Bài cập nhật
Chủ tịch TTC Đặng Văn Thành: Sau ngủ đông, SCR sẽ thành công ty địa ốc khép kín
Sáng 23/04/2024, ĐHĐCĐ cho niên độ tài chính 2023 của TTC Land (SCR) thông qua bầu ông Nguyễn Thành Chương giữ chức Chủ tịch HĐTQ và ông Võ Thanh Lâm giữ chức Tổng Giám đốc SCR kể từ ngày 23/04/2024
Ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn TTC, phát biểu tại đại hội với tư cách cổ đông lớn: Tập đoàn nhận thấy trách nhiệm cùng các cổ đông nói chung trong việc ủng hộ và giám sát TTC Land thực hiện theo những định hướng chiến lược được đại hội thông qua.
Bất cứ ngành nghề nào cũng có chu kỳ đào thải. Năm 1997 là khủng hoảng tài chính châu Á, 2008 là khủng hoảng tài chính thế giới, 2019 là khủng hoảng về sự chuyển dịch kinh tế lớn giữa sự bất đồng hai cường quốc thế giới Mỹ - Trung Quốc. Qua đó thấy thế giới nói chung không loại trừ sự ảnh hưởng nặng nề đến Việt Nam, cộng với dịch bệnh COVID-19.
“Hiện nay, nói ra điều này tôi rất xót ra khi thấy những thương hiệu mạnh đối diện khó khăn cực kỳ về dòng tiền và thanh khoản. Gần đây các nhà đầu tư quan tâm đến cụm từ “thành phố không người ở”, từ Trung Quốc, có thể thấy phân khúc nhà ở cao cấp cung vượt cầu. Tôi thấy phân khúc này đến hết 2025 vẫn chưa tan được tảng băng. Phân khúc thấp thì cuối 2024 đến đầu 2026 sẽ sôi động trở lại bởi nhu cầu thực của hộ gia đình, người lao động”, ông Thành chia sẻ.
Chiến lược 2021-2025, Tập đoàn định hướng cho TTC Land về bộ máy lãnh đạo, chiến lược hết sức thận trọng, không được mở rộng dự án, củng cố dự án, không phát hành trái phiếu, mà phải giữ lại lợi nhuận. Có thể tạm gọi là ngủ đông.
Ông Thành cho biết thêm: “Có thể thấy kết quả những năm gần đây và 2023 cả ngành địa ốc rất khó khăn, 36 ngàn cổ đông có thể thấy những khó khăn đó và có những điều không hài lòng với kết quả báo cáo với cổ đông. Nói lên vấn đề này không phải chúng tôi bảo vệ những gì chúng tôi không làm được mà chúng ta phải đối chiếu với bối cảnh chung của ngành”.
Để thực hiện được chiến lược còn lại của 2021-2025 và tầm nhìn 2030, cần lưu ý:
Tập đoàn cùng đồng hành với cổ đông TTC Land để hỗ trợ vượt qua. Nếu quản trị tốt, minh bạch, kiểm soát trách nhiệm, điều hành chuyên nghiệp thì chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng, nếu không sẽ bị kinh tế thị trường đào thải. TTC sẽ ủng hộ công tác nhân sự, Tập đoàn sẽ rút chức Chủ tịch của bà Huỳnh Bích Ngọc tại TTC Land. Tôi giới thiệu thêm một vài thành viên từ các công ty thành viên của Tập đoàn vào SCR.
Bên cạnh đó, Tập đoàn gợi ý định hướng cho SCR là một công ty địa ốc khép kín, đầy đủ về vấn đề địa ốc nói chung; hỗ trợ gần 400 tỷ đồng thanh khoản cho SCR thông qua hoán đổi nợ với cổ phần.
Ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn TTC, phát biểu tại đại hội với tư cách cổ đông lớn - Ảnh: TM
|
Kế hoạch lãi đi ngang
Năm 2024, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, HOSE: SCR) đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 705 tỷ đồng, tăng 90% so với thực hiện 2023; lợi nhuận trước thuế đi ngang mức 16 tỷ đồng.
Do tình hình kinh doanh khó khăn, HĐQT trình và được ĐHĐCĐ thông qua không thực hiện phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ; toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 406 tỷ đồng, sẽ được bổ sung vào nguồn vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh của Công ty.
