Thứ Tư, 13/03/2024 10:02

Vũng lầy mang tên trái phiếu Novaland

Thập niên qua, hoạt động kinh doanh của NVL diễn ra theo 2 chu kỳ song hành với thị trường bất động sản, thăng hoa và… chấp nhận mọi sự mất mát bởi vũng lầy trái phiếu.

Xuất phát điểm từ một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc thú y, hóa chất, thức ăn gia súc và nguyên liệu dược vào những năm đầu thập niên 1990, năm 2007, khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, đón làn sóng đầu tư lớn, nguồn vốn thặng dư lớn đã chuyển dịch mạnh mẽ từ thị trường chứng khoán sang thị trường bất động sản. Đây cũng là thời điểm Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn chuyển thành Tập đoàn Novaland, lấn sân vào kinh doanh bất động sản. Kể từ đó, thăng trầm của thị trường bất động sản cũng chính là thăng trầm của ông lớn đầu ngành ở khu vực phía Nam này.

Xét trong giai đoạn 10 năm qua, từ 2014 - 2023, hoạt động kinh doanh của NVL diễn ra theo 2 chu kỳ song hành với thị trường bất động sản: Thăng hoa và mất mát.

Các chỉ tiêu kinh doanh về doanh thu và lợi nhuận của NVL đã tăng trưởng 2, thậm chí 3 con số mỗi năm trong giai đoạn 2014 - 2020, trước khi tuột dốc nhanh không kém. Năm 2018 - 2020 là thời kỳ đỉnh cao nhất của NVL. Đây cũng là thời điểm thị trường bất động sản nóng sốt khắp nơi. Doanh thu NVL vượt mốc 15 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận ròng mỗi năm duy trì trên 3 ngàn tỷ đồng.

Doanh thu và tăng trưởng doanh thu 10 năm của NVL

Đi cùng với mức tăng trưởng 2 con số của lợi nhuận, biên lãi gộp trung bình trong suốt 10 năm tới 29%/năm - con số “đáng mơ ước” của không ít doanh nghiệp.

Biên lãi gộp 10 năm qua của NVL
Nguồn: VietstockFinance
Lãi ròng và tăng trưởng lãi ròng 10 năm của NVL
Nguồn: VietstockFinance

Tuy nhiên, bước vào giai đoạn 2021 - 2023, hoạt động kinh doanh của NVL tụt dốc không phanh trước sự ảnh hưởng khôn lường từ cơn sốt mang tên trái phiếu doanh nghiệp.

Vũng lầy trái phiếu

Cùng với bước tăng trưởng thần tốc những năm qua, NVL là doanh nghiệp niêm yết tích cực phát hành trái phiếu nhất nhì trên thị trường. Trong nhiều năm liên tiếp, dư nợ trái phiếu của NVL năm sau gấp rưỡi năm trước. Dư nợ trái phiếu trên tổng nợ vay của NVL xét trong 10 năm qua chiếm trung bình tới 53%, tức hơn một nửa nợ vay xuất phát từ trái phiếu. Và hơn hết, các trái chủ công khai của NVL đều là các tổ chức tín dụng, tài chính.

Một dự án của NVL - Ảnh: TM

Theo thống kê từ VietstockFinance, duy nhất năm 2014, NVL không phát sinh nợ trái phiếu ngắn hạn, tất cả đều là trái phiếu dài hạn do 2 ngân hàng quốc dân gồm Agribank, Vietcombank và ngân hàng tư nhân Sacombank nắm giữ. Cũng kể từ đó về sau, các nhà băng này không còn xuất hiện trong danh sách trái chủ của NVL.

Giai đoạn 2014 - 2017, dư nợ trái phiếu của NVL duy trì dưới 10 ngàn tỷ đồng. Đến 2018, năm sốt đất diễn ra, nợ trái phiếu bắt đầu tăng vọt lên 13.8 ngàn tỷ đồng, gần gấp đôi năm trước đó. Giai đoạn 2019 - 2022 chứng kiến sự bùng nổ trái phiếu NVL, khối lượng phát hành tăng vọt liên tục mỗi năm. Đây cũng là giai đoạn thị trường tài chính chứng kiến dòng vốn chảy mạnh mẽ về kênh trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, vì mức lãi suất hấp dẫn, điều kiện phát hành còn dễ dãi.

Năm 2022, trái phiếu NVL vượt hơn 44 ngàn tỷ đồng, chiếm 68% tổng nợ vay của doanh nghiệp. Nợ phải trả năm này của NVL lên đến gần 213 ngàn tỷ đồng (chiếm gần 83% tổng nguồn vốn) - con số khiến nhiều người phải giật mình.

