Thứ Bảy, 27/04/2024 15:27

ĐHĐCĐ OPC: Muốn tăng 20% lợi nhuận, đưa ETC thành kênh phân phối chủ đạo

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra vào sáng ngày 27/04, CTCP Dược phẩm OPC (HOSE: OPC) đưa ra kế hoạch tăng trưởng sau một năm đi lùi. Ngoài ra, sẽ mở rộng kênh OTC (thuốc không kê đơn), nhưng tập trung vào ETC (kênh bệnh viện) làm kênh phân phối chính.

Năm 2023, OPC đánh giá nền kinh tế tăng trưởng chậm. Những loại thuốc thiết yếu (tim mạch, ung thư, kháng sinh) của Doanh nghiệp vẫn tăng trưởng doanh thu, nhưng ngược lại những thuốc mang tính chất hỗ trợ điều trị, thực phẩm chức năng bị ảnh hưởng nhiều, trong đó doanh thu nhóm sản phẩm từ dược liệu bị ảnh hưởng mạnh.

Do vậy, OPC kết năm 2023 với doanh thu hơn 1 ngàn tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 15%, chỉ đạt 78% kế hoạch; lãi ròng 122 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 14%, và thực hiện được 83% kế hoạch lãi trước thuế. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đã tăng.

Ngành dược tăng trưởng nhưng OPC không thể hưởng lợi

Chia sẻ thêm về câu chuyện năm 2023, Tổng Giám đốc Phạm Thị Xuân Hương cho biết giai đoạn đầu năm, các biến động về kinh tế, địa – chính trị thế giới đã gây tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh này, Chính phủ vào cuộc để hỗ trợ, giúp người dân được tiếp cận thuốc. Đồng thời, có những luật, nghị định mới để hỗ trợ ngành dược.

“Doanh thu ngành dược tăng trưởng 8.6%, là con số tốt trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Nhưng thực chất, sự hỗ trợ của Chính phủ lại chỉ dành cho thuốc đặc trị. Về bản chất, các doanh nghiệp nước ngoài mới tận dụng cơ hội này, còn trong nước thì ít hơn. OPC là doanh nghiệp dược liệu, việc tận dụng được cũng rất khó” – trích lời bà Hương.

ĐHĐCĐ 2024 của OPC. Ảnh: Châu An

Một khó khăn khác là sự xuất hiện của các chuỗi nhà thuốc lớn. “Các nhà thuốc vừa qua đều gặp khó khăn, vì sự ra đời của các chuỗi nhà thuốc lớn thâu tóm thị phần. Khi các chuỗi các nhà thuốc truyền thống gặp khó, mà đây lại là khách hàng chủ yếu của OTC”.

Bà Hương trải lòng, trong 5-10 năm tới, OPC sẽ phải suy nghĩ rất nhiều. “Trước một năm khó khăn như vậy, OPC phải cơ cấu lại. OPC từng có những dòng sản phẩm là lợi thế suốt hơn 40 năm, do nhà nước đặt hàng, là thuốc đông dược. Nhưng đến nay, không chỉ mình OPC làm được. Cộng thêm đối thủ cạnh tranh, điều này rất khó khăn”.

Tuy vậy, bà Hương nhận định năm qua doanh thu dù giảm, nhưng lợi nhuận không giảm mạnh đến vậy. Ngoài ra, bà nhấn mạnh việc tái cơ cấu trong hoạt động, vận hành, kinh doanh… đã giúp tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu tăng so với năm trước, đạt hơn 15%.

“Năm 2023, những quý đầu năm khó khăn, người lao động không có việc làm. Vì vậy, OPC đã cố gắng chung tay, cuối năm tặng 1.5 tháng lương, và khoản này tính vào chi phí. Nên đáng lẽ, tỷ suất lợi nhuận còn phải lên tới 19%” – bà chia sẻ thêm.

Tăng lãi 20%, ETC là kênh chủ đạo

Sang năm 2024, OPC đặt mục tiêu tăng trưởng trở lại. Tại đại hội, Doanh nghiệp đã trình kế hoạch doanh thu hợp nhất gần 1.3 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 27% so với năm trước; lãi trước thuế 186 tỷ đồng, tăng trưởng 20%.