Bà Ngọc làm Chủ tịch HĐQT TTC Land từ ngày 25/04/2022. Bà cũng đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (HOSE: SBT) và Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn TTC.
|
Tại đại hội, Công ty cũng sẽ tiến hành miễn nhiệm thành viên HĐQT theo đơn từ nhiệm của các cá nhân ngày 12/04, gồm bà Huỳnh Bích Ngọc – Chủ tịch HĐQT, ông Hoàng Mạnh Tiến – Thành viên HĐQT, bà Trần Diệp Phượng Nhi – Thành viên HĐQT. Theo đó, số lượng thành viên HĐQT từ 6 còn 5 người và bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT, trong đó có 1 thành viên độc lập.
Hai ứng viên được nhóm cổ đông đề cử vào HĐQT SCR gồm ông Lê Quang Vũ (do bà Huỳnh Ngọc Bích đại diện nhóm cổ đông nắm 17.39% vốn đề cử) và ông Phạm Trung Kiên (do ông Đặng Hồng Anh do nhóm cổ đông nắm 10.11% vốn đề cử).
Ông Vũ (sinh năm 1982), trình độ kỹ sư xây dựng, từng làm việc tại Công ty Vinât, Công ty Kumho E&C, Kajima Over Seas Asia và hiện là Phó Tổng Giám đốc CTCP Khu đông nghiệp Thành Thành Công. Còn ông Kiên (sinh năm 1982), trình độ cử nhân kinh tế, hiện là chuyên gia kiểm toán nội bộ CTCP Đầu tư Thành Thành Công.
Phát hành gần 35 triệu cp để hoán đổi nợ
Cổ đông SCR cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ với số lượng hơn 34.9 triệu cp, giá trị phát hành hơn 349.3 tỷ đồng tương đương với giá trị nợ hoán đổi. Số cổ phiếu này sẽ phân phối trực tiếp cho chủ nợ theo tỷ lệ 10,000 đồng nợ đổi lấy 1 cp phát hành mới. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển đổi trong vòng 1 năm. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 – quý 1/2025. Được biết tất cả chủ nợ đều là nhà đầu tư trong nước và việc phát hành không vi phạm quy định về sở hữu chéo.
Theo đó, ba chủ nợ sẽ hoán đổi với SCR gồm CTCP Đầu tư Thành Thành Công (Tập đoàn TTC) giá trị nợ được hoán đổi 289.3 tỷ đồng, ứng với số cổ phiếu được hoán đổi là 28.9 triệu; CTCP Khu công nghiệp Thành Thành Công hoán đổi 54.2 tỷ đồng nợ, ứng với 5.4 triệu cp; CTCP Thành Thành Nam hoán đổi 5.7 tỷ đồng nợ, ứng với gần 569 ngàn cp. Qua phát hành, ba chủ nợ này sẽ nắm lần lượt 22.7%, 1.26%, 0.13% vốn SCR.
Tại các dự án, Công ty tập trung bán hàng và nghiên cứu các chiến lược kinh doanh các dự án trọng điểm như : TTC Plaza Đà Nẵng, Panomax River Villas, Selavia Phú Quốc…
Đối với BĐS khu công nghiệp, SCR nhận thấy phân khúc này và hậu cần trở nên vượt trội hơn hầu hết loại tài sản khác, nhờ vào sự phát triển của ngành sản xuất và xuất khẩu, thương mại điện tử, vận tải và kho bãi kể từ năm 2018. Nhiều doanh nghiệp đang quan tâm tới Việt Nam như một điểm đến mới cho việc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á và dự báo thị trường BĐS công nghiệp sẽ tăng trưởng ít nhất 2 lần trong 10 năm.
Tỷ lệ hấp thụ nhà xưởng xây sẵn được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhờ thị trường hưởng lợi từ việc dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhu cầu thuê kho sẽ tiếp tục được duy trì bởi tiêu dùng trong nước, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam và sự tăng trưởng của thị trường logistics và thương mại điện tử. Như vậy theo định hướng chiến lược trên, BĐS công Nghiệp và BĐS kho vận sẽ là sự cộng hưởng để TTC Land tiếp tục mở rộng phát triển.
Trước tình hình chung thị trường BĐS vẫn còn khó khăn, công tác bán hàng của công ty vẫn chưa đạt như kế hoạch đặt ra. Năm 2023, SCR đạt doanh thu hơn 371 tỷ đồng, giảm 58% so với năm trước và hoàn thành được 69% kế hoạch. Lợi nhuận ròng 9 tỷ đồng, giảm 83%.
Thảo luận:
Năm qua, SCR hợp tác với Aeon Mall để phát triển dự án ở TTC Plaza Đà Nẵng, ban lãnh đạo chia sẻ tiến độ?
