Các tỉ phú bán lẻ giá rẻ ở châu Á phất lên trong thời kỳ lạm phát
Khối tài sản của các tỉ phú sở hữu các chuỗi bán hàng giá rẻ ở châu Á tăng thêm nhiều tỉ đô la Mỹ khi khách hàng đổ xô đến cửa hàng của họ trong thời kỳ lạm phát. Với nhu cầu tăng vọt, họ đang mở rộng hoạt động kinh doanh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong khu vực.
Tài sản của tỉ phú Radhakishan Damani, người sáng lập Avenue Supermarts, công ty vận hành chuỗi siêu thị giá rẻ DMart ở Ấn Độ tăng hơn 30% trong năm qua. Ảnh: Linkedln
|
Tại Ấn Độ, với khối tài sản trị giá 22 tỉ đô la, “ông vua bán lẻ” Radhakishan Damani, người sáng lập Avenue Supermarts, công ty vận hành chuỗi siêu thị giá rẻ DMart hiện là một trong những tỉ phú giàu nhất trong ngành. Tháng trước, tại Nhật Bản, thành công của thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Trial Holdings (quản lý 280 cửa hàng bán lẻ thực phẩm) đã đưa Hisao Nagata, người sáng lập công ty này trở thành tỉ phú.
Tại Trung Quốc, tài sản của Ye Guofu, người sáng lập kiêm CEO của Miniso Group Holding, sở hữu chuỗi chuỗi cửa hàng bách hóa giá rẻ, tăng gấp 4 lần kể từ mức thấp vào năm 2022. Miniso có mạng lưới hơn 5.500 cửa hàng ở hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong khi đó ở Hàn Quốc, một gia tộc ít được biết đến, kinh doanh trong ngành bán lẻ, đã leo lên hàng ngũ những người siêu giàu. Cụ thể, công ty Asung Daiso được Park Jung-boo thành lập cách đây hơn ba thập niên, đã phát triển thành một trong những công ty bán hàng giá rẻ hàng đầu đất nước, với hơn 1.500 cửa hàng.
Tháng 12 năm ngoái, Park và gia đình của ông đã mua lại cổ phần mà họ đã bán cách đây nhiều năm, dựa trên mức định giá của Asung Daiso là khoảng 1,1 tỉ đô la. Hiện tại, gia đình của Park Jung-boo nắm khối tài sản hơn 700 triệu đô la, theo Chỉ số tỉ phú Bloomberg.
“Trong thời kỳ lạm phát, nhu cầu mua sắm tại các cửa hàng giảm giá sẽ tiếp tục tăng. Ở Hàn Quốc, nhu cầu này thậm chì còn mạnh mẽ hơn do nền kinh tế đối mặt rủi ro độ tăng trưởng chậm lại”, Park Sang-hyun, chuyên gia kinh tế của HI Investment & Securities ở Seoul nhận định
Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, các cửa hàng tạp hóa, bao gồm cả các nhà bán lẻ đồng giá, chứng kiến doanh thu tăng 5,1% lên 224,7 tỉ đô la Mỹ trên toàn cầu vào năm ngoái, sau mức tăng trưởng 2,3% trong năm 2022. Ở Hàn Quốc, lạm phát đang bào mòn tiền lương và các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra các biện pháp khuyến khích các nhà bán lẻ giảm giá bán.
Tài sản của Ye Guofu, người sáng lập Miniso Group (Trung Quốc), tăng gấp 4 lần kể từ năm 2022, lên mức hơn 4 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Bloomberg
|
Trên khắp châu Á, lạm phát cũng đang giúp các tỉ phú bán hàng giá rẻ giàu thêm. Tài sản của tỉ phú Radhakishan Damani ở Ấn Độ tăng hơn 30% trong năm qua nhờ cổ phiếu của Avenue Supermarts tăng giá mạnh mẽ. Ye Guofu, ông chủ của Miniso Group ở Trung Quốc và Takao Yasuda, người đứng sau chuỗi cửa hàng giá rẻ Don Quijote đều đang nắm giữ khối tài sản có trị giá 4 tỉ đô la trở lên. Trong khi đó, mức tăng giá 50% của cổ phiếu Trial Holdings kể từ khi niêm yết 4 tuần trước đã mang lại cho người sáng lập Hisao Nagata khối tài sản 1,3 tỉ đô la.
Trước khi khởi nghiệp ở ngành bán lẻ, Park Jung-boo, người sáng lập Asung Daiso, đã làm việc 15 năm tại một công ty sản xuất bóng đèn ở Seoul. Sau đó, ông bắt đầu xuất khẩu các mặt hàng gia dụng giá rẻ tới các chuỗi cửa hàng đồng giá ở Nhật Bản, bao gồm cả Daiso Industries. Nhưng ông nhanh chóng nhận ra, ông có thể bán sản phẩm mà không cần thông qua các trung gian. Vì vậy, ông đã thành lập Asung Daiso vào năm 1992.
Bất chấp lạm phát gia tăng cao, Asung Daiso vẫn có thể giữ giá bán ổn định. Các cửa hàng của Asung Daiso bán các nhóm hàng hóa có giá 500 won (0,36 đô la), 1.000 won, 1.500 won, 2.000 won, 3.000 won hoặc 5.000 won (3,6 đô la). Công ty ghi nhận doanh thu tăng 17% lên 3,5 nghìn tỉ won vào năm ngoái, trong khi lợi nhuận tăng 27% lên 250,5 tỉ won.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong phân khúc bán lẻ hàng giá rẻ đang gia tăng. Sự trỗi dậy của các nền tảng thương mại điện tử bán hàng giá rẻ của Trung Quốc như Temu của PDD Holdings và AliExpress của Alibaba Group khiến các cửa hàng đồng giá nổi tiếng ở Mỹ chịu áp lực. Các nhà bán lẻ giá rẻ ở Mỹ bao gồm 99 Cents Only Stores, Family Dollar Stores and Dollar Tree đã phải đóng cửa nhiều cửa hàng. Temu và AliExpress cũng đang xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Hàn Quốc.
Dù vậy, Park Ju-gun, người đứng đầu Công ty nghiên cứu doanh nghiệp Leaders Index ở Seoul cho biết, nhu cầu đối với các sản phẩm của Asung Daiso vẫn mạnh mẽ. Bởi lẽ người tiêu dùng Hàn Quốc tiếp tục ưu tiên các mặt hàng đáng giá và dễ mua trong các điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, đặc biệt là lạm phát đang có dấu hiệu tăng tốc trở lại.
Lê Linh(Theo Bloomberg)
TBKTSG
|