Nguồn: OPC

Về kế hoạch thực hiện, OPC cho biết năm nay sẽ tái cơ cấu lại các sản phẩm, hướng đến các nhóm mang lại doanh thu, lợi nhuận tốt. Đáng chú ý là việc hoàn thiện, mở rộng kênh OTC, tìm kiếm đối tác phân phối mới, nhưng đồng thời thúc đẩy mạnh việc phát triển kênh ETC trở thành kênh phân phối chủ đạo.

Một trong những kế hoạch đáng chú ý của OPC là việc khảo sát, tiếp tục phát triển vùng dược liệu. OPC đánh giá, nguyên liệu là yếu tố quyết định chất lượng của sản phẩm, vì thế đã đầu tư xây dựng nhiều vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP – WHO nhằm chủ động nguồn cung, ổn định chất lượng sản phẩm bên cạnh việc bảo tồn nguồn gen, tạo việc làm cho hộ nông dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương và hướng tới xuất khẩu dược liệu. Trong năm 2023, OPC là một trong những đơn vị được Cục Quản lý Y Dược cổ truyền – Bộ Y tế cấp số cây dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP nhiều nhất.

Kết quả các năm và kế hoạch kinh doanh 2024 của OPC

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Xuân Hương cho biết, marketing cũng sẽ là một trong những mục tiêu được chú trọng trong năm nay.

“Kênh bán hàng, bao năm qua vẫn bán như vậy, vẫn bán điểm, bán sỉ, nó chỉ phù hợp với xu hướng cách đây 10 năm. Nhiều người hỏi: tại sao không marketing? Thực ra, marketing mà không biết bán ở đâu là rủi ro lớn. Chúng ta chưa làm chủ được thị trường, chưa làm chủ điểm bán” – trích lời bà Hương.

“Thuốc dược liệu giờ còn tiềm năng không? Cách đây 10 năm, câu chuyện đăng ký thuốc rất thoải mái, vì trước Thông tư 22 mọi thứ rất dễ. Giờ hội nhập rồi, để đăng ký cần phải thử nghiệm lâm sàng, mà hướng dẫn thử lâm sàng giờ cũng chưa có. Có nghĩa, đây là câu chuyện khó, nên HĐQT dành nguồn lực để định hướng, trên một nền tảng mạnh của OPC để tái phát triển. Rất nhiều năm qua OPC bán điểm, bán sỉ, nên giờ không biết khách hàng của mình là ai.

Chính vì hoạt động này, dẫn đến hơn 180 số sản phẩm đăng ký, chỉ 2-3 sản phẩm ra được doanh thu. Tức chi phí sản xuất cực lớn, mà hiệu quả không cao” – bà Hương nói thêm.

Tuy vậy, bà Hương vẫn cho rằng đông dược là câu chuyện còn tiềm năng. Những cây thuốc dược liệu mang theo tiềm năng phát triển sản phẩm mới rất tốt. “Một cây dược liệu có nhiều công dụng. Vậy nên các nhà khoa học từ công thức cũ mà phát hiện ra cái mới, sẽ tạo ra thuốc mới. Nhìn chung, tương lai của OPC có con đường đi rất sáng. Các doanh nghiệp hoá dược có thể mạnh lúc này, nhưng hiện thế giới đã bỏ xa rồi”.

Nhưng hiện tại, OPC chưa có dự định sẽ đầu tư mở chuỗi nhà thuốc riêng cho mình.

Phạm Thị Xuân Hương, Tổng Giám đốc OPC. Ảnh: Châu An

“Mục tiêu cuối cùng là nắm được thị trường. Khi sản xuất mà có chuỗi phân phối thì rất lý tưởng. OPC đã nghĩ đến điều này. Liệu có thể xây chuỗi hay không? Nhưng khi cân đối các mục tiêu, nếu hiện nay làm chuỗi bán lẻ nghĩa là phải đầu tư rất lâu. Long Châu bắt đầu rất lâu và họ lỗ cũng nhiều, An Khang cũng vậy".

“Với dược OPC, chúng ta có quá nhiều mục tiêu vì còn phải sản xuất. Còn phải R&D, còn công nghệ sản xuất, đó là cốt lõi của OPC. Nếu đầu tư cho chuỗi lúc này thì quả thực nguy hiểm. Chúng tôi có thể lên chiến lược đầu tư cho chuỗi, nhưng đầu tư như vậy cũng sẽ lệch khỏi chiến lược cốt lõi”. 

