Triển vọng nền kinh tế Trung Quốc có thêm các tín hiệu lạc quan mới
Ngân hàng Citi vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay lên 5% từ mức 4,6% với lý do "dữ liệu tích cực gần đây và việc đưa ra chính sách phù hợp."
Bên trong nhà máy sản xuất ôtô ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)
|
Thông tin từ một cuộc khảo sát chính thức của Trung Quốc cho biết hoạt động sản xuất vào tháng Ba đã mở rộng lần đầu tiên sau sáu tháng, đem lại tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế lớn nhất châu Á và giúp củng cố hướng đi chính sách của các nhà lãnh đạo quốc gia.
Cụ thể, Chỉ số Quản lý Mua hàng chính thức (PMI) của Trung Quốc đã tăng lên 50,8 điểm trong tháng 3/2023, sau khi đạt mức 49,1 điểm vào tháng trước đó.
Con số này thậm chí cao hơn so với dự báo trung bình là 49,9 điểm ghi nhận trong một cuộc thăm dò trước đó của hãng tin Reuters và lần đầu tiên sau sáu tháng vượt qua mức chuẩn 50 điểm.
Chỉ số PMI phi sản xuất chính thức, bao gồm dịch vụ và xây dựng, đã tăng lên 53 điểm, lớn hơn con số 51,4 điểm trong tháng Hai, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 9/2023.
Nhờ các chỉ số kinh tế có phần tích cực được công bố gần đây, các nhà phân tích và giới chuyên gia bắt đầu điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Điều này cũng cho thấy triển vọng tăng trưởng 5% mà Thủ tướng Lý Cường đặt ra cho nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đạt được.
Ngân hàng Citi, ngày 28/3, đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay lên 5% từ mức 4,6%, với lý do "dữ liệu tích cực gần đây và việc đưa ra chính sách phù hợp."
Báo cáo của công ty tư vấn kinh tế China Beige Book, vào tuần trước, nhận định: “Dữ liệu tháng Ba cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã sẵn sàng cho một quý đầu năm 2024 tăng trưởng mạnh mẽ. Thị trường tuyển dụng đã ghi nhận khoảng thời gian cải thiện dài nhất kể từ cuối năm 2020. Trong khi, hoạt động sản xuất cũng như bán lẻ đều tăng trưởng."
Tuy nhiên, đà sụt giảm lớn trong lĩnh vực bất động sản của gã khổng lồ châu Á vẫn là lực cản lớn đối với tăng trưởng. Hơn nữa, nợ chính quyền địa phương chưa được giải quyết triệt để và vấn đề nợ tín dụng vẫn là một “rào cản” đối với các ngân hàng địa phương.
Trong báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc được trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ hai Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại - tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV vào sáng 5/3 tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Cường nêu mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt khoảng 5%, tương đương mục tiêu mà nước này đặt ra cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Báo cáo cũng cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp, chính sách nhằm ổn định lĩnh vực bất động sản, đảm bảo sự ổn định tài chính và kinh tế đất nước.
Để cải thiện môi trường tiêu dùng trong nước, Trung Quốc sẽ triển khai chương trình kích thích tiêu dùng trong năm 2024, với kỳ vọng chương trình này có thể tạo ra nhu cầu thị trường hơn 5.000 tỷ nhân dân tệ (691,63 tỷ USD) hàng năm.
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) Phan Công Thắng, ngày 6/3 khẳng định sẽ có động thái thúc đẩy mở cửa lĩnh vực tài chính ở mức độ cao.
Ông cam kết PBoC sẽ nỗ lực hơn nữa để tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và tài chính xuyên biên giới, đồng thời thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ./.
Diệu Nhi
Vietnamplus
|