ĐHĐCĐ SBV: Mục tiêu lãi 2024 gấp 6 lần, muốn thực hiện dự án công suất 3,000 tấn
Sáng 22/04, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Siam Brothers Việt Nam (HOSE: SBV) đã thông qua nhiều vấn đề quan trọng về định hướng hoạt động, tỷ lệ cổ tức năm 2023... Trong đó, có kế hoạch đầu tư vào một dự án với tổng mức đầu tư 172 tỷ đồng cho giai đoạn 1.
ĐHĐCĐ thường niên SBV sáng ngày 22/04. Ảnh: KN
|
Kế hoạch lãi trước thuế 2024 gấp 6 lần
Ông Huỳnh Tiến Việt - Thành viên HĐQT đại diện HĐQT trình bày tình hình hoạt động năm 2023. Vị này cho biết, năm qua thị trường nội địa bị đóng băng, chi phí xăng dầu tăng, quá trình khai thác biển chưa ổn định; đội tàu cũng không ổn định, khối lượng tàu trên thị trường giảm. Các sản phẩm phục vụ nông nghiệp đặc thù như dây cột chuối cũng giảm.
Về xuất khẩu, ông Việt cho biết đối với những dòng sản phẩm cũ, biến động ở các thị trường truyền thông, một số khu vực bị ảnh hưởng do chi phí vận chuyển cao, sức mua thị trường giảm.
Công ty đã mở rộng thị trường mới, đã ký hợp đồng, nhưng chưa thực hiện được do chưa kịp nhập máy móc đầy đủ. Đối với sản phẩm mới (hàng siêu thị), đang trong quá trình tích lũy kinh nghiệm trên thị trường cũng như sản xuất nên chưa đóng góp được nhiều cho doanh thu. Sau cùng, nội chiến Myanmar năm vừa qua cũng làm ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của SBV.
Năm 2024, HĐQT định hướng phục hồi xuất khẩu theo đúng kế hoạch năm trước do đã trang bị đầy đủ máy móc cho các đơn hàng xuất khẩu đã ký; tận dụng lợi thế tỷ giá năm 2023; giảm chi phí tài chính là thuận lợi kéo dài từ năm 2023 qua năm 2024; khai thác tiềm năng từ một số loại dây nông nghiệp và sản phẩm thương mại.
Doanh thu mục tiêu năm 2024 ở mức 650 tỷ đồng, tăng 46% so với thực hiện năm 2023. Lãi trước thuế 65 tỷ đồng, gấp 5.6 lần. Kế hoạch này đã được ĐHĐCĐ thông qua.
Ở phần trình bày của bà Ngô Từ Đông Khanh – Tổng Giám đốc SBV, vị này cũng cho biết Công ty đã trải qua năm 2023 với nhiều khó khăn. Công ty không thực hiện được kế hoạch đề ra, chỉ thực hiện được 18% kế hoạch lợi nhuận và 68% kế hoạch doanh thu.
Công ty chốt mức cổ tức năm 2023 là 250 đồng, tương đương với 2.5% mệnh giá. Theo tài liệu trước đó công bố trên website, Công ty dự trình không trả cổ tức năm 2023 với lý do bảo toàn dòng tiền cho các dự án đầu tư lớn sắp tới của Công ty.
Tổng Giám đốc Ngô Từ Đông Khanh báo cáo hoạt động năm 2023. Ảnh: KN
|
Tổng Giám đốc cho biết thêm, cơ cấu doanh thu năm 2023 không có nhiều thay đổi so với năm 2022. Sản lượng bán hàng các nhóm sản phẩm có nhiều sự thay đổi, sản lượng các mặt hàng dây đều sụt giảm. Tương tự, mặt hàng phục vụ tàu biển bao gồm đèn, bơm, dầu nhớt và khay cá cũng giảm so với năm trước. Riêng mặt hàng mới được chào bán năm 2023 là phao lồng bè có sản lượng khá tốt và đang phát triển.
Sản lượng theo nhóm sản phẩm. Ảnh: KN
|
Về thị trường, thị trường Đông Nam Á giảm rõ rệt do sức mua và tiêu thụ sụt giảm. Bù lại, Công ty mở rộng sang các thị trường mới như Anh, Úc, Mỹ, Maroc, Costa Rica và Thụy Điển.
Về mảng kinh doanh khác, mảng năng lượng mặt trời có doanh thu năm 2023 là 4.7 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 1.3 tỷ đồng; mảng nhà xưởng cho thuê vận hành khá ổn định từ năm 2021.
Thị trường xuất khẩu được kỳ vọng tăng trưởng nhanh
Tại đại hội, ông Trần Thanh Long – Quyền Giám đốc Thương mại đã trình bày chi tiết về kế hoạch phát triển doanh thu năm 2024. Mục tiêu tỷ trọng xuất khẩu chiếm là 47% doanh thu (năm trước quanh 38%) và được kỳ vọng tăng trưởng nhanh vì hiện nay thị trường xuất khẩu của SBV đã vươn tới 30 nước trên thế giới. Còn lại 53% doanh thu nội địa, SBV cương quyết phát triển sản phẩm theo hướng chuyên dùng, đi theo thị trường cụ thể.
Ông Trần Thanh Long - Quyền Giám đốc Thương mại trình bày tại đại hội. Ảnh: KN
|
Kế hoạch hành động cụ thể cho từng mảng cũng được đề ra. Ở mảng ngư nghiệp, Công ty sẽ chuẩn hóa chi phí vận chuyển từ kho của Công ty đến thị trường, triển khai từ 2-3 kho ở khu vực, gom đơn hàng chuyển đi. Trong mảng dây đa dụng và nông nghiệp, tập trung xây dựng chuẩn hóa hệ thống phân phối.
Về xuất khẩu, ông đánh giá thị trường xuất khẩu hiện nay khá tốt, xuất sang 30 nước, trong 10 chuỗi cung ứng lớn trên thế giới thì đã bán được cho 3 chuỗi.
Nói về sản phẩm phao lồng bè, ông Long nói ở Việt Nam hiện nay, mảng này là điểm nóng, có hơn 1.3 triệu phao lồng bè bằng gỗ trên thị trường, rải rác và không ổn định. Hiện, Nhà nước thực hiện chính sách quy hoạch về phát triển nông nghiệp tầm nhìn đến năm 2030, quyết tâm giải quyết vấn đề này. Hiện nay, SBV đang cung cấp giải pháp phao lồng bè đa năng là một trong những giải pháp tốt cho hướng này.
Mặt khác, SBV hiện nay sẽ chuẩn hóa kế hoạch cung ứng, đây là một trong những vấn đề quan trọng khi tập trung vào mảng xuất khẩu, để đảm bảo dòng tiền ổn định. Một trong số đó là chuẩn hóa theo SKU; chuẩn hóa thành phẩm tồn kho max-min theo quý để kiểm soát chi phí sản xuất và chi phí hàng tồn kho; chuẩn hóa nguyên liệu sản xuất; chuẩn hóa hàng tồn kho theo hướng FIFO; cuối cùng, phối hợp kế hoạch sản xuất và kinh doanh làm sao để không tồn đọng hàng.
Thực hiện dự án quy mô 172 tỷ đồng để đáp ứng các hợp đồng lớn
Bà Diễm Quỳnh cho biết, dựa trên những hợp đồng lớn cũng như để chuẩn bị cho việc tiếp nhận đơn hàng từ các khách hàng. SBV trình ĐHĐCĐ về việc phát hành cổ phần tài trợ xây dựng thêm nhà xưởng và đã được thông qua.
Dự án nói trên được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 bao gồm việc xây dựng toàn bộ nhu cầu nhà xưởng cho cả 2 giai đoạn, giai đoạn 2 trang bị máy móc với công suất 3,000 tấn.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 172 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chiếm 35%, tương đương 60 tỷ đồng; còn lại 112 tỷ đồng là vốn vay, chiếm 65% tổng mức đầu tư. Giai đoạn 2 gồm đầu tư thêm máy móc, dự kiến sẽ triển khai vào năm thứ 2 nếu kết quả kinh doanh của giai đoạn 1 tiến triển khả quan.
Nguồn tài trợ cho giai đoạn 1, như đã đề cập, đến từ việc phát hành thêm 6 triệu cổ phần phổ thông cho cổ đông hiện hữu và/hoặc cổ đông mới, tương đương 60 tỷ đồng vốn điều lệ.
Mặt khác, để thuận tiện cho việc quản lý và đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, Công ty muốn thành lập Công ty con với 100% vốn điều lệ do SBV sở hữu. Tên công ty sẽ có thành tố “Siam”, hình thức pháp lý là Công ty TNHH MTV, vốn điều lệ 60 tỷ đồng. Đại hội cũng đã thông qua nội dung này.
Kế hoạch lập công ty con của SBV
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ SBV
|
Đại hội cũng đã thông qua thù lao HĐQT năm 2024, giữ nguyên như năm trước, không quá 3.5 tỷ đồng cộng với 4% lợi nhuận ròng sau thuế tăng thêm so với BCTC kiểm toán năm 2024; đồng thời, thông qua việc trích quỹ khen thưởng – phúc lợi với tỷ lệ 5% lợi nhuận sau thuế lũy kế hợp nhất.
Khuyết chức danh Chủ tịch Ủy ban kiểm toán
Bà Trần Ngọc Diễm Quỳnh – Thư ký HĐQT thay mặt Thành viên HĐQT độc lập trình bày tờ trình về báo cáo của Ủy ban kiểm toán.
Theo đó, từ ngày 1/1 - 24/4/2018, Công ty áp dụng mô hình quản trị có HĐQT và BKS. Từ 24/04/2018 – nay, Công ty áp dụng mô hình Tiểu ban kiểm toán trực thuộc HĐQT. Thành phần của Ủy ban gồm, ông Phan Lê Thành Long – Thành viên HĐQT độc lập làm Chủ tịch. Các thành viên còn lại gồm ông Lê Phụng Hào, ông Veerapong Sawatyanon và bà Trần Ngọc Diễm Quỳnh là thư ký.
Bà Quỳnh cho biết, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 vào tháng 4, ông Phan Lê Thành Long đã đệ đơn từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT độc lập. Nguyên nhân do vị này đảm nhiệm chức vụ khác và có khả năng phát sinh xung đột lợi ích. Kể từ đó, Ủy ban hoạt động không có chức danh Chủ tịch, và lúc này Chủ tịch HĐQT đã gián tiếp chỉ đạo, tham gia các hoạt động, các buổi báo cáo và cho ý kiến về kết quả cũng như góp ý cải tiến hoạt động.
Kha Nguyễn
FILI
|