Dự kiến tháng 6 năm nay sẽ ký hợp đồng với Aeon Mall, cuối 2025 sẽ đưa vào hoạt động.
Ban lãnh đạo chia sẻ về BĐS khu công nghiệp và kho vận?
Chiến lược của SCR tới 2030 hướng tới hoạt động khép kín, trong hệ thống Tập đoàn TTC thì BĐS khu công nghiệp có 1.3 ha và kho vận có 700 ngàn m2 sàn, đến năm 2025 là đạt 2 ngàn ha đất KCN, năm 2025-2026 là đạt 1 triệu m2 sàn kho vận.
Làm BĐS khu công nghiệp sẽ đi kèm tái định cư cho dân, do đó có phần BĐS dân dụng, phù hợp với chiến lược của SCR. Trọng tâm của SCR là khu vực miền Nam trong giai đoạn đến 2030.
Thời gian tới, gần nhất 2024, Công ty sẽ triển khai xây dựng, bán hàng dự án nào để mang lại lợi nhuận?
Hiện đã triển khai dự án để bán hàng trong năm nay gồm văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại tại Đà Nẵng. Năm 2024, triển khai bán hàng Panomax River Villas, dự án Selavia Phú Quốc, hoàn thiện pháp lý dự án ở TPHCM.
Năm nay có chia cổ tức không?
Trong hơn 3 năm qua, ngành BĐS Việt Nam vướng nhiều vấn đề về pháp lý, tâm lý thị trường nên SCR cũng nằm trong tình hình chung, thời gian rồi chỉ tập trung ổn định, giữ lại nội lực để chuẩn bị khi thị trường quay trở lại công ty có đủ lực bứt phá. Năm nay, HĐQT trình đại hội không chia cổ tức để chuẩn bị nguồn lực cho kế hoạch 2024 và các năm tiếp theo.
Báo cáo chiến lược của Công ty cần nghĩ tới uy tín, tiếng tăm thương hiệu TTC Land như thế nào để thị giá cổ phiếu đừng đi lùi, định hướng ra sao để nhà đầu tư yên tâm?
Chủ tịch TTC: Bà xã tôi (Huỳnh Bích Ngọc) rút về để tập trung quản lý Tập đoàn TTC. Việc cổ phiếu giảm là trong bối cảnh chung của thị trường. Bản thân tôi cũng phần nhắc nhở ban lãnh đạo SCR về trách nhiệm với 36 ngàn cổ đông trong đó có cả tôi. Chúng ta cần chấp nhận khó khăn hiện tại để có thể đi đường dài, tôi kỳ vọng cuối năm nay và đầu năm sau tình hình thị trường BĐS sẽ khởi sắc trở lại, trong đó dự án ở Đà Nẵng sẽ bán hàng năm nay. Năm 2025 chúng ta sẽ thấy bảng cân đối của SCR sẽ thay đổi 180 độ, và việc SCR hướng tới khép kín (về BĐS khu công nghiệp, kho bãi và thương mại) cũng sẽ tạo thay đổi lớn.
Tân Chủ tịch SCR chia sẻ 2024 được dự báo là năm bản lề của TTC Land khi các nút thắt về pháp lý đã dần được tháo gỡ với việc Luật nhà ở (sửa đổi), Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua. Điều này sẽ tạo ra hành lang pháp lỹ rõ ràng cho các chủ đầu tư có hồ sơ pháp lý và năng lực tốt có thể triển khai dự án. Ngoài ra, 2024 cũng được dự đoán là một năm khởi sắc hơn cho kinh tế thế giới cũng như Việt Nam khi các Ngân hàng trung ương ở các nước phát triển và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có nhiều dư địa giảm lãi suất sau một thời gian duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Đó là những yếu tố thuận lợi mà Ban lãnh đạo TTC Land đã xác định, coi đó là cơ hội để chuẩn bị cho một cuộc bứt phá cho chu kỳ thịnh vượng tiếp theo của ngành BĐS.
Năm nay SCR tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý tại các dự án còn dang dở. Nếu có cơ hội thuận lợi, SCR sẽ ưu tiên tìm giải pháp để mở rộng phát triển chuỗi giá trị khép kín bao gồm BĐS dân dụng, BĐS công nghiệp và BĐS kho vận tại khu vực thị trường phía Nam.
Từ trái sang: ông Lê Quang Vũ, ông Nguyễn Thành Chương, ông Đặng Văn Thành, bà Huỳnh Bích Ngọc, ông Võ Thanh Lâm, ông Võ Quốc Khánh
|
Thu Minh
FILI
|