Các nền kinh tế mới nổi và phát triển thận trọng trước đồng USD tăng giá
Trước sức mạnh của đồng USD, ngay cả các nền kinh tế có quy mô như Australia, Canada và EU cũng chứng kiến đồng nội tệ suy yếu với tốc độ mất giá lần lượt là 4,4%, 3,3% và 2,8% từ đầu năm nay.
Đồng USD. (Ảnh: THX/TTXVN)
|
Các quốc gia trên toàn cầu đang ngày càng thận trọng trước sức mạnh của đồng USD.
Một số thị trường mới nổi, như Indonesia đã bắt đầu hành động để bảo vệ đồng nội tệ trước khả năng “cơn sốc” lạm phát mới có thể tràn vào nước này, gây cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế thông qua giá hàng nhập khẩu cao hơn.
Đồng tiền của các nước thuộc Nhóm Các Nền Kinh tế Phát triển và Mới nổi Hàng đầu Thế giới (G20) hầu hết đều đang mất giá so với đồng USD.
Tác động tiêu cực từ sự thống trị của đồng USD đối với nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ trở thành một trong những chủ đề chính tại Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20, khai mạc ngày 17/4 tại Washington (Mỹ).
Trong số các nền kinh tế thuộc G20, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ chứng kiến sự mất giá nhiều nhất, với tỷ lệ là 8,8% kể từ đầu năm nay.
Tiếp theo là đồng yen của Nhật Bản, với tỷ lệ giảm là 8% và đồng won của Hàn Quốc mất giá 5,5% so với đồng USD.
Ngay cả các nền kinh tế có quy mô xuất khẩu lớn và phát triển của thế giới là Australia, Canada và khối Liên minh châu Âu (EU) cũng chứng kiến sự suy yếu của đồng nội tệ, với tốc độ mất giá lần lượt là 4,4%, 3,3% và 2,8%.
Vì sao đồng USD trở nên mạnh hơn?
Theo lý giải của các chuyên gia kinh tế, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa vội cắt giảm lãi suất đã trở thành nguyên nhân mới nhất đẩy giá trị của đồng USD tăng lên. Các thị trường phần lớn tin rằng Fed sẽ bắt đầu đảo chiều lãi suất từ tháng Sáu tới.
Nhưng dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 3/2024 tăng 0,4%, cao hơn so với mức dự báo 0,3% được đưa ra trước đó, đã trở thành yếu tố dập tắt kỳ vọng của các thị trường về việc Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất, gây ra những biến động lớn trên thị trường tài chính.
Sau khi Bộ Lao Động Mỹ công bố số liệu CPI vào tuần trước, các loại tiền tệ phổ biến như đồng yen, đồng euro đồng loạt giảm giá so với đồng USD.
Việc đồng USD mạnh lên sẽ gây ảnh hưởng lớn tới các nền kinh tế, đặc biệt là tại các nền kinh tế mới nổi và mang nặng nợ nước ngoài.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khi đồng USD tăng giá 10% trên thị trường tiền tệ thì Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) thực tế tại các nền kinh tế mới nổi sẽ giảm 1,9% sau một năm và các tác động kinh tế bất lợi sẽ kéo dài hơn hai năm.
Trong năm 2022, khi đồng USD mạnh lên đáng kể, Sri Lanka đã rơi vào tình trạng vỡ nợ do đồng tiền của nước này mất giá nghiêm trọng.
Một số quốc gia bắt đầu hành động.
Ngày 1/4, Ngân hàng Trung ương Brazil lần đầu tiên đã can thiệp vào thị trường ngoại hối, kể từ khi Tổng thống Luiz da Silva nhậm chức.
Mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Trung ương nước này không giải thích rõ ý định của họ, nhưng các nhà quan sát tin rằng mục đích là để điều chỉnh sự mất giá của đồng real.
Đồng tiền mệnh giá 1 USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Tương tự, các phương tiện truyền thông Indonesia đưa tin Ngân hàng Trung ương đã quyết định sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ trong tháng này.
Mục tiêu là điều chỉnh mức giá của đồng rupiah đang ở ngưỡng thấp nhất trong bốn năm, hiện nằm dưới mức mốc quan trọng là 16.000 rupiah đổi ngang 1 USD.
Theo hãng tin Reuters (Anh), Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Perry Warjiyo cuối tháng 1/2024 thông báo rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ quốc gia đã thực hiện các bước can thiệp nhằm kiểm tra sự mất giá của đồng tiền nội tệ. Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn chưa phát huy hết hiệu quả.
Trong tháng Ba, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo tăng lãi suất chính sách từ 45% lên 50% để đối phó với sự mất giá của đồng lira và lạm phát gia tăng.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines, Eli Remolona, đã phát biểu rằng: “Chúng tôi đang cảm thấy ‘diều hâu’ hơn một chút so với trước đây,” với lý do nguy cơ lạm phát cao hơn.
Thậm chí, những lo ngại không chỉ dừng lại ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Ngay cả các nền kinh tế phát triển cũng trở nên cảnh giác hơn trước viễn cảnh đồng USD tiếp tục tăng giá.
Phát biểu trước thềm cuộc họp G20 sắp tới, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết: "Có thể [đồng USD] sẽ nằm trong chương trình nghị sự.
Trước đây, chúng tôi đã từng thảo luận về vấn đề tháo chạy vốn (Tiếng Anh là Capital Flight. Đây là hiện tượng dòng vốn chảy ra từ một quốc gia do các nguyên nhân tiêu cực như bất ổn chính trị và tiền tệ mất giá)."
Sức mạnh ngày càng tăng của đồng USD cũng có thể sẽ là một chủ đề tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm Các nước Công nghiệp Phát triển Hàng đầu Thế giới (G7) được tổ chức cùng với cuộc họp G20.
Bộ Tài chính Nhật Bản dự định sẽ yêu cầu G7 và G20 thảo luận về việc can thiệp ngoại hối khi đồng yen sụt giảm quá mức.
Chuyên gia Kota Hirayama của công ty chứng khoán SMBC Nikko nói: “Ngoài giá dầu tăng cao, nguy cơ lạm phát quay trở lại đang trở nên hiện hữu hơn ở các nền kinh tế mới nổi do tỷ giá hối đoái.
Nhưng các ngân hàng trung ương khó có thể tăng lãi suất. Thay vì phản ứng bằng chính sách tiền tệ, họ có thể sẽ tạm thời phản ứng trước sự mất giá của đồng tiền thông qua các biện pháp can thiệp để kéo dài thời gian."./.
Diệu Linh
Vietnamplus
|