễ dàng kiểm soát mức tăng trưởng lợi nhuận, Công ty đang tối ưu chi phí để tăng lợi nhuận cho cổ đông.
Giá trị chuyển nhượng dự án Vĩnh Long giai đoạn 3 và 4 và nhà máy Trảng Bàng bao nhiêu?
Chủ tịch Trần Như Tùng: Năm 2014, TCM mua đất giá tầm 26 USD/m2 (đã gồm VAT), bây giờ dự kiến bán giao dịch ngoài thị trường trên dưới 120 USD/m2. Chúng tôi đã có vài nhà đầu tư, tuy nhiên họ không muốn mua hết 6.5 ha mà mua một nửa.
Còn nhà máy Trảng Bàng vẫn đang tìm nhà đầu tư, nếu cổ đông có đối tác nào có thể gợi ý cho Công ty. Việc chuyển nhượng chưa được đưa vào trong kế hoạch kinh doanh năm nay.
"Vấn đề lo nhất là dòng tiền"
Ngành dệt may đang hồi phục, Công ty làm cách nào phòng ngừa rủi ro?
CEO Song Jae Ho: Trong bối cảnh ngành dệt may nhiều biến động, để phòng ngừa rủi ro thì chúng tôi tập trung vấn đề hành động nhanh, bán hàng nhanh hơn và giao hàng nhanh hơn các đối thủ, đầu tư hệ thống ERP mới để ra quyết định nhanh hơn.
Cùng với E-Land để tập trung vào đáp ứng đơn hàng để tăng trưởng doanh thu, mở rộng thêm khách hàng.
Chủ tịch Trần Như Tùng: Trong thế giới có biến động bất thường, việc dự báo và quản trị rất quan trọng.
Vấn đề lo nhất là về dòng tiền, hiện có nhiều ngân hàng muốn làm việc với TCM nhưng Công ty rất thận trọng. Công ty có khách hàng mới đầu tư và xem xét rất kỹ về vấn đề thanh toán để tránh bài học quá khứ. Hệ thống Công ty có công cụ kiểm tra với nhau, được quản trị rủi ro tốt hơn.
E-Land tăng đặt hàng các năm tới ra sao?
CEO Song Jae Ho: Kế hoạch đặt hàng 2025-2026 tăng hơn hay không còn phục thuộc vào kết quả năm nay.
TCM và Eland là các công ty khác nhau, không thể ở góc độ giúp đỡ mà phải nhìn vào kết quả kinh doanh.
Nếu năm 2024 có lợi nhuận tốt thì năm sau sẽ có thỏa thuận tốt hơn, còn kết quả không tốt thì chúng tôi sẽ cân nhắc việc tăng nhận đơn hàng hay không.
Thế Mạnh
FILI
|