Bài cập nhật
Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh: Tôi không liên quan đến bà Trương Mỹ Lan
Sáng ngày 26/04, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, phương án phân phối lợi nhuận và bầu thêm 1 thành viên BKS.
Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh
|
Ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT chia sẻ tại Đại hội: “Tôi là cổ đông lớn nhất của Sacombank, những tin đồn ảnh hưởng đến tôi cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của Sacombank và cổ đông.
Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan và các vụ việc của bà Trương Mỹ Lan, vụ việc của bà đã có cáo trạng truy tố. Đây là tin đồn ông Thắng Đặng viết trên facebook.
Nguyên nhân của vấn đề này là do khi Sacombank cho Bamboo Airways vay tiền, tôi phải làm cố vấn cho khoản tín dụng của Bamboo Airways không mất vốn. Khi đó, ông Thắng có đòi 200 tỷ đồng cho cá nhân, nhưng sau đó gia đình ông Quyết đã cho ông Thắng nghỉ trước khi nhà đầu tư mới vào. Tôi có đề nghị ông Thắng làm việc với đối tác mới.
Nếu có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan cũng như Vạn Thịnh Phát, tôi không bao giờ ngồi đây được. Tôi đảm bảo với quý vị, trong mọi trường hợp tôi đều hướng về ngân hàng, vì ngân hàng.”
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Sacombank được tổ chức sáng ngày 26/04/2024.
|
TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI
Quang cảnh trước Đại hội
|
Cổ đông làm thủ tục tham dự Đại hội
|
Điểm cuối của hành trình tái cơ cấu
Năm 2023, Sacombank đạt được 9,595 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 51% so với năm trước và hoàn thành kế hoạch đặt ra. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2.1%, tăng 1.18% so với đầu năm, trong bối cảnh rủi ro tín dụng gia tăng và khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng nhìn chung vẫn được kiểm soát khi tỷ lệ nợ xấu tổng thể giảm 0.16%.
Về công tác xử lý nợ xấu, năm 2023, Sacombank thu hồi xử lý 7,941 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó 4,487 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, kéo giảm tỷ trọng trong tổng tài sản xuống còn 3%. Trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định, tổng số dư dự phòng đạt 25,099 tỷ đồng, tăng hơn 10%, trong đó dự phòng cho vay tăng 34%.
Kế hoạch lãi trước thuế 2024 đạt 10,600 tỷ đồng, tăng 10%
Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ yếu tố vĩ mô vẫn còn hiện hữu. Tuy nhiên, khi nội lực đã được tích lũy, ở điểm cuối của hành trình tái cơ cấu tại Sacombank đã rất cận kề, Sacombank sẽ tiếp tục tăng lực để khép lại trọn vẹn lộ trình tái cơ cấu thành công và bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều mục tiêu cao hơn. Sacombank đặt mục tiêu trọng tâm cho năm mới:
(1) Gia tăng quy mô và hiệu quả tất cả các đơn vị trên toàn hệ thống, bảo đảm hệ thống hoạt động an toàn, hiệu quả.
(2) Đột phá trong kinh doanh, xây dựng và hoàn thiện các điểm giao dịch số.
(3) Tiếp tục công tác chuyển đổi số, gia tăng tiện ích sản phẩm dịch vụ mang đến trải nghiệm và bảo mật khách hàng.
(4) Giảm tỷ lệ nợ xấu tổng thể dưới 3%, hoàn thành và chấm dứt Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập.
(5) Thực hiện các thủ tục chia cổ tức cho cổ đông từ nguồn lợi nhuận giữ lại nhằm tăng năng lực tài chính đưa Sacombank là 1 trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu.
Sacombank cho biết tự tin xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng nhằm hoàn tất tái cơ cấu trước thời hạn, do đó đặt ra các mục tiêu tăng trưởng so với năm 2023. Tổng tài sản đặt ra đến cuối năm 2024 đạt 724,100 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tổng nguồn vốn huy động đạt 636,600 tỷ đồng, tăng 10%.