Dư nợ trái phiếu của NVL 10 năm qua
Nguồn: VietstockFinance
Trái phiếu ngắn hạn và dài hạn của NVL 10 năm qua
Nguồn: VietstockFinance

Sau năm bùng nổ trái phiếu 2022, những sự vụ liên quan tới Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát đã khiến thị trường bất động sản lẫn trái phiếu vô cùng lao đao. Không những thế, khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19 thấm vào nền kinh tế trong nước. NVL có lẽ là một trong những ông lớn bị “cơn lốc xoáy” mang tên khủng hoảng niềm tin càn quét nặng nề nhất.

Danh sách trái chủ công khai những năm qua của NVL đến từ hơn 30 tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Trong đó, nắm giữ nhiều nhất là một loạt ngân hàng tư nhân trong nước.

Trái chủ của NVL 10 năm qua

Nguồn: Tổng hợp. Năm 2023: BCTC thể hiện là đơn vị tư vấn/đại lý phát hành

Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, doanh nghiệp này liên tục cầu cứu từ chính quyền địa phương tới trung ương, Chính phủ để hối thúc các thủ tục pháp lý gỡ vướng cho dự án, nhanh chóng xoay dòng vốn để thanh toán nợ. Trên thị trường xôn xao mỗi ngày câu chuyện NVL không còn tiền, tiền của NVL bị ngân hàng đóng băng, bao nhiêu tiền về thì đều bị phong tỏa để thanh toán nợ…

Chính NVL phải ra thông cáo khẳng định về diễn biến tiêu cực đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả hoạt động và tính thanh toán của Công ty và các công ty liên quan, đòi hỏi phải cơ cấu các nghĩa vụ nợ của Tập đoàn. Việc thanh toán lãi nhiều lô trái phiếu đã không thực hiện được đúng hạn, Công ty không đủ tiền mặt duy trì cho các hoạt động liên tục, trong thông cáo nói về lô trái phiếu chuyển đổi 300 triệu USD của NVL.

Phải nói rằng, rất rất nhiều hội nghị giữa NVL và hàng chục công ty con, công ty liên quan với người giữ trái phiếu đã diễn ra để mong tìm giải pháp hoãn nợ, giãn nợ, chuyển nợ thành cổ phần, thậm chí bán tài sản, đổi sản phẩm bất động sản với trái phiếu…

“Cực chẳng đã”, Chủ tịch NVL Bùi Thành Nhơn, trong ĐHĐCĐ thường niên 2023, đã phải gửi lời xin lỗi tới nhà đầu tư, đối tác, nhà thầu, nhà cung cấp, nhân viên bị nghỉ việc... và tất cả bên hữu quan đã bị ảnh hưởng do sự cố của Tập đoàn.

Ông Nhơn thừa nhận, trong cơn khủng hoảng, không có tiền hoạt động, tiền vốn và bán hàng bị ngân hàng siết chặt: “Chúng tôi chấp nhận mọi sự mất mát”.

Thu Minh

FILI

Các tin tức khác

>   VRE12007: Thông báo lãi suất Kỳ Tính Lãi 15 của Trái phiếu VCR08202501 mã chứng khoán VRE12007 (22/02/2024)

>   LPB: Thông báo Lãi suất Trái Phiếu LPB10Y202104 (LPB122011) của Kỳ Tính Lãi thứ 3 (22/02/2024)

>   APH: Thông báo ngày ĐKCC để thực hiện quyền nhận tiền gốc và lãi trái phiếu APHH2124001 (21/02/2024)

>   APH: Thông báo ngày ĐKCC để thực hiện quyền nhận lãi trái phiếu doanh nghiệp APHH2325001 (21/02/2024)

>   LPB123016: Thông báo Lãi suất Trái Phiếu LPB10Y202104 (LPB122011) của Kỳ Tính Lãi thứ 3 (21/02/2024)

>   MML121021: Thông báo lãi suất cho Kỳ tính lãi 06 của trái phiếu MMLB2126001 (21/02/2024)

>   LPB122011: Thông báo Lãi suất Trái Phiếu LPB10Y202104 (LPB122011) của Kỳ Tính Lãi thứ 3 (21/02/2024)

>   MML: Thông báo lãi suất cho Kỳ tính lãi 06 của trái phiếu MMLB2126001 (20/02/2024)

>   Xuân Thiện Đắk Lắk chi hơn 1.4 ngàn tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn (20/02/2024)

>   VNG122002: Công bố thông tin Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp (31/01/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật