Tổ chức tài chính khác không còn thuộc đối tượng tham gia giao dịch môi giới tiền tệ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-NHNN ngày 30/06/2016 quy định hoạt động môi giới tiền tệ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 về đối tượng áp dụng:
Bên môi giới tiền tệ (bên môi giới) là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được NHNN chấp thuận hoạt động môi giới tiền tệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại hoặc Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài do NHNN cấp.
Khách hàng được môi giới tiền tệ (khách hàng) là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng.
Theo NHNN việc điều chỉnh đối tượng áp dụng (bỏ tổ chức tài chính khác không phải là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) để phù hợp với quy định về môi giới tiền tệ tại Khoản 20 Điều 4 Luật tổ chức tín dụng 2024 "Môi giới tiền tệ là việc làm trung gian có thu phí môi giới để thu xếp thực hiện hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật này giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài".
Sửa phương thức thực hiện môi giới tiền tệ
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 6 Phương thức thực hiện môi giới tiền tệ:
Bên môi giới có thể thực hiện hoạt động môi giới tiền tệ với khách hàng thông qua giao dịch trực tiếp hoặc giao dịch điện tử theo quy định của Luật Giao dịch điện tử.
NHNN cho biết, việc sửa đổi nội dung liên quan tới phương thức thực hiện môi giới tiền tệ, cụ thể thay "hoặc gián tiếp qua mạng máy vi tính và/hoặc điện thoại hoặc các phương thức khác do các bên thỏa thuận phù hợp với Điều kiện của các bên, tuân thủ quy định của pháp luật" bằng "hoặc giao dịch điện tử theo quy định của Luật Giao dịch điện tử" để phù hợp với Luật giao dịch điện tử 2023 và tình hình thực tiễn.
Kha Nguyễn
FILI
|