Thứ Sáu, 01/03/2024 10:05

Tăng trần giá vé máy bay gây tác động ra sao?

Các hãng hàng không khẳng định sẽ áp dụng chính sách linh hoạt sau khi tăng trần giá vé máy bay nhưng doanh nghiệp du lịch vẫn lo khách rủ nhau đi tour nước ngoài.

Theo Thông tư 34/2023 của Bộ Giao thông Vận tải, từ hôm nay, 1-3, trần giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 3,75% so với hiện hành, tương đương tăng 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều.

Tăng trần để bù đắp chi phí?

Cụ thể, đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2,25 triệu đồng/vé/chiều. Với đường bay có khoảng cách 850 km đến dưới 1.000 km, giá vé tối đa là 2,89 triệu đồng/vé/chiều. Đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần 3,4 triệu đồng/vé/chiều. Đường bay có khoảng cách 1.280 km trở lên sẽ có giá trần 4 triệu đồng/vé/chiều.

Theo một cán bộ Cục Hàng không Việt Nam, mức tăng này chỉ đủ để các hãng hàng không bù đắp phần nào chi phí trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn sau dịch COVID-19.

Cục Hàng không Việt Nam cũng khẳng định các hãng đều xây dựng sản phẩm và giá vé máy bay nội địa trong khung giá quy định, phù hợp nhu cầu của hành khách và thị trường từng giai đoạn. Chẳng hạn, trong giai đoạn cao điểm, các hãng sẽ tăng tỉ lệ bán vé, còn ở những giai đoạn thấp điểm hoặc với các chuyến bay lệch đầu thì giá vé sẽ hạ.

"Việc áp dụng chính sách giá linh hoạt, đa dạng đã mang lại cơ hội cho người dân tham gia vận chuyển bằng đường hàng không với mức giá phù hợp trong khi hãng có cơ hội lấp đầy chỗ trống, nhất là với giai đoạn thấp điểm, chuyến bay đêm. Qua đó, góp phần thúc đẩy thị trường hàng không nội địa phát triển với sự cạnh tranh khá sôi động về chính sách vận chuyển của các hãng" - cán bộ Cục Hàng không Việt Nam nói.

Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, lần điều chỉnh trần giá vé máy bay gần đây nhất là vào năm 2015. Rất nhiều chi phí đầu vào của ngành hàng không đã thay đổi trong gần 10 năm qua, đặc biệt là giá nhiên liệu, tỉ giá. Việc tăng trần giá vé máy bay nội địa từ ngày 1-3 là điều kiện để các hãng bù đắp chi phí và là cơ hội để các hãng tiếp tục điều chỉnh dải giá vé trên hệ thống các đường bay nội địa.

"Giá vé máy bay hiện nay được thực hiện theo cơ chế linh hoạt, tùy tình hình thị trường, điều kiện vé, thời điểm xuất vé... Dù tăng trần giá vé máy bay nội địa song mặt bằng giá năm nay sẽ tương đương năm ngoái. Riêng mùa hè 2024, hãng sẽ áp dụng chính sách giá ở mức tối ưu trong quy định giá trần" - lãnh đạo Vietnam Airlines thông tin.

Đại diện Vietravel Airlines cũng cho rằng khung giá hiện tại trên các chặng bay nội địa chưa bảo đảm chi phí vận hành, hiệu suất lợi nhuận trong dài hạn. Thực tế, đợt cao điểm Tết năm 2024 ghi nhận nhu cầu tăng cao nhưng thị trường vận tải hàng không nội địa vẫn giảm 13% so với năm trước.

Theo Vietravel Airlines, những diễn biến mới của thị trường và khả năng cung ứng của các hãng có thể ảnh hưởng đến giá vé máy bay trong năm nay. Việc tăng giá trần giúp các hãng hàng không cân đối được các khoản chi phí trực tiếp và gián tiếp, bảo đảm hoạt động khai thác trong dài hạn.

Trần giá vé máy bay nội địa tăng từ ngày 1-3 có thể ảnh hưởng đến du lịch trong nướcẢnh: LAM GIANG

Trần giá vé máy bay nội địa tăng từ ngày 1-3 có thể ảnh hưởng đến du lịch trong nướcẢnh: LAM GIANG

Lo tăng giá tour nội

Một ngày trước thời điểm tăng trần giá vé máy bay, đại diện một công ty du lịch cho hay ban lãnh đạo vừa quyết định chuyển tiền ký quỹ cho cả mùa hè năm nay vào chiều 29-2 để giữ được mức giá vé máy bay không thay đổi.

Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Công ty Du lịch Việt, cho rằng năm 2023, giá vé máy bay cao đã khiến giá tour trong nước tăng, làm giảm sự lựa chọn của du khách đối với những điểm đến nội địa như Phú Quốc, Hạ Long... Sau khi so sánh giá tour nội địa với các điểm du lịch lân cận như Thái Lan, Singapore..., nhiều người quyết định đi du lịch nước ngoài. "Ảnh hưởng của việc tăng trần giá vé máy bay nội địa chưa thấy rõ tức thì vì nhu cầu hiện chưa cao nhưng khoảng cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, khi nhu cầu tăng cao thì tác động có thể thấy rõ" - ông Vũ nhận định.

Ở góc nhìn ngược lại, không ít doanh nghiệp lữ hành cho rằng việc tăng trần giá vé máy bay sẽ tác động tức thì tới ngành du lịch. Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông - marketing Công ty TSTtourist, giá tour nội địa buộc phải điều chỉnh tương ứng ngay sau khi tăng trần giá vé máy bay. Dù vậy, mức điều chỉnh giá trần lần này vẫn chấp nhận được.

Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, phản ánh dù chưa vào cao điểm hè nhưng giá vé máy bay đã tăng cao; nhiều khách có kế hoạch đặt tour sớm đang ưu tiên chọn địa điểm gần, di chuyển bằng đường bộ. Bên cạnh đó, nhu cầu của khách có xu hướng dịch chuyển sang chọn tour nước ngoài khi giá vé máy bay đi nước ngoài cạnh tranh hơn.

Theo ghi nhận, chặng bay từ TP HCM đi Hà Nội, Phú Quốc, Nha Trang... trong tháng 3-2024 đang có giá rất cao. Nghịch lý là chặng TP HCM - Hà Nội có giá vé khứ hồi khoảng 4,5 - 6 triệu đồng/người trong khi giá tour 4 ngày chỉ tầm 3,5 - 4 triệu đồng/người. "Nếu tổng chi phí tour - gồm cả vé máy bay - vào khoảng 7-10 triệu đồng/người thì du khách sẽ chọn đi Thái Lan, Singapore nhiều hơn. Nhiều công ty du lịch không dám "ôm" nhiều vé máy bay như trước vì sợ giá biến động" - ông Huy nói.

Trong bối cảnh tăng trần giá vé máy bay, nhiều dự báo cho rằng những điểm du lịch có thể di chuyển bằng đường bộ và du lịch tự túc sẽ được ưa chuộng. Với khách khởi hành từ TP HCM, theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, khách có thể đổi từ tour trọn gói sang du lịch tự túc ở những điểm đến như Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang... "Khi các tuyến cao tốc giúp việc di chuyển bằng đường bộ thuận lợi hơn, các doanh nghiệp lữ hành cũng phải xoay xở để ứng phó. Thời gian qua, chúng tôi đã chuyển hướng sang cung cấp sản phẩm dịch vụ tự chọn tại điểm đến, không chỉ là đặt phòng khách sạn mà còn đặt vé tại các nơi tham quan, khu vui chơi hoặc nhà hàng... để đáp ứng mọi nhu cầu cho khách đi tour tự túc" - bà Trà cho hay. 

Không để xảy ra tăng giá vé trái quy định

Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không thực hiện đúng các quy định, triển khai bán vé trong phạm vi khung giá và chính sách giá vận chuyển nội địa của hãng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát để hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho hành khách đi lại bằng đường hàng không, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định.

Sau Tết, giá vé máy bay vẫn rất cao

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại hành khách vẫn phải mua vé máy bay với giá cao bằng thời gian cao điểm Tết Nguyên đán 2024.

Vừa trở về từ Hà Nội 2 ngày trước, anh Nguyễn Phương Nam (ngụ tỉnh Đồng Nai) cho biết vé chặng Hà Nội - TP HCM có giá 3 triệu đồng/lượt, cao gần gấp 3 lần so với giá vé chiều ngược lại mua khoảng 2 tuần trước. Tương tự, chị Trần Thùy Linh (ngụ TP HCM) vừa phải mua vé chặng Hải Phòng - TP HCM khởi hành ngày 1-3 với giá 4 triệu đồng/lượt. "Ngày Tết, giá vé chặng này cũng chỉ khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/lượt, giờ đã qua rằm tháng giêng mà sao vẫn rất cao?" - chị Linh băn khoăn.

Nhiều người có kế hoạch bay từ các tỉnh phía Bắc vào TP HCM đã phải lùi lại vài ngày, thậm chí lùi về cuối tháng giêng để chờ vé máy bay giảm.

Đại diện một hãng hàng không giải thích thời điểm này, nhu cầu bay từ các tỉnh phía Bắc vào TP HCM vẫn cao nên giá vé chưa hạ. Khoảng 1 - 2 tuần nữa là vào mùa thấp điểm, nhu cầu giảm nên giá vé sẽ giảm theo.

Liên quan thông tin công suất khai thác chuyến bay của một số hãng giảm, theo tìm hiểu của phóng viên, do động cơ Pratt&Whitney sử dụng trên máy bay dòng A321 gặp vấn đề nên hãng phải dừng khai thác dòng này. Trong khi đó, một số hãng sử dụng dòng A321 là chủ lực.

Bên lề Hội nghị Hàng không quốc tế (IAS) vừa diễn ra, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết việc đứt gãy chuỗi cung ứng liên quan động cơ Pratt&Whitney đã khiến 12 máy bay A321 của hãng - tương đương 20% đội bay chủ lực cho chặng nội địa - phải dừng bay.

T.Phương

LINH ANH - DƯƠNG NGỌC

Người lao động

Các tin tức khác

>   Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3 triệu lượt người trong 2 tháng, tăng 68.7% so với cùng kỳ năm trước (29/02/2024)

>   Vé số Vietlott bán qua Vinaphone trúng giải Jackpot (23/02/2024)

>   Cảnh báo mạo danh nhân viên của KIS lập quỹ đầu tư GEM Việt Nam (23/02/2024)

>   Sở GD-ĐT TP HCM: Chưa cho phép 39 Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders hoạt động trở lại (23/02/2024)

>   Mua 'xác' quất sau Tết, kiếm tiền triệu mỗi ngày (23/02/2024)

>   Bán hàng online giảm tốc sau Tết (22/02/2024)

>   Thấy gì từ tín hiệu 'hái ra tiền' dịp Tết? (22/02/2024)

>   Tiểu thương chợ Thủ Đức tá hỏa khi giá thuê sạp tăng từ 2,5 - 4 lần (21/02/2024)

>   Đã có người Việt đầu tiên bỏ ra 3,5 tỷ đồng mua TV của Samsung (21/02/2024)

>   Chưa giàu đã già, nhiều người 7X, 8X sẽ phải sống bằng nghề bồi bàn (21/02/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật