Chủ tịch Bùi Thị Thanh Hương: NCB dự kiến hoàn tất tăng vốn lên 11,802 tỷ đồng vào cuối quý 4/2024
Sáng 13/04, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB, HNX: NVB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Tại Đại hội, những nội dung được cổ đông quan tâm nhất là việc triển khai phát hành cổ phiếu riêng lẻ cũng như phương án cơ cấu lại ngân hàng giai đoạn 2023-2025.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của NCB tổ chức sáng 13/04 tại Hà Nội
|
Dự kiến cuối 2024 hoàn tất tăng vốn lên 11,802 tỷ đồng
Năm 2024, NCB sẽ tiếp tục triển khai phương án phát hành 620 triệu cp riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm 6,200 tỷ đồng. Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5,602 tỷ đồng lên 11,802 tỷ đồng
Bà Bùi Thị Thanh Hương - Chủ tịch HĐQT NCB cho biết, đây không phải là phương án mới mà đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 thông qua và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận. Thời điểm hiện tại, NCB vẫn phải tiếp tục thực hiện một loạt thủ tục pháp lý để có thể thực thi được phương án tăng vốn này. "Theo lộ trình xây dựng, phải tới cuối quý 4/2024, NCB mới hoàn tất việc thu hút vốn và tăng vốn điều lệ thêm 6,200 tỷ đồng", bà Hương nói.
Liên quan đến mức giá chào bán dự kiến 10,000 đồng/cp có thấp hơn giá trị thực hay không, lãnh đạo nhà băng này chia sẻ mức giá này đã cao hơn giá trị sổ sách của NCB tại thời điểm ngày 31/12/2023 là 9,000 đồng/cp. Vì vậy, mọi quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ hoàn toàn được bảo vệ, thậm chí tốt hơn.
Chủ tịch NCB khẳng định: "Chúng tôi cam kết với cổ đông là chắc chắn cổ đông thiểu số luôn luôn được bảo vệ đầu tiên".
Chủ tịch HĐQT NCB Bùi Thị Thanh Hương phát biểu tại Đại hội
|
Với số tiền thu về từ đợt chào bán, bà Hương cho biết NCB dự kiến chi khoảng 300 tỷ đồng cho hoạt động công nghệ; dành 300 tỷ đồng để triển khai nâng cao giá trị thương hiệu và thay đổi bộ nhận diện thương hiệu NCB (nếu có);
Phần còn lại dùng hoàn toàn để nâng cao năng lực kinh doanh của Ngân hàng. Cụ thể, tăng khả năng chịu đựng về tài chính, nâng cao vốn điều lệ để giúp cho NCB có thể đảm bảo hoạt động lành mạnh, hiệu quả. Đồng thời, đáp ứng bộ chỉ tiêu, các quy định pháp luật từng thời kỳ của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là NHNN Việt Nam.
Về lý do lựa chọn phát hành riêng lẻ thay vì phát hành cho cổ đông hiện hữu, lãnh đạo Ngân hàng lý giải rằng quy định phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu rất khắt khe và NCB không đáp ứng được yêu cầu. Thời điểm hiện tại, Ngân hàng vẫn đang tiếp tục đi tìm cổ đông riêng lẻ, những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có khả năng quản trị.
Dùng toàn bộ nguồn thu để thực hiện phương án cơ cấu lại
Theo lãnh đạo NCB, tăng trưởng tín dụng chậm là một trong những nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh 2023 của Ngân hàng không đạt kỳ vọng. Do đó, HĐQT đề xuất không thực hiện phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ năm 2023.
Về các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, NCB đặt mục tiêu tăng trưởng cho vay khách hàng ở mức 16.27%, đạt 64,344 tỷ đồng. Huy động khách hàng dự kiến tăng 7.51% lên 86,050 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 10% lên 105,892 tỷ đồng; quy mô khách hàng tăng 15% từ 1 triệu lên 1.15 triệu khách.
NCB không đưa ra con số lợi nhuận kế hoạch cụ thể mà cam kết dùng toàn bộ nguồn thu để thực hiện nghĩa vụ theo phương án cơ cấu lại.
Chủ tịch Bùi Thị Thanh Hương phân trần, năm 2024 NCB dự kiến tiếp tục không có lợi nhuận. Trong đề án trình NHNN, nhanh nhất đến năm 2028 mới xử lý hết toàn bộ những vấn đề tồn đọng và chậm nhất là năm 2030. Nếu thị trường tiếp tục có những cú sốc về kinh tế ngoài dự báo thì thời gian xử lý có thể kéo dài thêm vài năm.
Đánh giá về mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024, ông Tạ Kiều Hưng - Tổng Giám đốc NCB cho biết, nhìn về mặt tương đối tốc độ tăng trưởng 16% là cao nhưng xét về tuyệt đối tốc độ này so với nhu cầu hấp thụ của thị trường là không cao.
"Trong con số cho vay tăng thêm 9,000 tỷ đồng, NCB sẽ dành trên 50% tập trung hỗ trợ vốn cho các chủ đầu tư để phát triển các dự án mới, khoảng 50% còn lại tập trung vào nhóm người nhu cầu mua nhà, trang bị tài sản cho cuộc sống. Ngoài ra, chúng tôi cũng phát triển các mảng liên quan đến nhà thầu, các đơn vị thi công cho các dự án có vốn của nhà nước", CEO NCB thông tin thêm.
"Tiến công" vào lãnh địa quản lý gia sản
Chia sẻ về mô hình kinh doanh “Digital Wealth” - sự kết hợp giữa quản lý gia sản và dịch vụ hỗn hợp số”, CEO Tạ Kiều Hưng cho rằng đây là chiến lược mới được NCB lựa chọn triển khai cho 5 năm từ 2023-2028 và sẽ triển khai thực thi mạnh mẽ trong năm 2024 song song với chiến lược chuyển đổi số. Dự kiến cuối 2024, NCB sẽ cho ra mắt giải pháp quản lý gia sản hỗn hợp số đầu tiên.
Theo ông Hưng, NCB lựa chọn lĩnh vực này vì nhìn thấy được tiềm năng rất lớn từ thị trường, cùng với nhu cầu thiết thực, tính cạnh tranh chưa thực sự cao. Kết hợp nội tại của Ngân hàng cùng sự hỗ trợ của đối tác, đây là lựa chọn tốt nhất, phù hợp với NCB trong thời gian tới.
"Theo lộ trình dự kiến cuối năm 2024, sản phẩm đầu tiên về quản lý gia sản của NCB sẽ được chính thức bước ra thị trường và bước vào giai đoạn chạy thử nghiệm từ 2-3 tháng để hệ thống có thể chạy tốt. Tầm giữa năm 2025, chúng ta sẽ bắt đầu phát triển mạnh, thu hút khách hàng cũng như đưa thêm các tính năng vào trong các sản phẩm của NCB liên quan đến quản lý gia sản", ông Hưng thông tin thêm.
Thế Mạnh
FILI
|