Thứ Sáu, 26/04/2024 14:32

ĐHĐCĐ BAF: Đại diện IFC tham gia HĐQT, mục tiêu lãi 306 tỷ đồng

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra vào sáng ngày 26/04, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) dự báo có năm kinh doanh thuận lợi, dựa trên việc tổng đàn tăng mạnh và triển khai nhiều dự án mở rộng quy mô chăn nuôi.

BAF nhận định năm 2023, ngành chăn nuôi đối mặt nhiều khó khăn, liên quan đến dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào. Giá heo hơi đầu ra liên tục dò đáy dưới áp lực heo chạy dịch của chăn nuôi nhỏ lẻ, cùng các rủi ro heo nhập lậu.

Tuy vậy, 2023 cũng là năm BAF tăng mạnh quy mô hoạt động, trở thành một trong những doanh nghiệp chăn nuôi top đầu cả nước. Các khoản giải ngân từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cùng nhóm 3 định chế từ Hàn Quốc đã giúp Doanh nghiệp có nguồn vốn mở rộng quy mô chuồng trại. Đồng thời, lợi thế từ mô hình chăn nuôi khép kín cũng góp phần giúp Doanh nghiệp giữ được tổng đàn - điều mà Chủ tịch BAF Trương Sỹ Bá từng khẳng định là quan trọng nhất trong giai đoạn dịch bệnh.

Tính đến tháng 3/2024, tổng đàn của Doanh nghiệp đạt gần 430 ngàn con, tăng gần 87% so với cùng kỳ, tương ứng sản lượng khoảng 1 triệu heo thương phẩm mỗi năm.

Mục tiêu lãi sau thuế cao thứ 2 lịch sử

Với những lợi thế có được, ĐHĐCĐ 2024 thông qua kế hoạch kinh doanh tăng mạnh so với năm trước. Cụ thể, doanh thu mục tiêu hơn 5.5 ngàn tỷ đồng, tăng 6%; lãi sau thuế gần 306 tỷ đồng, gấp 10 lần năm trước, cũng là mức cao thứ 2 kể từ khi thành lập năm 2017. Được biết, năm kinh doanh thành công nhất của BAF là 2021 với mức lãi ròng 322 tỷ đồng.

Kết quả các năm và kế hoạch BAF năm 2024

Về sản lượng, BAF dự kiến mảng chăn nuôi có sản lượng heo bán ra năm 2024 gần 610 ngàn con (96% heo thịt, 4% heo giống), gấp 2.1 lần thực hiện năm trước. Biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi dự kiến 23%. Theo Chủ tịch BAF,

Đối với mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, doanh thu dự kiến đạt 144 tỷ đồng, lãi sau thuế ước hơn 3 tỷ đồng, chiếm 1% lợi nhuận hợp nhất. Mảng kinh doanh nông sản dự kiến doanh thu 2,000 tỷ đồng, lãi sau thuế 32 tỷ đồng, chiếm gần 11% lợi nhuận toàn công ty.

Để thực hiện kế hoạch, Doanh nghiệp định hướng tiếp tục phát triển theo hướng tập trung quy mô lớn, tăng tổng đàn, đưa các trại chăn nuôi theo mô hình hiện đại và công nghệ cao vào hoạt động. Đặc biệt, chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững. Ngoài ra, tăng cường tìm kiếm hỗ trợ của các quỹ đầu tư, ngân hàng thương mại để đầu tư con giống, cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ.

Mục tiêu của BAF đưa ra được chứng minh là có cơ sở qua kết quả quý 1. Theo BCTC hợp nhất quý 1/2024 được công bố ngay trước thềm đại hội, BAF có một quý lãi đậm. Doanh nghiệp kết quý 1 với doanh thu tăng gần 60% so với cùng kỳ, lên 1.3 ngàn tỷ đồng; lãi ròng gần 119 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ 4 tỷ đồng).

Một phần mang lại khoản lợi nhuận này là số tiền thu được từ chuyển nhượng đất. Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá cho biết, BAF có mảnh đất ở Mai Chí Thọ, diện tích gần 1,600 m2, nhằm mục đích xây dựng toà văn phòng kết hợp sử dụng và cho thuê.

“Nhưng sau khi lên đề án thiết kế, tính cả lãi suất ngân hàng, nhận ra chi phí rất cao và không hiệu quả. Trong khi đó, việc đi thuê cho chi phí tài chính tốt hơn. Mặt khác, công ty cần huy động nhiều nguồn lực để đầu tư, nên chúng tôi quyết định thanh lý khu đất này. Tiết lộ là lô này mang lại nguồn lợi khá lớn cho Công ty, lên khoảng 80 tỷ đồng lợi nhuận” – trích lời ông Sỹ Bá.

Doanh nghiệp cũng xác định mảng Food (nằm trong chuỗi 3F Feed - Farm - Food) sẽ là yếu tố cạnh tranh ở tương lai với biên lợi nhuận lớn nhất chuỗi. Mảng này sau khi giết mổ vẫn còn 60% thành phần phụ của heo không dễ bán hoặc có giá rất thấp. BAF đang nghiên cứu để tạo thành các sản phẩm chế biến, nhằm tối ưu đầu ra. 

Tiếp tục khởi công 6 trại chăn nuôi mới

Xác định thị trường cạnh tranh và nhiều biến động, BAF đặt ra chiến lược cụ thể cho năm 2024 bao gồm: mở rộng kênh phân phối, liên kết với nông dân phát triển đàn heo, đầu tư mạnh vào phát triển trang trại, củng cố nhân sự và nâng cấp hệ thống, mở cơ hội hợp tác quốc tế.

ĐHĐCĐ 2024 của BAF. Ảnh: Châu An

Đáng chú ý nhất trong kế hoạch của BAF là mảng phát triển trang trại. Theo tài liệu đại hội, năm 2024, Doanh nghiệp dự kiến đưa vào hoạt động 7 dự án trang trại, gồm 4 trại ở Tây Ninh (Tân Châu, Tâm Hưng, Hải Đăng, Tây An Khánh), 1 trại ở Phú Yên (Phú Yên 2), 1 trại ở Bình Phước (Thiên Phú Sơn), và 1 trại ở Gia Lai (Hùng Phát Farm 1).

Trong đó, cụm trại Hải Đăng (quy mô 5,000 nái và 60,000 heo thị), trại Tân Châu (30,000 heo thịt) và Tâm Hưng (5,000 heo nái) đã đi vào vận hành trong tháng 3/2024.

Đồng thời, Doanh nghiệp dự kiến khởi công thêm 7 dự án trong năm 2024, gồm 6 dự án trang trại chăn nuôi và 1 dự án nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Định. Dự kiến, tổng đàn cuối năm 2024 sẽ gấp đôi cùng kỳ, nâng lên 75,000 heo nái và 800,000 heo thịt (cuối 2023, con số tương ứng là 37,000 và 330,000).

Bên cạnh các chỉ tiêu kinh doanh, HĐQT BAF dự trình tiếp tục triển khai phương án chia cổ tức tỷ lệ 17% bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu ESOP tỷ lệ 5% và chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:47 (47.677%, tương đương cổ đông sở hữu 100 cp được mua 47 cp mới), với giá chào bán 10,000 đồng/cp.

Các phương án trên đã được ĐHĐCĐ 2023 thông qua. Theo đó, vốn điều lệ dự kiến nâng lên 2,435 tỷ đồng.

Tại đại hội, ông Trương Sỹ Bá cũng chia sẻ câu chuyện về mật độ tập trung của các trang trại chủ yếu tại miền Nam và Tây Nguyên (70%), còn lại ở miền Bắc.

“Lý do đơn giản vì điều kiện chăn nuôi và đất đai. Khu vực phía Nam và Tây Nguyên có đủ đất để xây trại lớn. Ở miền Bắc thì hẹp và nhỏ, chỉ xây được trại nhỏ hơn. Bên cạnh đó, miền Nam tuy nóng nhưng quanh năm ổn định. Chuồng của BAF cũng là chuồng kín, điều tiết nhiệt độ ở 23-26 độ C. Ngược lại, miền Bắc có nhược điểm là mùa đông rất lạnh, gió mùa về có khi giảm xuống tới dưới 10 độ C, mà quạt trong chuồng không thể điều tiết nhiệt độ thấp được”.

Về câu chuyện quy mô trang trại, ông Sỹ Bá cho biết định hướng của BAF là xây dựng các trại lớn. “Trước đây, quan niệm là càng lớn thì càng rủi ro. Nhưng thực ra, bài toán lớn, quy tụ ở mảnh đất lớn, bên cạnh trang trại còn vùng đệm lớn là để bảo toàn an toàn sinh học. Ví dụ đàn 5000 nái, mỗi con để 30 con/năm, tức mỗi năm ra được 150,000 con. Nếu xây riêng các trại khác nhau, quá trình dịch chuyển cũng có thể gây không an toàn. Với trại lớn, có thể khép kín, là điều kiện cần để đảm bảo an toàn sinh học.

Tuy vậy, các trại như thế là khá hiếm khu vực đảm bảo được điều kiện, nên cũng phải chấp nhận các trại nhỏ hơn” - theo ông Bá.

Đại diện IFC tham gia HĐQT

ĐHĐCĐ đã thông qua việc miễn nhiệm và bầu thay thế, bổ sung thành viên HĐQT. Cụ thể, 2 thành viên HĐQT là ông Bùi Quang Huy và ông Nguyễn Duy Tân được miễn nhiệm theo đơn từ nhiệm từ ngày 30/09/2023 và 26/04/2024. Do đó, BAF cần bầu bổ sung 2 thành viên, nhiệm kỳ 5 năm (2024-2029).

2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới của BAF

Người đầu tiên là ông Nguyễn Thanh Tân (sinh năm 1975, trú tại TP.HCM), trình độ Thạc sĩ. Ông Tân cũng đang là Chủ tịch HĐQT CTCP BrainMark Vietnam - một thành viên của BrainGroup, đơn vị chuyên tư vấn doanh nghiệp phát triển hệ thống quản lý, nhân sự, marketing, thương hiệu… 

Nhân vật còn lại ông Prasad Gopalan (sinh năm 1964, quốc tịch Ấn Độ). Ông Gopalan là đại diện từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) – đơn vị đang tài trợ tín dụng xanh cho BAF, hiện đang giữ chức vụ Giám đốc Toàn cầu mảng nông nghiệp & lâm nghiệp.

Chủ tịch Trương Sỹ Bá cho biết, ông Gopalan là ứng viên có kinh nghiệm, đã hoạt động tại IFC trên 30 năm. “Ông Gopalan đã thành công với nhiều thương vụ nông nghiệp trên thế giới, trong đó 1 công ty ở Trung Quốc hiện đã lên top đầu thế giới. Lúc IFC tham gia, họ còn chưa mạnh như BAF hiện nay”.

“Như vậy, có thể thấy sự góp mặt của ông sẽ mang đến kinh nghiệm, thể hiện sự tin tưởng hơn, cam kết đồng hành của IFCBAF trong thời gian tới, không chỉ riêng deal từ 2023 mà còn nhiều vòng gọi vốn tiếp theo” – ông Sỹ Bá nói thêm.

Về ông Nguyễn Thanh Tân, ông Sỹ Bá cho biết đây là ứng viên có kinh nghiệm lớn trên thương trường Việt Nam, mạnh về xây dựng văn hoá doanh nghiệp và chiến lược công ty. “Hy vọng rằng, 2 thành viên mới sẽ tạo ra làn gió mới giúp BAF phát triển trong thời gian tới”.

Phát biểu tại đại hội, ông Tân nhận định: “Cá nhân tôi quan tâm nhiều đến tài sản vô hình của BAF, là năng lực đội ngũ, hệ thống phân phối, là thương hiệu, văn hoá Công ty. Với vai trò hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, chúng tôi cam kết với tâm huyết của mình, muốn cống hiến, nỗ lực hỗ trợ BAF, mang lại giá trị tốt hơn cho khách hàng, cho cổ đông, góp phần giúp BAF định vị thương hiệu của mình” .

Châu An

FILI

Các tin tức khác

>   SJS: Giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế quý 1/2024 so với quý 1/2023 (26/04/2024)

>   QNP: Nghị quyết HĐQT về việc ký kết phụ lục hợp đồng thuê mặt bằng với CTCP Tân Cảng Quy Nhơn (26/04/2024)

>   ITA: Thông báo về ngày ĐKCC tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2024 (26/04/2024)

>   ABR: CBTT Nghị quyết HĐQT thông qua ngày ĐKCC để thực hiện quyền trả cổ tức bằng tiền (26/04/2024)

>   USC: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (26/04/2024)

>   HDB: CBTT Quyết định HĐQT về việc điều chỉnh Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 (26/04/2024)

>   CLM: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền (26/04/2024)

>   NHA: CBTT Nghị quyết HĐQT thông qua quy chế và các nội dung liên quan đến phát hành ESOP (26/04/2024)

>   DC4: CBTT Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 (26/04/2024)

>   NUE: Nghị quyết Hội đồng quản trị (26/04/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật