Thu hơn 600 tỷ trong 2 tháng đầu năm, TCM dự kiến mua dự án hàng trăm tỷ từ đối tác
Tình hình kinh doanh của Dệt may Thành Công (HOSE: TCM) đang có tín hiệu tốt, xuất khẩu các thị trường chủ lực lấy lại tăng trưởng. Sắp tới, TCM sẽ chi gần 500 tỷ đồng nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư của một công ty dệt từ đối tác chiến lược E-land Asia.
CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công ước tính sơ bộ kết quả kinh doanh tháng 2/2024 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trái chiều so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lãi sau thuế cải thiện 18% lên 676 ngàn USD (tương đương gần 17 tỷ đồng), mặc dù doanh thu giảm 2% xuống 10.8 triệu USD (khoảng 267 tỷ đồng).
Tuy nhiên, so với tháng 1, doanh thu và lợi nhuận của TCM đều giảm 2 con số, chủ yếu do Công ty nghỉ Tết Nguyên đán 11 ngày, nên kết quả kinh doanh thấp hơn tháng Giêng, theo lời lãnh đạo TCM.
Tháng 2, doanh thu TCM đến từ 3 mảng chính, trong đó sản phẩm may đóng góp nhiều nhất (chiếm 78% tổng doanh thu), tiếp theo là vải chiếm 13% và sợi chiếm 7%.
Xét về thị trường xuất khẩu, châu Á vẫn giữ chủ đạo chiếm 71.9%, dẫn đầu là Hàn Quốc (24.04%), Nhật Bản (19.93%), Trung Quốc (18.78%) và Việt Nam (5,66%). Tiếp đến, thị trường châu Mỹ chiếm 25.6%, riêng Mỹ (16.59%); cuối cùng sang châu Âu chỉ chiếm 2.2%.
Doanh thu lũy kế 2 tháng của TCM ước đạt 25.19 triệu USD (hơn 624 tỷ đồng) và lãi sau thuế 1.65 triệu USD (khoảng 41 tỷ đồng), tăng mạnh 20% và 40% so với cùng kỳ.
So với kế hoạch 2024 trình ĐHĐCĐ với doanh thu 3,707 tỷ đồng và lãi sau thuế 161 tỷ đồng, Công ty đã thực hiện được gần 19% chỉ tiêu doanh thu và hơn 25% mục tiêu lợi nhuận trong 2 tháng đầu năm.
Kết quả trên đạt được chủ yếu nhờ tình hình thị trường tiêu dùng hàng dệt may thế giới dần ấm lại, cùng với nỗ lực tìm kiếm đơn hàng của Doanh nghiệp. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may 2 tháng đầu năm ước đạt 5.2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ và xếp thứ 4 trong nhóm mặt hàng có kim ngạch cao nhất cả nước.
Lãnh đạo TCM cho biết đến hiện tại, doanh thu ước tính cho đơn hàng quý 1/2024 cao hơn so với cùng kỳ. Công ty đã và đang nhận khoảng 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 2.
Chi gần 500 tỷ đồng mua dự án của công ty dệt may
Về tình hình hoạt động, HĐQT TCM đã phê duyệt giao dịch nhận chuyển nhượng dự án đầu tư của Công ty TNHH Dệt may SY Vina, là công ty thuộc sở hữu toàn bộ của E-Land Asia Holdings - cổ đông lớn nhất của TCM sở hữu gần 47% vốn.
Phương thức nhận chuyển nhượng là mua lại toàn bộ tài sản và quyền triển khai dự án đầu tư. Giá trị chuyển nhượng khoảng 468 tỷ đồng (chưa gồm thuế VAT). Sau khi hoàn tất thương vụ, TCM sẽ là chủ sở hữu trực tiếp dự án của Dệt may SY Vina. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về dự án, công suất vẫn chưa được công bố.
Một góc nhà máy Dệt May SY Vina treo biển tuyển dụng lao động hồi tháng 5/2023
|
Dệt may SY Vina được thành lập từ tháng 4/1997, hoạt động chính là nhuộm, hoàn tất vải do các nhà máy dệt tại Việt Nam sản xuất, nhập vải mộc, gia công hoàn tất để xuất khẩu. Địa chỉ Công ty đặt tại KCN Nhơn Trạch II, thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Tổng số lao động hơn 700 người, theo số liệu đầu tháng 3/2023.
Vốn điều lệ của Dệt may SY Vina hiện ở mức 403 tỷ đồng, do ông Choi Haeoi là người đại diện cho E-land Asia sở hữu toàn bộ vốn. Ông Shin Seungsuck đang là Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật của Công ty.
Thế Mạnh
FILI
|