Tổng dư nợ tín dụng đạt 535,800 tỷ đồng, tăng 11% và sẽ điều chỉnh theo mục tiêu tăng trưởng huy động và cho vay phù hợp với hạn mức được Ngân hàng Nhà nước phân bổ. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Lợi nhuận trước thuế đặt ra cho năm 2024 là 10,600 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả năm 2023.
Nguồn: VietstockFinance
|
Lợi nhuận giữ lại lũy kế 18,387 tỷ đồng
Về phương án phân phối lợi nhuận, Sacombank có 7,469 tỷ đồng lợi nhuận sử dụng để phân phối. Sau khi trích lập các quỹ, Ngân hàng còn 5,716 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất sau thuế. Cộng với gần 12,671 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại năm trước, Sacombank có 18,387 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế.
Trong năm 2023, mặc dù kết quả thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận trước thế đạt 9,595 tỷ đồng, đạt 101% so với kế hoạch đề ra, tuy nhiên HĐQT thống nhất thực hành tiết kiệm, vì vậy thù lao thực chi cho HĐQT, BKS trong năm 2023 chỉ chiếm 0.71% lợi nhuận trước thuế hợp nhất của năm tài chính 2023, thấp hơn 0.29% so với mức trích đã được phê duyệt.
Năm 2024, HĐQT dự trình thù lao của HĐQT và BKS là 1% lợi nhuận trước thuế hợp nhất.
ĐHĐCĐ lần này, Sacombank cũng dự trình bầu bổ sung thêm 1 thành viên BKS, nâng tổng số lượng thành viên BKS nhiệm kỳ 2022-2026 lên 5 thành viên.
Tổng Giám đốc Sacombank - bà Nguyễn Đức Thạch Diễm
|
Thảo luận:
Định hướng tăng trưởng tín dụng? Cho vay bất động sản tỷ lệ bao nhiêu?
Tổng dư nợ gần 500,000 tỷ, trong đó khoảng 100,000 tỷ là dư nợ bất động sản, trong đó bất động sản tiêu dùng cá nhân chiếm 60%.
Định hướng tăng trưởng tín dụng 2024, tập trung lĩnh vực xanh, nông nghiệp, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, xuất nhập khẩu, lĩnh vực ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. STB không cho vay và không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Vì sao chưa chia cổ tức?
Ông Dương Công Minh: Nếu như hoàn được vốn điều lệ và nợ xấu giảm xuống dưới 3% thì khi đó mới đủ điều kiện chia cổ tức. Sacombank sẽ hoàn thành trong năm nay.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Vấn đề cuối cùng để chia cổ tức là phải đấu giá 32% cổ phiếu của ông Trầm Bê. Trong báo cáo giữ lại 18,000 tỷ, cũng tương đương vốn điều lệ. Nội lực tài chính để năm sau chia là cũng chắc chắn.
Sau khi tái cơ cấu, có kêu gọi đối tác chiến lược không?
Hiện nay room 30% ngoại đã hết rồi. Nếu tái cơ cấu thành công sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu, sau đó tăng vốn điều lệ và kêu gọi cổ đông chiến lược.
Dư nợ cơ cấu theo Thông tư 02?
5,055 tỷ, chỉ chiếm 0.98% tổng dư nợ. STB đã trích dự phòng đúng quy định.
Tín dụng quý 1?
Quý 1 đã tăng cho vay 3.7%, dự kiến thời gian tới sẽ làm việc với NHNN để có room tín dụng phù hợp.
Vì sao kế hoạch lợi nhuận 2024 quá thấp?
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Phó Chủ tịch HĐQT thường trực kiêm Tổng Giám đốc: Chiến lược của STB là phát triển an toàn, bền vững. Kế hoạch xây dựng trên vấn đề thận trọng trên dự báo vốn vay thấp, tín dụng toàn ngành quý 1 chỉ tăng 0.26%, rủi ro nợ xấu cũng tăng, do đó định hướng của STB là đồng hành khách hàng để cung ứng vốn ra thị trường.
Đồng thời, STB cũng tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro, dự kiến trích 4,300 tỷ đồng trong năm 2024.
Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập?
Đã trình NHNN sau 6 tháng, do có nhiều lý do khách quan nên cần thời gian nghiên cứu. Về cơ bản, NHNN đã đồng ý phương án tái cơ cấu của STB, chắc chắn trong năm nay cũng sẽ được phê duyệt. Chúng tôi sẽ đấu giá công khai cổ phiếu của STB.
Khu công nghiệp Phong Phú?
Hiện đã thu nợ 20% trên tổng số tiền đấu giá được. Khu hợp phức công nghệ có những phần chưa đền bù, chưa hoàn thiện, nên việc đấu giá hiện trạng khoản nợ cần thời gian để bên mua nợ có lộ trình thanh lý. Phần còn lại STB sẽ cho khách hàng thời gian hoàn trả trong 2 năm.
Khoản nợ của Phong Phú đã trúng đấu giá thành công.
Khoản nợ của Bamboo Airways có đảm bảo không?
Dư nợ của Bamboo Airways hiện nay là còn 3,583 tỷ đồng. Đối với Bamboo Airways, STB là ngân hàng cho vay vốn, khoản nợ này nằm trong nhóm 1. Đối với việc tái cấu trúc cổ đông, trước đây khoản nợ này được đảm bảo bằng cổ phiếu.
Sau khi nhóm cổ đông mới vào, STB có khuyến nghị đưa bất động sản làm tài sản đảm bảo.
Hiện, khoản nợ của Bamboo Airways được đảm bảo 100% là bất động sản và cổ phiếu. Tài sản có thanh khoản cao.
Dư nợ của CTCP LDG là bao nhiêu?
LDG đang có dư nợ tại STB thuộc nhóm 1, có 689 tỷ đồng.
Vì sao chi phí huy động vốn tăng đột biến?
Trong suốt thời gian tái cơ cấu sau sáp nhập, có nhiều thông tin định chế trong và ngoài nước chưa có xác thực, do đó gần như STB không có huy động vốn từ nước ngoài nhiều, chủ yếu từ dân cư, từ thị tường 1, có tính phân tán cao, chiếm 82%. Do đó, chi phí huy động vốn cao hơn nhưng mang tính ổn định. STB có bước đi thận trọng, do đó chi phí vốn cao hơn cũng phù hợp.
Vì sao không chia cổ tức?
Ông Dương Công Minh: Theo quy định pháp luật phải hoàn được vốn điều lệ, mới tái cơ cấu thành công. Chúng tôi đã xử lý xong khu công nghiệp Phong Phú, đã bán khoản nợ, họ đã thanh toán 1 nửa số tiền mua nợ.
Hiện nay, quan trọng là hoàn vốn điều lệ, thứ hai là xử lý nợ xấu. Số nợ liên quan ông Trầm Bê phải chờ Chính phủ cho phép, chắc chắn trong năm nay sẽ hoàn thành việc này.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Sacombank đang thực hiện Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, còn vướng mắc cuối cùng liên quan đến phương án xử lý cổ phiếu ông Trầm Bê. Sacombank đã trình NHNN phương án chi tiết và đang chờ phê duyệt. Nguồn lực để chia cổ tức đã sẵn sàng với lợi nhuận chưa phân phối đã lên đến gần 18,400 tỷ đồng, tương đương gần 100% vốn điều lệ và sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Do đó, quyền lợi của cổ đông vẫn được đảm bảo.
HĐQT rất thấu hiểu mong muốn của cổ đông và đang rất nỗ lực làm việc với NHNN để được chia cổ tức. Mặc dù chưa được chia cổ tức, nhưng thị giá của Sacombank đã tăng trưởng khá mạnh trong thời gian qua cũng phần nào bù đắp cho cổ đông.
Tại sao HĐQT và BKS, thù lao phải là 1% lợi nhuận?
Thông thường các TCTD đều như vậy, chúng tôi thường chỉ sừ dụng 0.7%. Vì ngân hàng tái cơ cấu nên hoạt động của HĐQT phải chuyên nghiệp mới giải quyết được vấn đề.
Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.
Cát Lam
FILI
|