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, ĐHĐCĐ thông qua phương án chia cổ tức 15% cho năm 2023 bằng tiền – mức ngang với năm 2023.

Đối với năm 2024, đại thông thông qua việc trích 15% lãi sau thuế 2024 cho quỹ đầu tư phát triển; 15% cho quỹ khen thưởng, phúc lợi; và 15% để chi trả cổ tức.

Nguồn: OPC

Trong đó, đối với quỹ đầu tư phát triển, Doanh nghiệp cho biết sẽ sử dụng để đầu tư rất nhiều dự án như Trung tâm nghiên cứu giai đoạn 2, vùng trồng, đặc biệt là đầu tư cho nhà máy sản xuất,… để mở rộng sản xuất kinh doanh nhằm phát triển Công ty.

Động lực tăng trưởng từ OTC, hướng đến ngành hàng tiêu dùng với thực phẩm chăm sóc sức khoẻ

Chia sẻ về kết quả quý 1, bà Hương không tiết lộ con số chính xác, nhưng nhận định rằng thị trường đang tiếp diễn chậm. Việc phải dừng các sản phẩm chủ lực, tìm kiếm nhà phân phối khiến Doanh nghiệp phải bỏ lỡ quý này, do đó chưa đạt kế hoạch. Tuy nhiên, theo như mục tiêu đặt ra, bà Hương tự tin rằng 6 tháng sẽ hoàn thành kế hoạch.

Thực tế, kế hoạch tăng trưởng của OPC đã nhận được ý kiến hoài nghi về tính khả thi. Về điều này, bà Hương cho biết điểm yếu của OPC là điểm phủ yếu, phần lớn bán qua kênh bán sỉ, nên không biết khách hàng ở đâu. Mặt khác, sản phẩm của OPC tồn tại lâu trên thị trường, hiện đã chịu sự cạnh tranh gay gắt ngay từ các đối thủ lớn.

“Nhưng qua khảo sát, sản phẩm của OPC cũng rất thiết yếu trong các nhà thuốc, với nhiều sản phẩm có thể bán đa kênh. Dự thảo Quốc hội về thương mại điện tử cho dược phẩm vừa qua cũng là một động lực tăng trưởng cho OPC, vì chúng tôi bán được đa kênh”.

OTC cũng là kênh được bà Hương đánh giá là một động lực tăng trưởng, và OPC sẽ tận dụng điều này thông qua việc mở rộng các vùng dược liệu đạt chuẩn. “Dù không phải thuốc chuyên khoa đặc trị, chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội này thông qua các vùng dược liệu đạt chuẩn. Khi thuốc được sử dụng trong bảo hiểm, khách hàng có thể tự tin ra các nhà thuốc OTC để mua dùng”.

“Một động lực nữa là hợp tác quốc tế. Dược liệu Việt Nam có những thế mạnh thu hút nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc. Do vậy, chúng tôi mạnh mẽ xây dựng kế hoạch mới”.

Châu An

FILI

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ Saigonres: Muốn khởi động lại việc phát hành 20 triệu cp, khi nào DXG trả hết nợ? (27/04/2024)

>   Lãi ròng AAA cao nhất kể từ năm 2019, phải thu về cho vay tăng đột biến (27/04/2024)

>   Tăng mạnh dự phòng rủi ro, HDBank vẫn tăng 47% lãi trước thuế quý 1 (27/04/2024)

>   Sacombank tăng 11% lãi trước thuế quý 1, chất lượng nợ vay cải thiện (27/04/2024)

>   Lãi ròng DGW tăng 16% trong quý 1, giảm mạnh phải trả cho các nhà cung cấp (28/04/2024)

>   ĐHĐCĐ BCG: Ông Kou Kok Yiow giữ chức Chủ tịch HĐQT (27/04/2024)

>   NCB ghi nhận tín hiệu kinh doanh tích cực trong quý 1/2024 (27/04/2024)

>   ĐHĐCĐ May Việt Tiến: Thách thức chưa dừng lại, cần xoay chuyển mô hình kinh doanh (28/04/2024)

>   ĐHĐCĐ BIDV: Phân khúc khách hàng 10 năm qua thay đổi ra sao? (27/04/2024)

>   HHV: BCTC Hợp nhất quý 1 năm 2024 (26/04/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật