Quyết định trên được đưa ra sau khi Chương Dương công bố BCTC kiểm toán năm 2023. Theo đó, SCD ghi nhận doanh thu thuần hơn 126 tỷ đồng, giảm 25% so với năm trước. Áp lực các chi phí cố định đồng loạt tăng, mạnh nhất là chi phí bán hàng gần gấp đôi đạt hơn 85 tỷ đồng. Hệ quả, Công ty lỗ ròng hơn 119 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ chưa đến 49 tỷ đồng.
Kết quả trên đồng nghĩa SCD không thể hoàn thành mục tiêu 2023 là doanh thu 365 tỷ đồng và lãi trở lại gần 4 tỷ đồng để chấm dứt mạch lỗ.
Công ty cho biết đã có nhiều nỗ lực nhằm cắt giảm và tối ưu hóa chi phí. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí đầu vào tăng cao cộng với điều kiện kinh tế bên ngoài khó khăn, nhu cầu vẫn thấp hơn dự kiến khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Chi phí hoạt động cao hơn do chi phí nguyên vật liệu đầu vào từ đường tinh luyện, lon nhôm tăng, chi phí thuê đất cũng nhích lên cùng các chi phí hoạt động thuê dịch vụ bên ngoài.
Thực tế, Chương Dương kinh doanh "không lời" trong ba năm liên tiếp từ 2021-2023 với mức lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2023 gần 201 tỷ đồng và đẩy vốn chủ sở hữu âm gần 12 tỷ đồng, trong khi năm 2022 còn khoảng 107.5 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của SCD từ 2015-2023 |
|
Do thua lỗ 3 năm liền và vốn chủ sở hữu âm, cổ phiếu SCD rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc. Trước đó, mã này bị HOSE đưa vào diện kiểm soát do kết quả kinh doanh bết bát.
Phản ứng tiêu cực ước thông tin trên, giá cổ phiếu SCD giảm kịch biên độ xuống mức sàn 12,100 đồng/cp (phiên sáng 04/04). So với đầu năm, thị giá SCD đã giảm 20%, thanh khoản bình quân gần 1,500 cp/ngày.
Giá cổ phiếu SCD từ đầu năm đến nay |
|
Tại cuối năm 2023, quy mô tổng tài sản của Công ty đạt 688 tỷ đồng, tăng hơn 90 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả hơn 699 tỷ đồng, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 439 tỷ đồng, chiếm gần 2/3 nợ phải trả và gấp gần 5 lần đầu năm. Đây là khoản được SCD vay từ công ty mẹ - Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) - đang sở hữu hơn 62% vốn.
Nước giải khát Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique thuộc Tập đoàn B.G.I (Pháp). Đây là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam giai đoạn cuối thế kỷ 20. Với thế mạnh là nước giải khát có gas, trong đó tiêu thụ ổn định nhất là dòng sản phẩm sá xị, SCD từng đạt kết quả kinh doanh giai đoạn 2007-2016 ổn định với mức lợi nhuận 20-30 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều thương hiệu đồ uống tràn ngập thị trường, SCD ngày càng thất thế với công nghệ cũ từ những năm 2000. Sau khi công ty mẹ Sabeco về tay "đại gia" Thái Lan, SCD có đợt hồi sinh nhưng cơn bão dịch bệnh lại ập đến khiến Công ty thực sự suy sụp khi báo lỗ năm 2021 và chưa có dấu hiệu dừng lại.
|
Thế Mạnh
FILI