ĐHĐCĐ Petrolimex: Triển khai hóa đơn điện tử chỉ tốn hơn 1 tỷ đồng cho toàn hệ thống
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) dự báo tình hình năm nay có nhiều yếu tố không thuận lợi. Do đó, dự kiến trình mục tiêu đi lùi so với năm trước.
Petrolimex cho biết, dự báo kinh tế thế giới 2024 còn nhiều bấp bênh, với các rủi ro như tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị kìm hãm bởi ảnh hưởng còn lại của đại dịch; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột vũ trang, căng thẳng địa chính trị (Nga – Ukraine, Biển Đỏ); lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài… dẫn đến nguy cơ suy thoái toàn cầu, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều quốc gia.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Petrolimex. Ảnh chụp màn hình
|
Với các yếu tố kém thuận lợi, HĐQT Petrolimex cũng tỏ ra dè dặt hơn, đặt ra mục tiêu sụt giảm ở nhiều chỉ tiêu. Cụ thể, Tập đoàn dự trình đại hội kế hoạch doanh thu 188 ngàn tỷ đồng, giảm 32% so với năm trước; lãi trước thuế mục tiêu 2.9 ngàn tỷ đồng, giảm 26%; sản lượng xăng dầu xuất bán chỉ hơn 13 triệu m3/tấn, giảm 9%.
Kết quả các năm và kế hoạch của Petrolimex năm 2024
|
Về phương án phân phối lợi nhuận, Petrolimex đề xuất phương án chi trả cổ tức tỷ lệ 15% bằng tiền cho năm 2023, tương đương hơn 1.9 ngàn tỷ đồng. Năm 2024, với mục tiêu sụt giảm, mức cổ tức dự trình là 10%.
Chỉ mất 1 tỷ đồng để triển khai hóa đơn điện tử cho toàn hệ thống
Trong phần thảo luận, cổ đông đặt câu hỏi về những khó khăn khi thực hiện phát hành hóa đơn bán lẻ xăng dầu. Ông Lưu Văn Tuyển, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex đã có phản hồi:
“Thực hiện nghị định của Chính phủ về việc triển khai áp dụng hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng với các cửa hàng xăng dầu, Petrolimex triển khai đồng loạt trên 2,700 cửa hàng từ ngày 01/07/2023. Công nghệ triển khai này đã được các cơ quan quản lý cấp Nhà nước thẩm định và đánh giá, ghi nhận các quy trình triển khai trong từng đợt bán hàng với độ tin tưởng cao nhất, vì hoàn toàn là tự động hoá”.
Đối với chi phí triển khai, ông Tuyển cho biết Petrolimex đã dự kiến số lượng về tần suất phát hành hoá đơn tăng khoảng 40 lần. Bình thương mỗi năm đã có hơn 1 tỷ giao dịch ở cửa hàng phải phát hành hoá đơn.
Ông Lưu Văn Tuyển - Phó Tổng Giám đốc Petrolimex. Ảnh chụp màn hình
|
“Tuy nhiên khi Petrolimex triển khai Thông tư 15 năm 2015 bán hàng tại cửa hàng và Thông tư 218 điều chỉnh lại thông tư 08/2018, chúng tôi đã chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật giải pháp để triển khai việc này từ 2015 đến giờ. Nên khi triển khai nghị định thì chỉ tốn khoảng hơn 1 tỷ đồng để hoàn tất trên 2,700 cửa hàng của PLX”.
Cạnh tranh từ xe điện chưa đáng kể, vụ việc Hải Hà Petro có tác động vào hệ thống phân phối
Trước câu hỏi về rủi ro cạnh tranh từ xu hướng phát triển xe điện, Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Thanh nhận định thị phần ô tô điện hiện chỉ đang chiếm 1%, thay thế được một phần nhỏ xe gia đình và chưa thể thay thế toàn bộ xe vận chuyển hàng hoá, giao thông đường thuỷ, hàng không, đường sắt…
“Xu hướng phát triển xe điện tăng lên từng ngày, nhưng ở thời điểm hiện tại chưa tạo rủi ro lớn cạnh tranh thị phần với xăng dầu. Xăng dầu vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong giao thông. Theo nghiên cứu, sự cạnh tranh này chỉ đáng kể ở Việt Nam trong 5 – 7 năm tới, còn hiện tại thì chưa. Mặt khác, việc đầu tư phát triển hệ thống trạm sạc hiện nay chủ yếu là của VinFast, họ xây dựng để sạc cho xe của họ. Vài năm qua, PLX và Vinfast cũng hợp tác tham gia với vai trò đối ác cung ứng hạ tầng trạm sạc. Vậy nên trước mắt, việc phát triển xe điện chưa có tác động đến kinh doanh xăng dầu”.
Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch HĐQT Petrolimex. Ảnh chụp màn hình
|
Tuy nhiên, ông Thanh nhận định đây cũng là xu thế đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Để chuẩn bị cho giai đoạn chuyển tiếp, Petrolimex cũng quan tâm cung cấp các loại hình năng lượng mới, năng lượng xanh, sạch, nhiên liệu sinh học… nghiên cứu các cơ hội đầu tư phát triển trạm sạc xe điện tại Việt Nam và dịch vụ gia tăng tại cửa hàng xăng dầu.
Một câu hỏi đáng chú ý từ cổ đông là về sự vụ xảy ra tại Hải Hà Petro, dẫn đến việc bị tước giấy phép kinh doanh. Ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT cho biết Hải Hà Petro là thương nhân xăng dầu, vẫn có thể tổ chức hoạt động kinh doanh. Nhưng với tư cách là thương nhân đầu mối, Hải Hà Petro không được thực hiện nhập khẩu nữa.
Ông Năm đánh giá, sự việc của Hải Hà Petro có tác động nhất định đến thi trường. “Trong hệ thống phân phối của Hải Hà cũng có những thương nhân nhượng quyền, phân phối, đại lý, họ sẽ căn cứ vào khả năng đáp ứng của đầu mối Hải Hà trước đây, và sẽ lựa chọn việc tìm kiếm các thương nhân đầu mối khác. Trong đó Petrolimex cũng chỉ là 1 thương nhân đầu mối.
Chúng tôi không đánh giá Petrolimex được hưởng lợi gì thông qua việc này, mà trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công thương, chúng tôi sẽ tham gia nhiệm vụ đảm bảo nguồn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”.
Loạt thành viên ban lãnh đạo từ nhiệm
ĐHĐCĐ cũng đã thông qua việc miễn nhiệm với 3 thành viên HĐQT và 2 thành viên BKS. Bao gồm:
Ông Lê Văn Hướng – Thành viên HĐQT, nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 01/06/2024.
Võ Văn Quyền – Thành viên HĐQT độc lập, có đơn miễn nhiệm vì lý do sức khỏe.
Ông Ken Kimura – Thành viên HĐQT, có đơn từ nhiệm theo đề nghị của Công ty TNHH ENEOS Việt Nam, do ông Kimura không còn là đại diện của Eneos. Được biết, Tập đoàn ENEOS Việt Nam là cổ đông lớn tại Petrolimex.
Ông Nguyễn Vinh Thanh – Thành viên BKS, nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí.
Ông Norimasa Kuroda – Thành viên BKS, từ nhiệm theo đề nghị của Eneos Việt Nam do không còn là đại diện của ENEOS.
Đồng thời, tiến hành bầu bổ sung, thay thế các thành viên miễn nhiệm. Trong đó, ông Trần Tuấn Linh - đại diện cổ đông Nhà nước; ông Endo Tsuyoshi - đại diện cổ đông Eneos được bầu làm Thành viên HĐQT, còn ông Đinh Thái Hương đảm nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT độc lập. Về BKS, ông Okuma Atsushi - đại diện Eneos, và ông Mai Việt Dũng - đại diện nhóm cổ đông - được bầu làm thành viên BKS.
Danh sách thành viên HĐQT bầu bổ sung tại ĐHĐCĐ 2024 của PLX
Nguồn: PLX
|
2 thành viên BKS được bầu bổ sung tại Petrolimex
Nguồn: PLX
|
Châu An
FILI
|